Bên lề

Chuyển nhượng Tây, chuyển nhượng ta

21/11/2018, 11:13

Cả Man City và Chelsea đều đang đứng trước nguy cơ nhận án cấm chuyển nhượng của FIFA vì cố tình thực hiện...

Aguero

Man City đang đứng trước án phạt cấm chuyển nhượng

FIFA đã quy định rõ, với cầu thủ 18 tuổi cần đáp ứng được yêu cầu nhất định mới có thể tiến hành giao dịch. Tuy nhiên, vì lợi ích của mình, đa phần đội bóng lớn đều tìm cách lách luật hoặc xé rào. Barcelona từng dính án cấm chuyển nhượng 1 năm do chuyển nhượng sai luật. Real Madrid nhẹ nhàng hơn cũng bị cấm mua bán cầu thủ ở kỳ chuyển nhượng mùa đông năm 2017.

Những CLB lớn, họ thừa khả năng để nắm bắt, cập nhật quy định chuyển nhượng từ FIFA. Nhưng cầu thủ trẻ giống như cục nam châm, khiến họ bị thu hút, dẫn tới vi phạm. Ai cũng muốn tìm được ngọc thô chất lượng để mài dũa thành tài. So với việc bỏ cả đống tiền ra mua các ngôi sao, việc thu gom tài năng trẻ ít tốn kém hơn rất nhiều. Đương nhiên, không phải cứ tài năng trẻ sẽ trở thành cầu thủ lớn khi được đào tạo nhưng dù xác xuất thành công nhỏ, nhiều đội bóng vẫn chọn phương án “phá rào”. Hơn ai hết, họ hiểu rằng nguồn nhân lực trẻ mới là nền tảng của đội bóng.

Nhìn người lại ngẫm tới ta, giả sử Chelsea, Man City, Barcelona hay Real Madrid chơi tại V-League, họ chắc chắn sẽ khóc dở mếu dở với các quy định chuyển nhượng. Ở V-League, tuổi chuyển nhượng của cầu thủ thường là 25. Tức là trước 25 tuổi, mọi cầu thủ phải thi đấu cho CLB đào tạo ra mình, với bản hợp đồng dành cho cầu thủ trẻ cùng mức lương rẻ mạt.

Bóng đá là một nghề đặc biệt, nơi tuổi nghề khá hạn chế, thường chỉ từ 10-15 năm, với trường hợp khỏe mạnh. Chỉ cần dính chấn thương nặng, một cầu thủ có thể bỏ dở sự nghiệp bất cứ lúc nào. Từ đó mới thấy quy định chuyển nhượng ở V-League quá thiếu hợp lý. Ngoài việc hạn chế khả năng phát triển của cầu thủ, việc kéo dài thời gian ràng buộc những cầu thủ do mình đào tạo ra sẽ khiến CLB đánh mất những cơ hội kiếm tiền. Còn về tổng thể, nó khiến thị trường chuyển nhượng tại Việt Nam trở nên hiu hắt.

Chẳng phải bỗng dưng những cầu thủ thay đổi CLB tại V-League đều rơi vào trường hợp hết hạn hợp đồng hoặc bị chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Đồng nghĩa rằng chất lượng những cầu thủ đó bị đặt dấu hỏi. Dòng chảy chuyển nhượng là một phần tất yếu của một giải bóng đá, một nền bóng đá. Dòng chảy này mạnh mẽ không chỉ giúp giải bóng đá đó thu hút được nhiều nhân tài, mà còn là cơ hội để các CLB kinh doanh sản phẩm do mình đào tạo ra. Đó là mới là chuyển nhượng chuyên nghiệp. Còn như hiện tại, thị trường chuyển nhượng cầu thủ V-League đi ngược với quy luật phát triển và vô tình trở thành rào cản kéo lùi nền bóng đá.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.