Dinh dưỡng cho các VĐV là yếu tố rất quan trọng |
Giữa tuần trước, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức lễ tổng kết chiến dịch Olympic Rio 2016. Nhờ kỳ tích của Hoàng Xuân Vinh mà buổi lễ diễn ra với không khí rất phấn khởi. Hội trường lớn khách sạn Melia có phần trùng xuống khi tới phần các VĐV được bày tỏ nguyện vọng. Trước đó, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện “bật đèn xanh” rằng ai cũng có thể nói lên tâm tư của mình một cách thẳng thắn. Dễ dàng nhận thấy, ngoài mong muốn điều kiện tập luyện được cải thiện, các ý kiến đều tập trung vào việc được nâng cao chế độ dinh dưỡng và tăng tiền công tập luyện.
Theo quy định của ngành Thể thao, mỗi VĐV dự Olympic sẽ được hưởng chế độ 300 nghìn đồng tiền công và 400 nghìn đồng tiền ăn/ngày. Khi kết thúc Olympic, các VĐV trở về đội tuyển sẽ chỉ nhận chế độ tiền công 150 nghìn đồng và 200 nghìn đồng tiền ăn/ngày. Mức chi này so với mặt bằng xã hội không quá thấp nhưng ở môi trường chuyên biệt như thể thao, những con số trên rõ ràng đã “lạc hậu”.
Tập luyện thể thao, đặc biệt thể thao đỉnh cao luôn đòi hỏi sự vận động cường độ mạnh, liên tục nên nhu cầu dinh dưỡng sẽ lớn hơn bình thường. Làm một phép tính đơn giản, với 200 nghìn tiền ăn/ngày, gần 70 nghìn đồng/bữa, VĐV chắc chắn chỉ có được thực đơn no bụng chứ chưa thể đảm bảo đủ chất dinh dưỡng theo đúng tiêu chuẩn. Lẽ dĩ nhiên, khi cái bụng bị “bạc đãi”, thể chất của VĐV cũng chẳng được cải thiện. Ngoài bộ phận nhỏ VĐV có thành tích cao, nhận được tài trợ, đủ sức bổ sung chế độ dinh dưỡng cho mình, đại đa số VĐV Việt Nam hiện nay đều rơi vào tình trạng ăn cho no chứ không thể ăn ngon.
Sau kỳ Olympic thành công trên đất Brasil, ngành Thể thao đang hô hào xây dựng lộ trình, kế hoạch cho Olympic Tokyo 2020. Nhiều phát biểu “đao to, búa lớn” được đưa ra cùng đích ngắm tiếp tục giành HCV nhưng điều cơ bản nhất là chuyện cái bụng của VĐV thì chẳng ai đề cập. Trong tất cả các kế hoạch, VĐV là yếu tố trung tâm chứ không phải bất kỳ yếu tố nào khác. Vậy nên, khi cái bụng của VĐV còn chưa ấm thì những thứ cao xa khác cũng chỉ như “nghe hơi nồi chõ”.
Đành rằng, ngành Thể thao còn nhiều khó khăn nhưng khó khăn không có nghĩa là cứ mãi chấp nhận nó. Tin rằng, nếu có một cơ chế mở, cùng việc đẩy mạnh hơn nữa công tác xã hội hóa, ngành Thể thao sẽ nhận thêm được nhiều sự chung tay của doanh nghiệp trong và ngoài nước. Hơn lúc nào hết, thể thao Việt Nam đang đứng trước vận hội lớn nhờ cú hích Hoàng Xuân Vinh. Thế nhưng, việc tận dụng thời cơ ra sao còn là câu chuyện ngành Thể thao cần ngồi lại với nhau. Chỉ mong, dù làm gì, làm như thế nào, VĐV hay cụ thể hơn là cái bụng của VĐV phải được quan tâm hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận