Ít ai biết, nữ đạo diễn là tác giả đầu tiên của Việt Nam có phim vào danh sách đề cử rút gọn của Oscar 2023 (top 15).
Ẵm hàng chục giải thưởng trước khi đến Oscar
Đạo diễn Hà Lệ Diễm
Tờ Variety gọi “Những đứa trẻ trong sương” là “bộ phim Việt Nam phi thường”, sau khi trở thành phim Việt đầu tiên vào top 15 danh sách đề cử rút gọn của Oscar. Không được lọt vào top 5 đề cử, chị có tiếc nuối?
Tôi không tiếc nuối gì cả, vì chính tôi cũng không ngờ phim của mình vào được danh sách rút gọn. Khi nhìn bộ phim của mình phải cạnh tranh với 144 tác phẩm tài liệu khác cùng gửi dự thi Oscar 2023 - trong số này gồm cả rất nhiều cái tên đã dạn dày kinh nghiệm “chinh chiến” tại các liên hoan phim, đề cập đến những chủ đề rất lớn lao, tôi đã tự nhủ “chắc chẳng đến lượt mình”.
Tôi là đạo diễn trẻ, đây là phim tài liệu dài đầu tay tôi làm nữa, việc được mọi người đánh giá cao là điều khiến tôi rất vui, hãnh diện. Nhưng tôi nghĩ mình vẫn là một người đang học làm phim và còn nhỏ bé so với bạn bè trên thế giới. Tôi sẽ cố gắng học tập, làm việc mỗi ngày.
Trước Oscar, chị có nhớ “Những đứa trẻ trong sương” đã tham dự những giải thưởng nào không?
Theo tôi tìm hiểu website của nhà phát hành thì phim đã tham gia gần 100 liên hoan phim lớn nhỏ rồi. Nhưng danh sách này vẫn chưa đầy đủ đâu. Vì có giải tôi được ban tổ chức báo tin, đề nghị quay video phát biểu nhận giải nhưng cũng có những giải được trao nhưng ban tổ chức không thông báo. Tổng số giải thưởng thì chắc khoảng 25, 26 giải gì đó. Tôi cũng không nhớ rõ.
Tôi như kẻ “tay không bắt giặc”
Hà Lệ Diễm (phải) và nhân vật Di trong phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương”
Hành trình chinh phục các giải thưởng có vất vả như lúc chị một mình thực hiện bộ phim này?
Ban đầu tôi cũng không đặt mục tiêu gửi phim tới Oscar mà chỉ nghĩ sẽ đưa nó đi xa nhất có thể, được đến đâu hay đến đấy.
Bước ngoặt đến khi phim thắng giải Phim tài liệu quốc tế xuất sắc tại Liên hoan phim DocAviv 2022 tổ chức ở Israel.
Thắng giải thưởng này đồng nghĩa bộ phim đã đủ điều kiện gửi tham dự Oscar. Sau đó, Ban tổ chức đã hỗ trợ nhà phát hành tại các thị trường quốc tế làm hồ sơ gửi đi Oscar.
Còn về quá trình quay, chắc chắn vất vả hơn rất nhiều. Lúc bắt tay vào làm phim, tôi như kẻ “tay không bắt giặc”, không có máy quay, micro, ống kính và cả… không tiền.
Tất cả tôi đều đi mượn, từ chiếc máy quay đến chiếc micro. Việc ăn uống ngủ nghỉ ở Sa Pa (Lào Cai) trong mấy năm làm phim cũng nương nhờ gia đình Di (nhân vật chính trong phim – PV).
Mãi đến năm 2019, tôi mới nhận được hỗ trợ đầu tiên từ một quỹ của Hàn Quốc, sau đó có thêm nhiều quỹ khác.
Chị đã “tay không bắt giặc” thế nào trong suốt gần 4 năm ấy?
Năm 2017 tôi lên Sa Pa, theo một chương trình sáng tác và sống cùng cộng đồng người dân tộc thiểu số, tôi gặp Di – một cô bé người Mông 12 tuổi.
Nhìn cảnh Di và đám trẻ con chơi với nhau rất vui, tôi nhớ lại quãng thời gian vô tư, luôn muốn được trở về và nảy ra ý tưởng làm một bộ phim về tuổi thơ trong trẻo.
Nhưng khi gắn bó một thời gian, tôi hiểu thêm văn hóa của cộng đồng người Mông, như là tục kéo vợ, chuyện bọn trẻ bị bắt cóc bán sang biên giới. Tôi bắt đầu sợ, khi nhìn bọn trẻ lớn lên mà không biết chúng sẽ biến mất lúc nào. Ý tưởng làm “Những đứa trẻ trong sương” đột ngột “quay xe” từ đó.
Bộ phim dài 92 phút, tôi quay Di từ năm 2017, trong 3 năm rưỡi, từ lúc cô bé hơn 12 tuổi đến khi hơn 15 tuổi, thu được hơn 100 giờ quay. Khi quay phim, đa phần là tôi tự quay hết. Mỗi năm, tôi lại lên Sa Pa 5 - 6 lần và mỗi tuần ôm máy quay 3 - 4 ngày.
Cách làm phim của chị thật lạ, có khi nào chị sợ mình bị mất phương hướng khi vừa đi vừa dò, lại còn “tay không bắt giặc”?
Một số nhà làm phim, ngay từ lúc chưa bấm máy, họ đã biết phim của mình làm ra để làm gì, chiếu ở đâu, đem đi liên hoan phim nào. Còn tôi thì cứ làm cái mà mình muốn kể trước. Khi bắt đầu, tôi thường không biết phim của mình sẽ ra sao. Tôi vừa quay vừa tìm hình hài và kết thúc của nó. Với “Những đứa trẻ trong sương”, có thể nói là tôi, Di và bộ phim đã cùng dắt nhau đi.
Cách của tôi là làm phim cùng với nhân vật. Nhiều lúc, họ có ý thức hoặc vô thức đưa ra chỉ dẫn cho mình nên làm gì tiếp theo, chứ tôi không có kịch bản.
Làm phim như một cuộc dạo chơi
Hình ảnh trong phim “Những đứa trẻ trong sương”
Có lúc nào chị nghĩ, “Những đứa trẻ trong sương” không thể được “ra đời” vì có quá nhiều khó khăn như vậy?
Có chứ! Suốt 4 năm, có lúc tôi bế tắc, muốn bỏ cuộc nhưng tôi nghĩ mình muốn làm phim thì phim đầu tiên phải cố làm, nếu không sẽ không thể bước tiếp. Để có tiền trang trải cuộc sống, tôi làm thêm các phim tài liệu ngắn cho những nơi đặt hàng.
Làm phim với tôi như một cuộc dạo chơi, cũng có lúc tôi dao động, nhưng tất nhiên những lúc tập trung thì vẫn phải rất nghiêm túc và chăm chỉ.
Đó cũng là cách nhìn cuộc sống của chị, khai thác những vấn đề tưởng chừng đơn giản mà thông điệp luôn khiến người xem bị tác động mạnh?
Trước đây, khi nhắc đến phim tài liệu người ta thường nghĩ nó rất khô khan, đơn điệu, kén người xem nhưng thực tế không phải vậy. Phim tài liệu mang lại nhiều cung bậc cảm xúc chân thật, sống động và thu hút bởi nó đi ra từ đời sống.
Tôi thích ghi lại những lát cắt, hơi thở cuộc sống đang diễn ra mỗi ngày, những thứ đôi khi rất khó xuất hiện trên truyền hình, mặt báo. Hành trình của tôi sẽ vẫn bước tiếp như vậy và không dừng lại.
Và chị vẫn sẽ trở lại với Di và Sa Pa chứ?
Chắc chắn rồi! Di bây giờ lớn lắm, cô bé đã 19 tuổi rồi. Di vừa lập gia đình, nhưng không phải với người đã đến kéo vợ trong phim mà là một người khác cô bé yêu mến. Di cũng sẽ quay lại trường học vào năm sau.
Cảm ơn chị!
Hà Lệ Diễm sinh năm 1992, người dân tộc Tày tại Bắc Kạn. Tốt nghiệp Khoa Báo chí và Truyền thông Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, Diễm không chọn làm báo mà dấn thân làm phim tài liệu. Trước đó, cô từng giành giải Cánh diều Bạc năm 2013 (năm đó không có giải Vàng) với phim “Con đi trường học”.
“Những đứa trẻ trong sương” xoay quanh cuộc sống của Di, cô bé người Mông từ khi 12 tuổi đến thời điểm trở thành thiếu nữ. Trong hành trình ấy, Di đã có chàng trai đến “kéo vợ” – một tập tục của người Mông – nhưng Di từ chối để tiếp tục đến trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận