Thời sự

Chuyện nữ TNXP thời hậu chiến: Ấm áp nghĩa tình

10/07/2014, 13:39

Không chỉ giới hạn ở nghĩa tình đồng đội, đã có nhiều chương trình, hoạt động, nghĩa cử của các bộ, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… dành cho các cựu TNXP thời gian qua.

Chuyện nữ thanh nhiên xung phong thời hậu chiến

Kỳ 2: Ấm áp nghĩa tình

Không chỉ giới hạn ở nghĩa tình đồng đội, đã có nhiều chương trình, hoạt động, nghĩa cử của các bộ, ngành, doanh nghiệp, nhà hảo tâm… dành cho các cựu TNXP thời gian qua. 
 

TIN LIÊN QUAN

Những cựu nữ TNXP Thanh Hóa ở mái ấm chung - trang trại bò sữa Yên Viên
Những cựu nữ TNXP Thanh Hóa ở mái ấm chung - trang trại bò sữa Yên Viên


Mái ấm thứ hai 


Xanh mát, yên bình mà đầm ấm, đó là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi bước chân vào trại bò sữa Yên Viên, xã Quảng Thắng, TP Thanh Hóa. Hai dãy nhà cấp 4 nằm dưới tán cây xanh, nhìn ra vườn cây trái, cánh đồng rau, cỏ cũng xanh mướt tầm mắt. 


Thật khó hình dung nơi này, cách đây hơn chục năm chỉ là một bãi đất pha cát hoang hóa và cũng khó hình dung, cơ ngơi này đã được tạo dựng bởi cựu nữ TNXP Nguyễn Thị Minh Phiên và đồng đội mà hầu hết đều mang thương tật, đau yếu, sức khỏe suy giảm bởi di chứng chiến tranh. 


“Dạ, ai là người cao tuổi nhất ở đây ạ?” “Là “em” Hòa, phải không nhỉ, “em” năm nay bao nhiêu tuổi rồi?” “Dạ, “em” mới 70 tuổi thôi ạ”! Tiếng cười rộ lên trong căn phòng sinh hoạt chung, và cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu như thế. Câu chuyện trở nên rộn ràng khi các nữ TNXP nhớ về một thời thiếu nữ “lên rừng cây xanh mở lối, lên núi núi ngả cúi đầu”. Nụ cười bừng sáng trên những gương mặt ghi dấu thời gian xen giữa những giọt nước mắt khi kể về những mất mát, hi sinh - ngày ấy và bây giờ…


Cô Lê Thị Chương (62 tuổi), nhà ở Thiệu Hóa, đến với trang trại từ năm 2005 kể, cô tham gia TNXP từ năm 1972, hoạt động từ cầu Đò Lèn, Thanh Hóa vào đến khe nước lạnh Nghệ An. Đại đội hơn 100 người của cô Chương, chủ yếu là nữ, chuyên làm nhiệm vụ lấp hố bom, sửa đường, làm đường. Tháng 8/1972, đại đội đang đào hố làm cầu treo ở Đò Lèn thì bị dội bom, một nam đồng đội của cô bị sức ép tung từ bờ Bắc qua con sông sang bờ Nam; Ba nữ đồng đội khác hy sinh, cô Chương bị đất vùi kín nhưng may mắn chỉ ngất đi, cho đến khi được đồng đội bới lên. 
 

Từ năm 2010 đến 2013 các cơ quan, đơn vị đã tài trợ gần 41 tỷ đồng để xây tặng nhà tình nghĩa, tặng sổ tiết kiệm, tặng quà cho các cựu nữ TNXP có hoàn cảnh khó khăn... Năm 2014, quỹ Thiện Tâm tiếp tục tặng 1.100 nhà tình nghĩa giá trị 55 tỷ đồng cho cựu TNXP gặp khó khăn về nhà ở, nhận nuôi dưỡng, giải quyết hỗ trợ đến hết đời cho hàng trăm TNXP...

Sau lần đó, cô Chương không nhớ còn bao lần phải đối mặt với bom, đạn như thế nữa. Giữa những ngày khốc liệt nhất của cuộc chiến, cô đã gặp và yêu một người lính đóng quân gần đó, nhưng rồi sau ba tháng hai người đã phải xa nhau khi cô chuyển vào làm cầu Vằng, cầu Hổ (Tĩnh Gia). Tại địa bàn mới, cô nhận được hai lá thư của anh, rồi bặt tin.

Kết thúc chiến tranh, trở về quê, năm 1977, cô có được một cậu con trai, song không lập gia đình. Tưởng rằng có được chỗ nương tựa khi về già, song đau buồn thay, năm 2011, con trai cô đã mất sớm vì bạo bệnh, để lại một người vợ mang chứng bệnh thần kinh và hai con thơ. Rồi con dâu và các cháu được đón vào với ông bà ngoại ở trong Nam, cô Chương lại một thân một mình. 


“Ba năm rồi tôi chưa được gặp cháu, nhớ thương chúng lắm mà không có điều kiện đi lại. Cũng may là tôi được ra trang trại đây ở, chị em tối lửa tắt đèn có nhau, nhất là những khi trái gió trở giời, đau ốm. Nhờ vậy mà những năm tháng tuổi già cũng bớt hiu quạnh”, cô Chương rơm rớm nước mắt. 


Cũng như cô Chương, 10 cựu nữ TNXP mà chúng tôi được trò chuyện hôm ấy, hầu như ai cũng mang trên mình một vết thương trong quãng thời gian tham gia kháng chiến và đều có hoàn cảnh sống khó khăn, lận đận. Cô Lê Thị Nghìn (66 tuổi), bị một mảnh bom văng vào gáy khi đang bạt taluy con đường từ Thanh Hóa sang Lào.

Chồng cô đã mất năm 2004, con trai lấy vợ ở riêng. Cô Trịnh Thị Lan (59 tuổi), bị sập taluy, đá đè vào người. Cô may mắn có một con trai với người đồng đội - đã hy sinh, rồi cũng ở vậy từ đó tới nay. Cô Nguyễn Thị Hòa (70 tuổi) bị sức ép của bom trong quá trình buộc cọc làm cầu qua sông ở Quảng Bình, 40 tuổi mới về quê, lập gia đình có một con gái nhưng năm 2006 chồng cô mất...

Rồi cơ duyên đã đưa những người đồng chí, đồng đội cùng chung mất mát, thiệt thòi ấy đến với nhau, để cùng lao động, sinh hoạt, nương tựa, chia ngọt sẻ bùi. 


“Danh sách của trang trại này là 65 cựu nữ TNXP, nhưng ở thường xuyên chỉ có chục người”, cô Phiên cho biết. Nhớ lại những ngày đầu hình thành ý tưởng, triển khai với số vốn chưa đầy 200 triệu đồng, lại thiếu kinh nghiệm, kiến thức, kĩ thuật về chăn nuôi, cô Phiên đã gặp trăm ngàn khó khăn, tưởng chừng không vượt qua được. Nhưng rồi, nghị lực của một cựu nữ TNXP từng vào sinh ra tử, sự ủng hộ của gia đình, chính quyền địa phương và đặc biệt là sự sát cánh của những đồng đội năm xưa đã giúp cô trụ vững, mở rộng trang trại. Chị em TNXP khắp nơi ở Thanh Hóa, người được cô Phiên mời về, người nghe thông tin tự tìm đến, để rồi nơi đây đã trở thành mái ấm của họ. 
 

Cắt cỏ cho đàn bò - công việc hàng ngày của các nữ TNXP ở trang trại
Cắt cỏ cho đàn bò - công việc hàng ngày của các nữ TNXP ở trang trại


Rộng vòng tay nhân ái


“Chị em chúng tôi ở đây ai cũng có bệnh, từ đau đầu, giảm trí nhớ, đến mắt mờ, xương khớp... nên chỉ làm những việc nhẹ nhàng, như trồng rau, nuôi gà, nuôi lợn, nuôi bò, nấu rượu..., người khỏe đỡ người yếu”, cô Nghìn cho biết, tất cả chị em vẫn giữ nền nếp sinh hoạt như ở đơn vị cũ: 5h sáng dậy tập thể dục, quét dọn, ăn sáng rồi phân công nhau công việc. Buổi trưa ai về sớm người đó cơm nước cho cả nhóm, nghỉ ngơi rồi chiều lại chăm lo vườn tược, cây cối. Gạo, rau, thực phẩm đều là “của nhà trồng được”, ăn không hết thì bán. 


Các chị em rủ nhau dồn phòng ở, sinh hoạt, để dư ra một vài phòng cho thuê, nhờ vậy cũng đủ trang trải cho cuộc sống chung. Ngoài ra, những người sống, làm việc đều đặn ở đây còn được trả lương 700.000 đồng/tháng, để tiết kiệm phòng khi già cả, đau ốm.


“Vui nhất là buổi tối, chúng tôi cùng ra phòng sinh hoạt chung, trò chuyện, xem tivi, hát karaoke... Chiếc tivi và bộ dàn karaoke này là món quà của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tặng cho trang trại khi về thăm chúng tôi tháng 8 năm ngoái”, cô Phiên chỉ chiếc tivi và bộ âm ly, loa còn mới nơi góc phòng và cho biết thêm, Bộ trưởng đã tặng cho trang trại 16 con bê nuôi lấy thịt, kèm thêm 50 triệu đồng tiền làm chuồng trại. Đàn bê giờ đã lớn. 


“Hôm ấy, Bộ trưởng đã rất chăm chú lắng nghe về quá trình gây dựng trang trại, về hoàn cảnh của từng chị em. Bộ trưởng đã cùng chúng tôi hát về những tháng năm kháng chiến gian khổ mà hào hùng, về lực lượng TNXP và Bộ trưởng đã khóc. Gần đây nhất, ngày 30/4/2014, Bộ trưởng còn nhắn tin cho tôi, hỏi thăm, chúc sức khỏe tất cả các chị em ở trang trại”, Cô Phiên rưng rưng nhớ lại. 


“Cùng với nỗ lực của Hội Cựu TNXP các cấp trong việc phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước giải quyết chế độ chính sách cho TNXP, cần nhiều những phong trào, mô hình giúp nhau làm kinh tế như trang trại của chị Phiên”, Phó Chủ tịch thường trực Hội Cựu TNXP Việt Nam Cù Văn Phiên nhận xét.

Cũng theo ông Phiên, những năm gần đây đã hình thành và phát triển nhiều chương trình, mô hình, nhiều tấm gương, nghĩa cử cao đẹp giúp đỡ lực lượng cựu TNXP, như “Chương trình nghĩa tình Trường Sơn”, “Vang mãi bài ca cô gái mở đường”, “Dấu ấn tuổi xuân”, “Bơ gạo nghĩa tình”, “Gói quà ấm lòng đồng đội”, “Xuân ấm tình yêu thương”... của các hội viên, các ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, nhà hảo tâm như: Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng, Quỹ Thiện tâm của Tập đoàn Vingroup, Quỹ Trái tim vàng Việt Nam, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam… 


Ông Phiên chia sẻ: “Tất cả những nghĩa cử đó giúp cho rất nhiều cựu TNXP vơi bớt khó khăn trong cuộc sống và hơn cả, đó là sự động viên to lớn, kịp thời về tinh thần cho những người lính xung phong như chúng tôi thấy ấm lòng, thấy những đóng góp của mình cho Tổ quốc đã không bị lãng quên”. 


Thảo Nguyên 

(Còn tiếp)
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.