Nghề giúp việc đem lại thu nhập cao hơn nhiều so với trồng lúa nên người nọ bảo người kia, tạo nên “phong trào”.
500 đàn ông sống cảnh “gà trống nuôi con”
Ở Đông Tân giờ đây, không hiếm gặp cảnh những người đàn ông ở nhà chăm con, làm ruộng để phụ nữ đi xuất khẩu lao động kiếm tiền nuôi gia đình.
Ngồi trong ngôi nhà 3 tầng khang trang, anh Nguyễn Văn Hải ở xã Đông Tân, huyện Đông Hưng không ngần ngại chia sẻ: “Cơ ngơi này chủ yếu là do vợ tôi tần tảo đi làm ô sin ở nước ngoài suốt hơn 10 năm qua đấy. Hơn 10 năm trước gia đình tôi cũng như bao gia đình khác ở đây đều khó khăn, làm ruộng chỉ đủ ăn, chẳng tích cóp được mấy. Khi đó thấy có mấy chị trong làng làm ô sin ở Đài Loan gửi tiền về nhiều, nghe nói làm ăn tốt lắm nên vợ chồng tôi sang đặt vấn đề để vợ theo sang. Từ đó tới nay vợ tôi đã đi 3 lần rồi, lần đầu làm ở Đài Loan, sau đó sang Ma Cao và giờ đây đang ở Hàn Quốc”.
Anh Hải là một trong hơn 500 đàn ông ở xã Đông Tân đang sống cảnh “gà trống nuôi con” để vợ đi lao động xuất khẩu. Ông Phạm Văn Vui, Phó chủ tịch UBND xã Đông Tân chia sẻ, Đông Tân là xã có điều kiện kinh tế nằm ở mức trung bình của huyện Đông Hưng với dân số gần 7.000 người, chủ yếu là làm nông nghiệp.
Hơn 10 năm trước, người dân xã Đông Tân đã có phong trào đi lao động xuất khẩu, làm nghề giúp việc gia đình. Người trước bảo người sau nên có thời điểm cả xã có tới hơn 700 người đi làm nghề này. Nhiều người đi về xây dựng nhà cửa khang trang, sắm đồ đạc đắt tiền nên những người khác đi theo. “Anh cứ nhìn những ngôi nhà xây 3-4 tầng ở trong xã thì có tới trên 60% là gia đình có vợ đi làm ô sin gửi tiền về xây đấy”, ông Vui nói.
Cũng theo ông Vui, hiện chính quyền xã cũng không biết đích xác có bao nhiêu người trong xã đang đi làm ô sin ở nước ngoài bởi những người lần đầu tiên đi xuất khẩu lao động đều khai báo với chính quyền. Tuy vậy, khi họ đã đi lần thứ 2 thì lại theo hình thức tự móc nối với chủ cũ, cũng có người trốn ở lại làm giúp việc tự do ở Hàn Quốc, Ma Cao.
“Nhiều người trót trốn ở lại bất hợp pháp rồi thì cứ ở đó thôi, làm lụng rồi vài tháng gửi tiền về nhà qua “đường dây”. Có người ở nước ngoài hơn 10 năm chưa về quê rồi. Bởi nếu họ ra trình diện với chính quyền nước sở tại đồng nghĩa với việc họ bị trục xuất về Việt Nam và không được phép quay lại nước đó nữa”, ông Vui lý giải.
Chấp nhận và đánh đổi
Chấp nhận vợ đi làm ô sin là chấp nhận hy sinh. Nhưng đây là sự hy sinh có hậu bởi cả vợ lẫn chồng cùng xác định đi làm ô sin để làm kinh tế cho gia đình, tạo cho vợ chồng cái vốn để mở mang việc làm ăn, lo cho tương lai con cái sau này.
Anh Lại Duy Thượng, xã Đông Tân
Vì nhiều lý do khác nhau, có những bà vợ đi làm ô sin đằng đẵng 10 năm liền không về, người khác sau một hợp đồng 3 năm, về quê nghỉ ngơi vài tháng rồi lại xách va li đi làm ô sin xứ người.
Anh Lại Duy Thượng, ở xã Đông Tân cho biết: “Gia đình tôi có 5 chị em dâu đều đi làm ô sin ở nước ngoài. Nhiều năm qua, gia đình tôi đã quen với việc các ông bố ở nhà chăm con, làm ruộng để các bà mẹ đi làm ô sin. Những dịp gia đình có việc giỗ, chạp, mọi việc trong nhà thiếu vắng đàn bà cũng thấy chạnh lòng chút. Tuy nhiên, vì cuộc sống mưu sinh chú ạ. Nếu không để vợ đi làm ô sin thì mãi kinh tế không khá lên được”.
Trong cảnh xa vợ, những người đàn ông như anh Thượng quán xuyến việc nhà “hai trong một”, vừa là ông chủ gia đình chính hiệu, vừa tảo tần đảm đang không kém đàn bà. Khi thì lo việc đồng áng, khi tạt qua chợ búa, khi đưa con đến trường và bao công việc đối nội, đối ngoại khác, tất tần tật họ phải lo hết.
Những người phụ nữ làm ô sin xứ người đều với mục đích là kiếm tiền trang trải cuộc sống gia đình. Tuy vậy, đồng tiền kiếm được đôi khi mang vị mặn đắng bởi người chồng ở nhà không chung thủy, ăn chơi hoặc bản thân người vợ xa gia đình ở nơi đất khách quê người cũng có thể mủi lòng, sa ngã.
Ông Phạm Văn Vui, Phó chủ tịch UBND xã Đông Tân chia sẻ: “Cũng có nhiều gia đình vợ đi làm ô sin kiếm tiền gửi về nhưng chồng ở nhà rượu chè, cờ bạc, bồ bịch nên chẳng giữ được đồng nào. Sau vài năm quần quật ở xứ người, khi trở về làng thì người vợ được chồng cho biết số tiền gửi về đã tiêu hết”.
Nghề ô sin ở xứ người vốn vất vả nhưng đem lại thu nhập cao gấp 2-3 lần trồng lúa nên người dân xã Đông Tân vẫn rất chuộng nghề này. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, những người đàn ông ở Đông Tân lại mong ngóng gọi điện cho vợ bố trí về nghỉ Tết vài ngày rồi lại đi. Với nhiều người đàn ông xa vợ ở nơi đây, họ phải chấp nhận cảnh vợ chồng xa nhau đằng đẵng để hướng tới một cuộc sống kinh tế khá giả hơn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận