Chỉ có một tuyến đường giữa Thủ đô Hà Nội đã có tới 13 dự án không phù hợp với quy hoạch phân khu.
Nhiều chung cư mới xây không bố trí đủ, thậm chí không thèm bố trí diện tích cây xanh.
Dự án công trình trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê, số 19 đường Lê Văn Lương có 2 lần điều chỉnh quy hoạch sai quy định. Ảnh: Tạ Hải
Kết luận thanh tra số 39 của Bộ Xây dựng vừa ban hành khiến nhiều người Hà Nội ngã ngửa.
Việc quản lý xây dựng đô thị hai bên đường Lê Văn Lương - Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, TP Hà Nội hóa ra quá nhiều vi phạm.
Bảo sao, cả chục năm qua, đường mới mở không thiếu, nhà mới xây quá nhiều mà diện tích giao thông tĩnh, diện tích cây xanh trên đầu người vẫn thấp hơn quy chuẩn rất nhiều.
Vẫn mãi là bài ca muôn thuở để lý giải cho nạn ách tắc giao thông đã thành chuyện “không có lối ra” ở Thủ đô của cả nước.
Kết luận thanh tra của Bộ Xây dựng chỉ rõ: Các cơ quan quản lý đã điều chỉnh quy hoạch theo đề xuất của chủ đầu tư các dự án dẫn tới tình trạng tăng dân số cục bộ, phá nát quy hoạch, thiếu đất trồng cây xanh, thiếu trường học, trạm y tế.
Các công trình cao tầng 2 bên trục Lê Văn Lương - Tố Hữu sau khi được rà soát đã lộ ra những vi phạm bất ngờ.
Chỉ trên một trục giao thông chính phía Tây Nam chạy qua 4 quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm, Hà Đông đã có tới 31 dự án, công trình chủ đầu tư xây dựng sai quy hoạch được duyệt, sai phương án kiến trúc được chấp thuận.
Chỉ tại một khu đô thị có tiếng là Trung Hòa - Nhân Chính, kiểm tra ra đã phát hiện diện tích cây xanh chỉ vỏn vẹn 0,85m2/người, quá thấp so với quy chuẩn xây dựng là từ 3-4m2/người.
Bảo sao, dân kêu chung cư mọc ra vô tội vạ trên các tuyến đường to nhỏ khác nhau, tạo ra áp lực về dân số và giao thông quá lớn trên hệ thống đường sá nhỏ hẹp.
Mỗi khi có ai kêu ca như vậy, người ta thường nói, có quy hoạch cả đấy.
Ai cũng tin như vậy, quy hoạch đương nhiên phải có nhưng mấy ai kiểm soát việc thực thi quy hoạch như thế nào.
Chưa nói chất lượng quy hoạch ra sao.
Rất cần một cuộc khảo sát đã có bao nhiêu quy hoạch 20-30 năm thậm chí là 40 năm chưa triển khai. Bao nhiêu trong số đó cần tuyên bố hủy bỏ.
Người dân sống trong quy hoạch treo, ai muốn xây sửa gì thêm lại phải làm mấy động tác không theo luật pháp để rồi tình trạng phạt cho tồn tại trở thành phổ biến.
Nhiều hộ dân nằm trong quy hoạch treo hàng chục năm đã mất niềm tin, bất mãn và bế tắc trong cuộc sống.
Chúng ta đã có Luật Quy hoạch, đó là một bước tiến lớn nhưng việc rà soát lại các quy hoạch cũ, dũng cảm bỏ các quy hoạch treo và giám sát thực hiện nghiêm quy hoạch cần phải làm sớm.
Riêng với quy hoạch, với các công trình xây dựng, để sai rồi mới sửa thì tốn kém vô cùng, thậm chí còn không sửa được.
Sai phạm trong quy hoạch là sự lãng phí khủng khiếp tài nguyên và nguồn lực của xã hội. Những thiệt hại này quy ra bằng tiền thì chắc chắn những người làm sai phải bị xử lý hình sự.
Không thể kéo dài tình trạng thản nhiên vi phạm quy hoạch hay vô cảm với những quy hoạch treo, những bản quy hoạch tước đi quyền mưu cầu hạnh phúc của người dân.
Nguyễn Nga
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận