Chất lượng sống

Chuyện tình cổ tích chàng khiếm thị lạc đường tìm được vợ

01/11/2018, 07:02

Trong lần bị xe buýt chở đi quá bến, chàng trai khiếm thị Đặng Quang Vinh không ngờ đã gặp được mối nhân duyên...

15

Gia đình Vinh giờ đây đầy ắp tiếng cười

Khi tất cả các cánh cửa đều đóng lại…

Năm lên 6 tuổi cũng là lúc Đặng Quang Vinh (SN 1989, Gia Lâm, Hà Nội) phải chấm dứt tuổi thơ yên bình khi cha cậu không may mắc bệnh nặng qua đời. Cảnh nhà mẹ góa con côi nhưng cô Ngà - mẹ Vinh vẫn cố gắng lo cho con học hành bằng bạn bằng bè. Năm 2009, khi Vinh chuẩn bị thi đại học thì mẹ bị tai nạn lao động chấn thương nặng. Một chiếc máy khoan bất ngờ rơi trúng gáy khiến cô Ngà bị liệt từ dưới cánh tay trở xuống. Đang là lao động chính và duy nhất của gia đình, giờ đây người mẹ chấp nhận nằm liệt giường, đến cả những sinh hoạt cá nhân cũng không thể tự chủ được. “Hồi ấy, em nghĩ mình phải cố gắng học để thi đỗ đại học, đi làm kiếm thật nhiều tiền chữa bệnh cho mẹ”, Vinh nhớ lại. Năm 2011, cậu thi đỗ vào Đại học Thủy sản Nha Trang. Hành trang lên đường đi học xa không có gì nhiều nhặn, chỉ có ý chí quyết tâm học tập để đổi đời là đầy ắp… Đến năm cuối, giai đoạn chỉ còn thi nốt vài môn là được nhận bằng, Vinh vẫn chạy xe bỏ mối nước ngọt cho các đại lý. Vào một buổi tối như thường lệ, trong lúc cậu chở thùng nước ngọt đến một đại lý quen thì tai nạn xảy ra… Vinh va chạm xe máy với  một cậu bạn cùng phòng, gia cảnh cũng éo le không kém. “Bạn gãy tay, mình chấn thương vùng mặt, cả hai đều nghèo nên chẳng ai đền bù được cho ai”, Vinh cho hay.

Nhớ lại cảm giác khi trở về nhà với tình cảnh mắt không nhìn thấy gì, bằng cấp dang dở, Vinh tâm sự: “Em nghĩ cuộc đời bất công với mình nhiều thứ quá. Mất đi đôi mắt em thực sự thấy tương lai mù mịt. Ngày ấy, em buồn lắm, vật vã, không ăn không ngủ được”.

Tiễn con đi học đại học với bao nhiêu hy vọng, giờ đây đón con về trong tình cảnh chua chát, cô Ngà kể: “Nhà có 2 cái giường, 2 mẹ con nằm song song nhau. Cô nằm đây, nhìn thấy được nhưng không đi được, em nó nằm kia, đi được nhưng không nhìn thấy gì… Mẹ cô ngày ấy cũng mới mất, cảnh nhà lúc đó thực sự bế tắc. Đã có lúc nghĩ quẩn: Không có cơm ăn, không có tương lai hay tìm cách uống thuốc ngủ để hai mẹ con cùng ra đi cho thanh thản…”.

Chuyến xe định mệnh

Nhờ sự giúp đỡ của anh em họ hàng, bà con lối xóm, cuộc sống của mẹ con Vinh cũng cầm cự đủ miếng ăn qua ngày. Rồi Vinh được Hội Người mù ở Gia Lâm giới thiệu đi học lớp tẩm quất massage, trong một thời gian ngắn đã có thể làm việc, dành dụm được ít tiền đưa mẹ chi dùng. Công việc tuy không vất vả nhưng đi hơi xa nhà, mỗi lần đi lại Vinh phải đi bằng xe buýt, mất tới 1 giờ đồng hồ.

Một chiều hạ năm 2014, Quang Vinh lên chuyến xe buýt quen thuộc và dặn người phụ xe: “Đến dốc Vân anh cho em xuống nhé!”. Khách quá đông, anh phụ xe quên bẵng lời dặn, khi nhớ ra thì đã quá điểm hẹn cả chục cây số. Vinh đành xuống xe, dò dẫm tìm cách sang đường để quay ngược lại. Đúng giờ tan tầm, đường đông nghịt, chẳng ai để ý đến chàng trai khiếm thị đang loay hoay giữa dòng xe cộ, chỉ trừ một người… Cô gái trẻ tên Quỳnh Chang đang đi xe máy thì phát hiện cậu thanh niên dáng cao ráo, khôi ngô nhưng không hiểu vì sao mãi không sang được đường. Khi đã hiểu tình cảnh, Chang lại gần giúp Vinh sang đường và ngỏ lời chở cậu về nhà. Không ai ngờ, chính cô gái ấy đã mang lại ánh sáng cho cuộc đời đầy bất hạnh của Vinh.

Từ sau cuộc gặp đó, Chang thường tranh thủ khoảng thời gian cuối tuần để đến nhà thăm hai mẹ con Vinh. Tình cảm ấm áp dần dần nảy nở trong cảnh nghèo khó. Bỏ lại những dằn vặt, mặc cảm tự ti về gia cảnh, Vinh quyết định: “Thôi đằng nào cũng thế, được thì được không được thì thôi, cứ phải nói thẳng tình cảm của mình ra trước đã!”. Chẳng ngờ khi cậu ngỏ lời, Chang lại thuận theo.

Với nhiều cô gái, kết hôn là khi tìm được một chỗ dựa, tìm được người đàn ông che chở, nhưng với Quỳnh Chang thì khác. Khi quyết định nhận lời yêu và kết hôn với Vinh, cô đã nghĩ : “Mình sẽ yêu thương anh ấy, nếu kết hôn mình sẽ chia sẻ với anh ấy mọi khó khăn để anh có cuộc sống tốt hơn”.

Đầu năm 2015, Vinh và Chang về một nhà. Cuối năm ấy, hai vợ chồng chào đón đứa con trai đầu lòng mang tên Anh Khôi. Lần đầu bế con trên tay, Vinh tâm sự: “Chỉ có thể đặt tay lên mặt, sờ mũi sờ miệng con, mà sao thấy giống mình ngày xưa quá! Mình mường tượng ra cảnh sau này con trai sẽ dẫn mình đi uống nước, đi chơi đây đó…”.

Thêm con nghĩa là gánh nặng trách nhiệm đè lên vai Vinh nhiều hơn. Chang lúc mới sinh con không thể đi làm, tất cả chi tiêu trong gia đình gói gọn trong đồng lương 4 triệu đồng của Vinh. Những lúc con ốm đau, chi phí khám xét đắt đỏ… cả gia đình bấn búi, Vinh cũng cáu gắt với vợ. Thế nhưng với Chang, những giận dỗi của chồng không đọng lại lâu trong lòng, cô chỉ mong con mau cứng cáp để đỡ đần anh. Giờ đây khi con trai Anh Khôi đã gần 3 tuổi, cuộc sống gia đình của Vinh cũng dần ổn định.

Vào ngày cuối tuần, căn nhà nhỏ lọt thỏm dưới chân đê sông Đuống lại vang lên tiếng hát của bà nội nằm liệt trên giường, cùng với đó là tiếng vỗ tay nhịp theo của Vinh, tiếng bé Khôi cười nắc nẻ. Trong bếp, Chang đang nấu bữa tối. Cô cũng không quên gói ghém một chút để dành cho Vinh mang lên thành phố ăn vào những ngày xa nhà... 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.