Thị trường

Chuyện trái ngược giữa 2 làng nghề trồng hoa bán Tết ở miền Tây

23/01/2024, 14:41

Hai làng hoa lớn nhất của hai tỉnh đầu nguồn Đồng bằng sông Cửu Long là Hòa An (An Giang) và Sa Đéc (Đồng Tháp) đang tất bật để đưa ra thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với không khí mua bán có phần trái chiều nhau.

Sa Đéc tiêu thụ tốt

Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, nông dân làng hoa Sa Đéc trồng trên 1,2 triệu giỏ hoa các loại, như cúc mâm xôi, hoa hồng, hoa giấy, vạn thọ, cát tường, hoa đồng tiền… Trong đó, có hơn 266.000 giỏ hoa cúc mâm xôi.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, thời điểm này, các ruộng cúc mâm xôi vàng ở làng hoa Sa Đéc đã được thương lái đến đặt mua gần hết với giá cao.

Tùy vào kích thước chậu và số lượng hoa, giá hoa từ 160.000 - 260.000 đồng/cặp, tăng khoảng 10% so với năm ngoái.

Anh Trần Văn Thắng (ngụ xã Tân Khánh Đông, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) cho biết, cúc mâm xôi màu vàng là loại hoa truyền thống ở làng hoa Sa Đéc.

Cúc mâm xôi có thời gian trồng lâu nhất trong các loại hoa Tết - 6 tháng, nên đòi hỏi chi phí đầu tư cũng như kỹ thuật cao. Cũng vì lẽ đó mà ở làng hoa Sa Đéc ngày càng ít nông dân gắn bó với giống hoa này.

"Năm nay, tôi trồng 1.500 giỏ cúc mâm xôi, nhờ chăm sóc tốt và xử lý ra hoa đúng vào dịp Tết nên từ nửa tháng nay, thương lái đã đến đặt cọc trước, giá bán sỉ tại vườn được chia theo cỡ chậu, từ 190.000 - 250.000 đồng/cặp", anh Thắng cho biết thêm.

Chuyện trái ngược ở 2 làng nghề trồng hoa bán Tết ở miền Tây- Ảnh 1.

Hoa Sa Đéc tiêu thụ tốt nhờ sức bật từ sự kiện Festival hoa, kiểng Sa Đéc lần thứ nhất.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Út (ngụ phường An Hòa, thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) thông tin, với diện tích 3.000m2, vụ hoa Tết năm nay bắt đầu xuống giống từ giữa tháng 6 âm lịch với các loại hoa phục vụ thị trường tết Nguyên đán là cúc mâm xôi truyền thống, mâm xôi màu, hoa hồng, tiger và vạn thọ...

Hằng năm giá cúc mâm xôi khoảng 90.000 đồng/chậu, năm nay khoảng 110.000 - 120.000 đồng chậu. Còn cúc mâm xôi màu giá cao hơn, từ 150.000 đồng - 180.000 đồng/chậu nhưng không đủ hàng giao.

"Năm nay thời tiết ổn định hơn so với năm ngoái, suôn sẻ cho người dân. Riêng cúc mâm xôi giá rất cao nên nông dân trồng hoa có lời nhiều hơn", ông Út nói.

Bà Võ Thị Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) chia sẻ, ngoài những giống hoa truyền thống, nhà vườn tại làng hoa lớn nhất miền Tây còn bổ sung nhiều giống mới, trong đó có giống hoa cúc có màu khác nhau.

Đây là sự thay đổi tư duy canh tác giúp việc tiêu thụ hoa kiểng Tết Nguyên đán Giáp Thìn của bà con được thuận lợi hơn.

An Thạnh chờ thương lái

Nằm cạnh bờ sông Hậu thuộc xã Hòa An, huyện Chợ Mới (An Giang), làng hoa An Thạnh có truyền thống lâu đời với nghề trồng hoa.

Với tổng diện tích lên đến hơn 10ha, nơi đây hiện trồng và cung cấp nhiều loại hoa khác nhau cho khu vực nội thành như: hoa cúc, hoa hồng, hoa thược dược...

Chị Đặng Thị Kiều Tiên, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa An, huyện Chợ Mới (An Giang) cho biết, hiện tại làng hoa An Thạnh có tổng số 57 hộ trồng hoa phục vụ thị trường tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với 100.000 giỏ hoa các loại.

Số lượng trồng không tăng và giá bán cũng không biến động nhiều khi cúc mâm xôi truyền thống có giá dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/giỏ; cúc mini và hoa đồng tiền có giá cũng dao động nhẹ khi chỉ từ 50.000 - 70.000 đồng/giỏ.

"Đến thời điểm này, thương lái đến đặt mua hàng chỉ mới được 30% trong tổng số hoa người dân trồng trong năm nay.

Giá cả năm nay tương đối ổn định nhưng sức tiêu thụ có phần chậm hơn so với mọi năm", chị Tiên thông tin thêm.

Chuyện trái ngược ở 2 làng nghề trồng hoa bán Tết ở miền Tây- Ảnh 2.

Số lượng và giá cả tương đối ổn định nhưng sức mua tại làng hoa An Thạnh chưa được như kỳ vọng.

Bà Nguyễn Thị Nhàn (53 tuổi, ngụ xã Hòa An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) - người có kinh nghiệm trồng hoa bán Tết cho biết, năm nay gia đình trồng 6.000 chậu hoa cúc.

Bên cạnh yếu tố kỹ thuật về cách gieo hạt, tỉa nụ thì yếu tố quan trọng ảnh hưởng tốt hay xấu đến lứa hoa là thời tiết. Nếu gặp mưa lớn, cây hoa có thể bị úng nước và chết.

Thế nên, ngoài kỹ thuật trồng và chăm sóc, yếu tố quyết định chính là thời tiết. Nếu trời đẹp, nắng ấm, độ ẩm cao, hoa sẽ dễ nở hơn.

"Tình hình tiêu thụ tại vườn năm nay có phần hơi yếu so với mọi năm nên tôi cũng đã đăng ký lô bán ở chợ hoa xuân thành phố Long Xuyên (An Giang) với hy vọng năm nay bán được giá và tiêu thụ tốt hơn", bà Nhàn chia sẻ.

Nằm cạnh đó là 1.000m2 trồng nhiều loại hoa như cúc mâm xôi, cúc Đài Loan, cúc Tiger, vạn thọ và sống đời Thái… phục vụ thị trường Tết của gia đình ông Nguyễn Ngọc Dô tại làng hoa An Thạnh.

Ông than thở, đây là lần đầu tiên ông thấy chi phí trồng hoa tăng mạnh, nhưng sức mua lại không mạnh như mọi năm.

"Nếu như năm rồi thì thương lái đến đặt hàng để mua nhiều rồi, nhưng năm nay chưa thấy ai hoặc cũng chỉ có vài người đến xem hàng rồi bỏ đi chớ không đặt cọc để chờ lấy hàng", ông Dô than thở.

Vì sao làng hoa Sa Đéc đắt hàng hơn? "Điểm nhấn của làng hoa Sa Đéc năm nay là có sự kiện lễ hội Festival hoa, kiểng Sa Đéc lần thứ nhất thu hút rất đông khách đến tham quan, trải nghiệm và mua sắm.

Đặc biệt với nhiều giống hoa mới lạ như cúc mâm xôi nhiều màu mang đến cho người dân nhiều sự lựa chọn hơn", bà Võ Thị Bình, Phó chủ tịch UBND thành phố Sa Đéc (Đồng Tháp) nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.