Rộ mùa vú sữa Lò Rèn…
Những ngày qua, nhiều nhà vườn ở xã Nhơn Ái, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ đang thu hoạch vét đợt vú sữa Lò Rèn cuối. Hồi đầu vụ cách đây chừng 2 tháng, giá vú sữa loại này khoảng 35.000 đồng/kg, nhưng giờ đã tuột xuống chỉ còn khoảng 20.000 đồng/kg.
Thực ra, với mức giá 15.000 đồng/kg, nhà vườn đã có lãi. Nhưng vú sữa mỗi năm chỉ cho trái vào những tháng cuối năm, chứ không thể thu 3 vụ/năm như cây lúa, nên mức giá 20.000 đồng/kg nhìn chung chỉ tạm chấp nhận, chứ nông dân chưa thu lãi cao.
Trái vú sữa Lò Rèn xứ Phong Điền.
Sau đợt dịch căng thẳng, trái cây rớt giá thê thảm, thậm chí không bán được, nợ nần ngập đầu, nên tiền bán trái vú sữa đợt này nông dân dồn hết trả nợ phân thuốc… cho các đại lý vật tư nông nghiệp, còn lại dành ăn Tết chẳng bao nhiêu.
Hiện tại, theo Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, diện tích vú sữa của huyện vào khoảng 1.500ha chuyên canh. Trong đó phần lớn là vú sữa Lò Rèn.
Đây là giống vú sữa ngọt thanh, cơm trắng sữa, khá ngon, nên rất được giá. Vú sữa tím cũng trồng nhiều ở miệt Giai Xuân cùng huyện, nhưng giống này chỉ có vỏ trái màu tím trông khá bắt mắt, nhưng ăn nhạt hơn, nên giá cũng rẻ hơn từ 5.000-10.000 đồng/kg.
Anh Ba Tạo, nhà nông ở xã Nhơn Ái, cho biết: “Giống vú sữa Lò Rèn này tôi mua ở Vĩnh Kim (Tiền Giang) về trồng khoảng 10 năm nay. Nhờ hợp thổ nhưỡng, vú sữa trồng ở đây không thua kém - thậm chí còn ngọt hơn vú sữa chính gốc Vĩnh Kim”.
Tại Phong Điền, vú sữa hiện có giá bán tại vườn 20.000 đồng/kg.
Mới 2 tuần trước, anh Phan Văn Bền, chủ shop trái cây ở Bình Dương liên hệ xuống Phong Điền để đặt hàng khoảng 100kg vú sữa. Tuy nhiên, người của anh đi đến đâu cũng bị từ chối. Bởi các nhà vườn đều có mối thu mua đặt trước, còn các chủ vựa thì kiên quyết không chia lại. Bởi đây là loại trái cây đặc sản, số lượng hạn chế, nên họ chỉ ưu tiên cho mối mang.
Đưa về “cố hương” và “lên hương”
Từ đó, mới có chuyện trái vú sữa Lò Rèn xứ Phong Điền bị mang về nơi “cố tổ” là xứ Vĩnh Kim (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), bày ra bán, xưng danh là vú sữa Vĩnh Kim chính gốc. Hiện tại, giá mua ở Phong Điền khoảng 20.000 đồng/kg, nhưng về xứ Vĩnh Kim trái này lại được xưng chính gốc và bán với giá cao hơn từ 8.000-10.000 đồng/kg.
Thu hoạch vú sữa.
Tại chợ trái cây đầu mối Vĩnh Kim, nhiều thương lái cho biết, trái vú sữa Lò Rèn Cần Thơ vào vụ thu hoạch từ tháng 8, tháng 9 âm lịch, kéo dài đến nay đã gần hết mùa. Trong khi đó vú sữa Lò Rèn đặc sản Tiền Giang giờ mới lác đác có trái chín. Nhưng do danh tiếng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim lừng lẫy lâu năm, nên thương lái qua Cần Thơ mua trái vú sữa Lò Rèn Phong Điền với giá 17.000-20.000 đồng/kg, mang về Tiền Giang bày bán dưới danh nghĩa vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim với giá 25.000-30.000 đồng/kg.
Anh Nguyễn Văn Tính, nhà vườn ở xã Nhơn Ái, nói rằng, các thương lái đến tận vườn anh mua và chuyển về Tiền Giang. “Họ về đó mạo danh vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim chi đó. Vú sữa Vĩnh Kim là thương hiệu nổi tiếng lâu nay rồi. Tui chỉ biết bán cho họ, còn họ lèo lái thế nào là chuyện của họ”, anh nói.
Ông Sáu T., thương lái chuyên mua bán trái cây liên tỉnh, kể rằng, khoảng 10-15 năm trước nhà vườn Phong Điền - Cần Thơ mua giống vú sữa Lò Rèn từ xứ Vĩnh Kim về trồng. Lúc đầu chất lượng trái vú sữa Lò Rèn Phong Điền không thể sánh được với vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, trái nhỏ hơn, vỏ dày hơn, ăn không ngọt bằng.
Sau nhiều lần nghiên cứu cải tiến chất lượng bất thành, nhà vườn Phong Điền phải đến xứ Vĩnh Kim rước “thầy” là những ông chủ vườn trồng vú sữa Lò Rèn có thâm niên, kinh nghiệm đầy mình, đưa về Phong Điền nhờ hướng dẫn kỹ thuật canh tác.
Sau một thời gian, trái vú sữa Lò Rèn Phong Điền hiện nay được giới sành ăn đánh giá là có chất lượng ngang ngửa với trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim, trái to, vỏ mỏng, cơm dày, vị ngọt thanh. Tuy nhiên, về danh tiếng, trái vú sữa Lò Rèn Phong Điền không thể so sánh với vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim.
Theo ông Út Tú, nông dân ở xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, trước năm 1975 vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được trồng trên diện tích hơn 5.000 héc-ta ở các xã dọc theo bờ sông Tiền như Vĩnh Kim, Song Thuận, Kim Sơn, Phú Phong, Bàn Long… của huyện Châu Thành.
Vú sữa Phong Điền bày bán ở chợ Mỹ Tho (Tiền Giang) dưới mác vú sữa Vĩnh Kim. Ảnh: Thanh Anh
Nhưng theo thời gian, cây dần lão hóa, lại bị ảnh hưởng thời tiết, sâu bệnh, đến năm 2008 diện tích đất trồng chuyên canh vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim chỉ khoảng 3.200 héc-ta. Càng ngày, diện tích trồng vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim càng giảm, cho đến nay chỉ còn khoảng 500 héc-ta đang cho trái, sản lượng khoảng 10.000 tấn trái/năm.
Khoảng năm 2007, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim từng được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng toàn cầu Global G.A.P. “Nhưng lúc đó trái vú sữa sạch bán ra thị trường giá cũng như trái vú sữa trồng bình thường. Từ đó nhà vườn đâm nản không làm nữa, bởi giá bán không cao mà chi phí tái chứng nhận Global G.A.P hàng năm quá lớn”, Út Tú nhớ lại.
Nguồn gốc của trái vú sữa Vĩnh Kim
Nhắc đến biệt danh “vú sữa Lò Rèn”, ông Út Tú cười xòa, nói: “Ông bà xưa kể, vào những năm 1920-1930 ông Ngô Ngọc Quang (Huyện Trụ) là 1 điền chủ nổi tiếng trong vùng. Lần nọ nhà ông Huyện Trụ đám giỗ, có người mang đến biếu ông loại trái cây lạ, hình dáng tròn trịa, vỏ mềm mại màu hơi trắng, ánh vàng óng mỡ gà, khi xẻ ra mùi hương thơm phức, thịt quả màu trắng và có những giọt nước đục như sữa, ngọt lịm.
Thấy trái lạ và quá ngon, ông Huyện Trụ giữ hạt lại, giao cho mấy ông tá điền tin cẩn gieo trồng, chăm sóc. Nhưng cuối cùng chỉ mọc được duy nhất 1 cây bên cạnh cái lò lửa chuyên rèn dao, cuốc, phảng… trong vườn nhà ông Hồ Văn Lễ, làm nghề thợ rèn ở xã Long Hưng, sát bên xứ Vĩnh Kim. Sau 3 năm cây cho trái, nhưng chẳng ai biết tên là gì, chỉ nói là cây “Lò rèn nhà ông Lễ”.
Cây vú sữa có thể có tuổi thọ đến 20 năm.
Nhiều năm sau, cây “Lò Rèn” được trồng nhiều từ Vĩnh Kim sang các xã lân cận như Song Thuận, Kim Sơn, Phú Phong… trở thành một vùng vườn cây đặc sản nổi tiếng. “Cho đến nay không ai giải thích được vì sao trái này có tên “vú sữa”. Tui nghe các ông già xưa kể, do trái vừa nắm tay, khi chín da trắng ngà mịn màng giống… bầu ngực phụ nữ, bên trong trái lại chứa thứ nước trắng đục, ngon ngọt như dòng sữa, nên mới gọi là trái… vú sữa.
Mấy ông già còn dặn, ăn trái vú sữa đúng điệu thì phải dùng tay vò, bóp cho mềm lớp vỏ, sau đó mới tách nhẹ rồi đưa vô miệng mút sạch nước sữa và thịt trái ngon ngọt bên trong. Nếu dùng dao xẻ đôi rồi lấy muỗng múc ăn, tuy sang trọng văn minh nhưng… thất sách”, Út Tú cười cười, giải thích.
“Vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim đã là 1 thương hiệu nổi tiếng lâu đời. Các địa phương khác nếu trồng giống vú sữa Lò Rèn phải đăng ký thương hiệu vú sữa của địa phương mình, không thể mang danh vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được. Mạo danh như vậy là gây thiệt hại cho người trồng loại cây đặc sản này ở vùng Vĩnh Kim”, Út Tú bày tỏ.
Nhưng nông dân Phong Điền không hề có lỗi. Lỗi là do những thương lái, tự mạo danh để kiếm lời, và rất khó xử lý...
Theo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, sau khi trái vú sữa Vĩnh Kim được cấp phép nhập khẩu vào Mỹ thì xuất hiện một số doanh nghiệp làm ăn “chụp giật”, chỉ quan tâm đến số lượng mà không lưu ý đến chất lượng.
Cụ thể, năm 2018 trái vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim được Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Mỹ (thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ) cho phép nhập khẩu, nhiều nhà vườn trồng vú sữa vui mừng, dù số lượng chỉ có 250 tấn/năm. Nhưng người trồng chưa kịp mừng thì nhận tin “sét đánh”: vú sữa Việt Nam đi qua Mỹ bị người tiêu dùng tẩy chay vì… có giòi bên trong.
Vụ việc vừa mới tạm ổn thì gần đây vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim lại bị vú sữa Lò Rèn Phong Điền mạo danh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận