Y tế

Chuyển từ "xanh" sang "đỏ", Bộ Y tế đề xuất giải pháp gì với Tiền Giang ?

15/09/2021, 09:34

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp ở Tiền Giang, nhiều vùng "xanh" chuyển sang "đỏ", Bộ Y tế đã đề xuất 6 nhóm giải pháp tập trung kéo giảm dịch.

Trước thực trạng nhiều xã, phường, thị trấn lại chuyển từ “xanh”, “cam” thành “đỏ” tại Tiền Giang, PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch Covid-19 của Bộ Y tế tại TP. HCM đã đề xuất 6 nhóm giải pháp phòng, chống dịch cần tập trung trên địa bàn.

img

Phong tỏa vùng dịch Covid-19 tại Tiền Giang (ảnh minh họa)

Thứ nhất, tỉnh cần chú trọng việc xây dựng chi tiết kế hoạch chống dịch và khôi phục, mở cửa trở lại các ngành hàng thiết yếu theo giai đoạn, bắt đầu từ sau 15/9 như một số nơi đang làm. Tỉnh Tiền Giang cần thận trọng trong việc nới lỏng từng bước, nới lỏng từ từ và có chiến lược về khôi phục kinh tế song song với chống dịch. Việc xây dựng kế hoạch để áp dụng mở cửa trở lại theo giai đoạn này là hết sức cần thiết.

Thứ hai, một trong những biện pháp kiểm soát dịch Covid-19 được tốt hay không chính là chiến lược xét nghiệm, do đó Sở Y tế tỉnh Tiền Giang phải phối hợp với Trung tâm kiểm soát bệnh tật của tỉnh xây dựng kế hoạch và đưa ra các phương án xét nghiệm sao cho phù hợp và hiệu quả đối với thực tế của địa phương. “Chúng ta đã làm, đã xây dựng là phải kiên quyết thực hiện và phải thực hiện cho bằng được” - Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

Thứ ba, về vấn đề vaccine, với độ phủ vaccine mũi 1 đạt 18,1% và 1,63% mũi 2 tại Tiền Giang như hiện nay là quá thấp. Do đó, từ nay đến khoảng 20/9, Tiền Giang cần tập trung quyết liệt chiến lược xét nghiệm, Bộ Y tế sẽ có thể bố trí khoảng 100.000 bộ test cho tỉnh Tiền Giang và sẽ hỗ trợ vaccine để cố gắng phủ mũi 1 đạt 80 – 90% dân số. Do đó, đề nghị tỉnh tập trung thống kê và có văn bản gửi Bộ Y tế để có kế hoạch phân bổ trong thời gian sớm nhất có thể.

Thứ tư, đối với vấn đề về thuốc điều trị cho bệnh nhân mắc Covid-19, hiện nay số lượng bệnh nhân F0 đã giảm, do vậy với các F0 có triệu chứng nhẹ vừa vào các cơ sở cách ly tập trung tỉnh cần cố gắng hỗ trợ gói thuốc nâng cao sức khỏe, cho người bệnh, gói thuốc có thể sử dụng từ 5-7 ngày để bệnh nhân có thể sử dụng nâng cao thể trạng. Đối với các bệnh nhân nặng hơn chúng ta cần phải có thuốc điều trị theo đúng quy trình của Bộ Y tế.

Thứ năm, Tiền Giang cũng cần xem xét, đưa vào áp dụng các trạm y tế lưu động, tổ y tế lưu động và đề nghị cần tổ chức mô hình này ở những nơi nguy cơ rất cao và cao, đông dân cư, có số lượng F0 nhiều. Các tổ này vừa hỗ trợ Trạm y tế phường/xã, vừa đáp ứng yêu cầu cấp thiết của bệnh nhân tại nhà, khám, cấp cứu tại chỗ cùng một số thuốc men có thể xử lý tại chỗ cho bệnh nhân. Đồng thời, hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân có bệnh mạn tính trên địa bàn.

Thứ sáu, Tiền Giang có thể mở rộng thêm một số vùng phong tỏa có nguy cơ cao và thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16+. Đồng thời, tỉnh cần thường xuyên tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ y, bác sĩ để nâng cao năng lực điều trị; và sẵn sàng các phương án, xây dựng các kịch bản để kịp thời đối phó với mọi tình huống dịch Covid-19 có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Theo thống kê, tại Tiền Giang, kể từ khi bùng phát đợt dịch thứ 4 đến nay, ghi nhận tích lũy 12.205 ca mắc, 299 ca tử vong. Từ ngày 29/6/2021, trung bình có 190 ca/ngày, cao nhất là 234 ca/ngày. Trong 7 ngày qua, Tiền Giang ghi nhận 1.139 ca, trong đó có 138 ca ghi nhận tại cộng đồng.

Trước đó làm việc với Tiền Giang, Kiên Giang, Thủ tướng yêu cầu hai tỉnh này và từng huyện, xã đang thực hiện giãn cách phải đặt ra mục tiêu cụ thể, rõ ràng về thời gian kết thúc giãn cách và các tiêu chí cần đạt để kiểm soát dịch bệnh, các giải pháp để đạt mục tiêu.

Trên cơ sở thực hiện nghiêm các Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các hướng dẫn của Bộ Y tế, việc tổ chức thực hiện có thể phân tán, phân cấp tới tận thôn, bản, tổ dân phố… tùy tình hình cụ thể. Cùng với đó là các biện pháp bảo vệ vùng xanh, phát triển kinh tế-xã hội tại những nơi an toàn; Phải kiểm soát dịch bệnh càng sớm càng tốt, cố gắng chậm nhất là ngày 30/9.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.