Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt sẽ phải trả giá thuê kết cấu hạ tầng đường sắt thay vì phí sử dụng như hiện nay |
Cơ chế phí không phù hợp với kinh tế thị trường
Hiện nay, việc quản lý kết cấu hạ tầng (KCHT) đường sắt và bảo trì công trình đường sắt do Nhà nước đầu tư được ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí. Theo quy định hiện hành, có hai loại công trình KCHT đường sắt gồm công trình trực tiếp liên quan đến chạy tàu và công trình không trực tiếp liên quan đến chạy tàu.
Đối với công trình trực tiếp liên quan đến chạy tàu, DN kinh doanh vận tải đường sắt phải trích nộp 8% phần doanh thu vận tải để nộp phí sử dụng KCHT đường sắt vào ngân sách Nhà nước. Còn công trình không trực tiếp liên quan đến chạy tàu như kho, bãi, nếu cho thuê, DN đường sắt phải trích 20% tiền thu cho thuê sử dụng KCHT đường sắt (không bao gồm thuế giá trị gia tăng) để nộp ngân sách Nhà nước.
"Để chuyển từ cơ chế phí sang cơ chế giá, cần phải có lộ trình thực hiện. Vì vậy, Dự thảo Luật cũng đề nghị thời gian chuyển đổi cơ chế này là 5 năm. Đây là quãng thời gian cần thiết để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền rà soát, hoàn thiện định mức riêng biệt cho công tác quản lý KCHT đường sắt theo hướng chuyên nghiệp hóa; Tổ chức rà soát, đánh giá lại giá trị tài sản KCHT đường sắt hiện có để có cơ sở quản lý”. Ông Vũ Quang Khôi |
Theo Cục trưởng Cục Đường sắt VN Vũ Quang Khôi, quy định trên đến nay bộc lộ một số tồn tại, bất cập so với thực tế. Việc quy định phí sử dụng KCHT đường sắt không khuyến khích được các DN kinh doanh vận tải đường sắt phải tính toán các phương án vận tải tối ưu để hạn chế việc chạy rỗng hoặc tăng hệ số lấp đầy nhằm giảm thiểu chi phí, hạ giá thành sản xuất và giá cước vận tải, tăng năng lực cạnh tranh dịch vụ vận tải đường sắt. Đồng thời, cơ chế phí chưa phù hợp với cơ chế thị trường, chưa khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư KCHT đường sắt.
“Việc làm này hạn chế sự cạnh tranh lành mạnh giữa các DN kinh doanh đường sắt đồng thời hạn chế nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để tái đầu tư cho KCHT đường sắt”, ông Khôi nói.
Tại hội thảo “Tham vấn dự thảo Nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và kinh doanh tài sản KCHT đường sắt” do Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cũng cho rằng, quy định tính phí sử dụng hạ tầng đường sắt dựa trên doanh thu vận tải của DN kinh doanh đường sắt và giá cho thuê là chưa hợp lý theo cơ chế thị trường, làm triệt tiêu năng lực cạnh tranh của DN vận tải và các đơn vị thuê KCHT, dẫn đến thất thu kinh phí để tái đầu tư hạ tầng đường sắt.
>>> Xem thêm video:
Cơ hội cạnh tranh bình đẳng
Trao đổi với Báo Giao thông, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, một trong những điểm đột phá của Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) lần này là qui định nội dung cụ thể về kinh doanh KCHT đường sắt và chuyển từ cơ chế phí sử dụng KCHT đường sắt sang cơ chế giá. Khi đó, thông qua hợp đồng kinh tế, các DN, kể cả Tổng công ty Đường sắt VN phải thuê KCHT đường sắt để kinh doanh, tổ chức vận tải; Đảm bảo cơ hội cho các DN khác vào khai thác kinh doanh bình đẳng.
“Khi áp dụng cơ chế giá, phần Nhà nước hỗ trợ đối với đường sắt cũng tách bạch, rõ ràng hơn. Ví dụ, Nhà nước hỗ trợ tùy theo kết quả kinh doanh từng tuyến; Đối với những tuyến khai thác hiệu quả sẽ hỗ trợ thấp đi, tuyến nào không hiệu quả nhưng phải đảm bảo an sinh xã hội, Nhà nước phải hỗ trợ cao hơn hoặc toàn bộ để duy trì chạy tàu”, Thứ trưởng Đông nói.
Về vấn đề này, ông Vũ Quang Khôi cho biết thêm, Dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi) đang trình Quốc hội đề xuất chuyển cơ chế phí sử dụng sang cơ chế giá cho thuê KCHT đường sắt liên quan trực tiếp đến chạy tàu. Luật cũng quy định chính sách hỗ trợ giá cho DN kinh doanh KCHT đường sắt quốc gia như: Một số tuyến vẫn phải duy trì chạy tàu vì mục đích an sinh xã hội; Có tuyến vẫn phải tồn tại mà không hoạt động vận tải; Có tuyến kinh phí thu được từ kinh doanh KCHT đường sắt, kinh doanh vận tải không đủ bù chi cho bộ máy quản lý, bảo trì KCHT đường sắt.
“Việc đề xuất cơ chế giá như vậy sẽ phù hợp với cơ chế thị trường, linh hoạt, góp phần tạo môi trường bình đẳng, nâng cao chất lượng dịch vụ trong kinh doanh đường sắt theo đúng định hướng của Nhà nước về nguyên tắc hoạt động và chính sách phát triển đường sắt”, ông Khôi nói và cho biết, khi áp dụng sẽ dễ dàng xã hội hóa đầu tư, kinh doanh đường sắt hơn. DN tự đầu tư KCHT đường sắt có thể sử dụng cơ chế giá làm căn cứ xây dựng phương án hoàn vốn đầu tư, từ đó thu hút nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước đầu tư KCHT đường sắt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận