13 đơn vị vận tải tại Huế, Đà Nẵng kiến nghị chuyển tuyến cố định Huế - Đà Nẵng thành tuyến buýt để tránh bất cập xe vắng khách như hiện nay |
Không riêng Đà Nẵng - Huế, nhiều tuyến liên tỉnh Hà Nội - Hải Phòng, TP HCM - Đồng Nai… đang hình thành “cuộc cách mạng” chuyển tuyến cố định sang tuyến buýt chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Vừa cố định-vừa xe buýt: Dễ "vỡ trận" vận tải
Trong bối cảnh hiện nay (chưa quy hoạch tuyến xe buýt, lượng khách tuyến cố định chưa quá tải), Đà Nẵng, Thừa Thiên - Huế chưa mặn mà cho việc ra đời hoạt động xe buýt tuyến Đà Nẵng - Huế. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với đặc thù các tuyến liên tỉnh có cự ly hai đầu bến dưới 100km, tần suất khai thác lớn, việc chuyển sang tuyến buýt đang là một xu thế mới, tất yếu. Đây được xem là “cuộc cách mạng” trong quản lý trật tự vận tải hành khách ngay sau Quyết định 2288 của Bộ GTVT - lần đầu tiên công bố mạng lưới luồng tuyến vận tải hành khách trên quy mô toàn quốc. Riêng tuyến Đà Nẵng - Huế, đến nay ghi nhận hai đơn vị kiến nghị tham gia tuyến xe buýt.
Trong đó một doanh nghiệp Thừa Thiên - Huế (Công ty CP Taxi TC Huế) xin mở tuyến xe buýt chạy song song với tuyến cố định Huế - Đà Nẵng và kiến nghị tập thể của 12 đơn vị vận tải đang khai thác tuyến cố định Đà Nẵng - Huế được chuyển sang tuyến xe buýt.
Một số ý kiến cho rằng, nên duy trì cả hai loại hình xe cố định và xe buýt. Tuy nhiên, quan điểm này ngay từ đầu đã không nhận được sự đồng thuận của các chuyên gia, nhà quản lý bởi dễ dẫn đến sự xung đột, chồng lấn trong khai thác và tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ trật tự vận tải. Tại Công văn 4991 phúc đáp đề xuất mở tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng với Sở GTVT Thừa Thiên - Huế (tháng 12/2015), ông Lê Văn Trung, Giám đốc Sở GTVT Đà Nẵng nêu rõ: Không thống nhất với việc mở tuyến xe buýt Huế - Đà Nẵng theo phương thức tồn tại song song tuyến cố định ở thời điểm này.
Do phương án xe buýt Huế - Đà Nẵng của Công ty CP Taxi TC Huế (tần suất 30 phút/chuyến) thấp hơn tần suất của tuyến cố định đang hoạt động và lộ trình cơ bản trùng với lộ trình tuyến cố định là bất hợp lý, không khả thi, rất dễ nảy sinh xung đột trên tuyến. Đáng nói, lộ trình tuyến xe buýt này được đề xuất đi sâu vào nội thành Đà Nẵng, hệ số trùng tuyến với các tuyến hiện trạng và trong quy hoạch của thành phố, dẫn đến tiềm ẩn khả năng không phát huy hiệu quả khai thác các tuyến buýt.
Ông Lê Viết Hoàng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP Vận tải và Quản lý Bến xe Đà Nẵng phân tích: Cả chục năm nay, Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế khống chế số lượng, không phát triển thêm đầu xe tuyến cố định Đà Nẵng - Huế và ngược lại vì cung đã vượt quá cầu. Lượng khách trên tuyến hiện rất thấp so với năng lực chuyên chở, đạt trung bình chưa đầy 50% số ghế/xe xuất bến. Trong khi đó, tuyến cố định này đang bị hàng loạt xe trá hình, núp bóng tour tuyến du lịch chạy “lấn tuyến”. Lãnh đạo TTGT Đà Nẵng cho rằng, nếu có thêm xe buýt chạy song song với tuyến cố định dễ “vỡ trận” trật tự vận tải.
Nhận diện "cách mạng xe buýt" từ xe cố định
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Viết Hoàng cho hay: Đón đầu xu thế mở tuyến buýt Đà Nẵng - Huế và ngược lại, 13 đơn vị vận tải, bến xe hai địa phương vừa trình đề xuất chuyển tuyến cố định trên thành tuyến xe buýt. Theo đó, tuyến buýt giữ lộ trình đúng tuyến cố định với hai đầu bến: BX Trung tâm Đà Nẵng và BX phía Nam TP Huế hoàn toàn không đi sâu vào nội thành; đảm bảo tần suất chạy xe tối đa 15 phút/chuyến tại hai đầu bến. Các đơn vị thống nhất giao cho hai bến xe hai địa phương quản lý chặt chẽ giờ xe đi và đến.
Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng giám đốc Công ty CP Bến xe Huế cho biết: Thời gian chạy xe buýt được quy định hai khung giờ, tương đương lịch trình chạy xe tuyến cố định. Các đầu xe cam kết đón, trả khách tại các điểm đúng nơi quy định.
Theo phương án này, kinh phí đầu tư xe mới, cắm biển dừng đón khách trên tuyến hoàn hoàn được các đơn vị vận tải xã hội hóa, ngân sách Nhà nước không phải đầu tư phương tiện hoặc bất kỳ hình thức “trợ giá” nào. Các xe cố định được chuyển sang xe buýt. Các địa phương quy định kiểu dáng, chất lượng cho tuyến xe buýt này. Lãnh đạo hai bến xe đề xuất cơ chế, giao trách nhiệm quản lý, điều hành tuyến xe buýt này cho các bến xe. Theo ông Hoàng, việc chuyển đổi này phải đáp ứng yêu cầu chất lượng, hình thành hệ thống xe buýt chất lượng cao, tổ chức các điểm dừng đỗ cụ thể, thu hút người dân, qua đó xóa bỏ tình trạng xe dù, bến cóc có xu hướng diễn biến phức tạp hiện nay.
Ông Sơn cho rằng: Việc chuyển xe tuyến cố định sang xe buýt làm giảm sự xáo trộn hoạt động vận tải khách trên tuyến, hạn chế sự biến động cung - cầu, tạo sự ổn định, cạnh tranh lành mạnh giữa các phương tiện.
Mới đây, tại văn bản tham mưu giải quyết đề xuất chuyển tuyến xe khách cố định Đà Nẵng - Huế thành tuyến xe buýt lên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, ông Võ Văn Tươi, Phó giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên - Huế cho rằng: Sở thống nhất với các đơn vị về việc chuyển tuyến xe khách cố định trên tuyến thành tuyến xe buýt khi đủ điều kiện tại thời điểm phù hợp và báo cáo UBND tỉnh chấp thuận cho bổ sung quy hoạch.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng cần ưu tiên những đơn vị chạy cố định được chuyển đổi sang tuyến xe buýt khi có quy hoạch, khai thác. Khái niệm xe buýt trước đây hay hiểu là phương tiện công cộng chạy trong nội đô, giúp giảm phương tiện cá nhân, tránh ùn tắc giao thông, tiết kiệm cho người dân. Đến nay, nó được mở rộng đến hai tỉnh liền kề, có thể lên đến ba, bốn tỉnh liền kề như tuyến Hà Nội - Hải Phòng vượt qua ba tỉnh, đang là một xu hướng tất yếu.
Xe tuyến cố định dưới 100km chuyển sang buýt: Xu thế tất yếu Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cho biết: Thành phố đang giao cho Sở GTVT nghiên cứu, báo cáo với tinh thần hỗ trợ tối đa các hộ kinh doanh vận tải tuyến cố định, đảm bảo quy định, xu thế chung nhằm phát triển hệ thống vận tải, đáp ứng nhu cầu đi lại tốt nhất cho hành khách. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhấn mạnh: Không chỉ khuyến khích, việc các xe tuyến cố định cự ly dưới 100km như Đà Nẵng - Huế chuyển sang xe buýt đang là xu thế tất yếu, rất cần được nhân rộng. Thực tế, trước tuyến Đà Nẵng - Huế, nhiều tuyến như Hà Nội - Hải Phòng, TP HCM - Đồng Nai - Vũng Tàu... đã và đang hình thành các tuyến “xe buýt liên tỉnh”. Tại nhiều tỉnh, sau khi xe buýt nội tỉnh nối các huyện đi vào hoạt động, người dân đánh giá cao và lựa chọn nhiều. Theo ông Lê Viết Hoàng, khác với xe tuyến cố định không được đón trả khách trong khoảng cách 5km từ bến xe, xe buýt sẽ quy định các điểm dừng đỗ, đón trả khách phù hợp, góp phần hạn chế nạn xe dù, bến cóc, đảm bảo trật tự ATGT; Thu hút lượng khách đi tuyến ngắn, giảm tình trạng sử dụng xe máy để di chuyển, gây mất ATGT. Đặc thù tuyến cố định Đà Nẵng - Huế được đưa vào khai thác hơn 40 năm nay, nếu giải quyết không tốt bài toán sinh kế khi hình thành tuyến xe buýt, sẽ gây xáo trộn cả trật tự vận tải và kinh tế xã hội. Xuân Huy |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận