360 độ thể thao

Chuyện về “bảo tàng” bóng đá độc nhất Việt Nam

02/05/2024, 06:48

Ông Hà Bôn vẫn được giới bóng đá biết đến khi là thông gia của ông Mai Đức Chung - cựu HLV trưởng Đội tuyển nữ Việt Nam. Không chỉ vậy, cựu thủ môn đội Đường sắt còn sở hữu một "bảo tàng" cá nhân với nhiều kỷ vật vô giá của bóng đá nước nhà.

Kho sử của bóng đá Việt

Một ngày đầu tháng 4, chúng tôi tìm tới nhà ông Hà Bôn, là một căn hộ chung cư ở gần trung tâm Hà Nội để mục sở thị bảo tàng bóng đá nổi tiếng trong giới túc cầu. Trước mắt chúng tôi là người đàn ông dáng người nhỏ thó nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát, ít ai nghĩ ông đã ngoài 80 tuổi.

Chuyện về “bảo tàng” bóng đá độc nhất Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Hà Bôn nhận kỷ vật là ba lá cờ lưu niệm tại World Cup nữ 2023 từ thông gia - HLV Mai Đức Chung.

"Trước đây, tôi có căn nhà ba tầng nhỏ ở phố Núi Trúc, nhưng chỗ đó ẩm thấp quá, do lưu giữ nhiều kỷ vật, sợ ảnh hưởng nên vợ chồng tôi bán đi và mua căn chung cư này. Ở đây thì thoáng đãng, yên tâm rồi", vừa rót nước mời khách, ông vừa nói.

Nhìn một vòng quanh căn hộ, đâu đâu cũng là ảnh, huy chương, găng tay, bóng, áo đấu với đủ các chữ ký của các danh thủ bóng đá Việt Nam xưa và nay như: Lê Thụy Hải, Vương Tiến Dũng, Mai Đức Chung, Nguyễn Cao Cường, Ba Đẻn (Nguyễn Thế Anh - PV), Công Vinh, Thành Lương, Đặng Văn Lâm… Tất cả đều được bài trí gọn gàng, ngăn nắp trên những kệ gỗ nhỏ.

"Diện tích không nhiều nhưng tôi cố gắng bày hết, không cất bất kỳ món đồ nào vào thùng. Cũng may bà xã tôi hiểu nên mới có chuyện gần 2/3 diện tích căn hộ trở thành nơi trưng bày", ông cười nói.

Tiếp tục câu chuyện, vị cựu danh thủ cho hay, ý tưởng lưu giữ các kỷ vật của bóng đá Việt Nam hình thành trong ông từ khoảng những năm 2000. Thời điểm đó, ông bắt đầu nghỉ hưu, có nhiều thời gian và các đồng nghiệp tặng nhiều món đồ giá trị nên ông muốn có một nơi thật trang trọng để trưng bày.

Ông bảo, chắc do cái duyên nên số kỷ vật ông được tặng ngày một nhiều. Từng món đồ ông đều nhớ như in của ai tặng, trong hoàn cảnh nào. Kỷ vật nào cũng có giá trị, nhưng ông ấn tượng nhất là quả bóng Công Vinh đánh đầu ngược vào lưới Thái Lan giúp đội tuyển Việt Nam lần đầu vô địch AFF Cup năm 2008.

Bên cạnh đó là tấm HCV SEA Games lần đầu tiên của đội tuyển nữ năm 2003. Sau này, cứ mỗi lần vô địch, ông Mai Đức Chung lại tặng ông huy chương. Hay như ba lá cờ lưu niệm của tuyển nữ Việt Nam tại World Cup 2023, đánh dấu cột mốc lịch sử của bóng đá nước nhà trên trường quốc tế. "Những thứ này có bạc tỷ cũng chẳng thể mua", ông bộc bạch.

Bức ảnh của nhà vô địch thế giới

Nhưng bảo tàng của ông Hà Bôn không chỉ có kỷ vật bóng đá Việt Nam. Giơ cho chúng tôi xem tấm ảnh chụp đội tuyển Đức vô địch World Cup 1990 tại Italia và tấm ảnh thủ thành huyền thoại bóng đá Đức Schumacher kèm chữ ký, ông kể: "Lúc ấy, tôi đang làm việc ở Đại sứ quán Đức, ngài đại sứ rất mê bóng đá nên với tôi cũng coi như tâm giao.

Chuyện về “bảo tàng” bóng đá độc nhất Việt Nam- Ảnh 2.

Những kỷ vật được ông Hà Bôn bày trí ngăn nắp, gọn gàng.

Trận chung kết giữa Đức và Argentina, đại sứ mời tôi tới đại sứ quán để cùng xem. Do gia đình đại sứ là chỗ quen biết với thủ thành Schumacher nên đã liên hệ để xin giúp tôi bức ảnh. Sau này, tôi với Schumacher thi thoảng có thư từ qua lại, gửi tặng nhau kỷ vật".

Lại nói về thời gian làm việc tại Đại sứ quán Đức, trước đó, sau khi rời quân ngũ, ông Hà Bôn từng làm việc tại Đại sứ quán Bulgaria. Năm 2008, đại sứ Bulgaria tại Việt Nam biết ông đam mê sưu tầm kỷ vật bóng đá nên đã tới tận nhà trao tặng quả bóng EURO 2008.

"Đây là món quà rất bất ngờ bởi trước đó tôi và ngài ấy chưa từng liên hệ. Hỏi ra mới hay, ngài ấy biết tôi qua lần tôi dẫn đội bóng Đại sứ quán Mỹ (ông Hà Bôn là đội trưởng - PV) đi đá giao hữu", vị cựu danh thủ chia sẻ.

Nhưng những kỷ vật bóng đá thế giới của ông không chỉ dừng lại ở vài món đồ như vậy. Ông gần như có hết linh vật, quà lưu niệm của các kỳ World Cup, EURO bởi bạn bè, đồng nghiệp cũ khi đi công tác hoặc sang theo dõi giải đấu biết ông đam mê nên mua về tặng.

"Chú Mai Đức Chung lần nào ra nước ngoài cũng bổ sung cho tôi một vài món đồ, đôi khi chỉ là cái bơm bóng nhưng trân quý vô cùng", ông hào hứng khoe.

Muốn truyền lại cho con cháu

Theo ông, một điểm đặc biệt nữa là tất cả các thế hệ thủ môn của đội tuyển Việt Nam đều từng tặng ông áo, găng tay thi đấu: "Đặng Văn Lâm ngay khi cùng đội tuyển vô địch AFF Cup 2018 đã mang bóng có chữ ký toàn đội và găng tay tới tặng. Tình cảm như vậy không phải ai cũng có được nên tôi trân trọng".

Chuyện về “bảo tàng” bóng đá độc nhất Việt Nam- Ảnh 3.

Quả bóng Chung kết AFF Cup 2018 cùng hai đôi găng tay thủ thành Đặng Văn Lâm tặng ông Hà Bôn.

Nhấp ngụm trà, ông Hà Bôn kể tiếp, từng có nhiều người đến hỏi mua kỷ vật của ông với giá rất cao nhưng ông chỉ cảm ơn mà không bán. "Tất cả đều vô giá, không thể đong đếm được bằng vật chất thông thường. Các bạn có lẽ chưa biết, nguyên tắc của tôi là chỉ lưu giữ kỷ vật của người tài đức vẹn toàn. Mà những người đến trao kỷ vật nếu không phải là bằng hữu lâu năm thì cũng là vì yêu quý tôi mới đến, mình đem bán sao được", ông chia sẻ.

Không muốn bán nhưng vị cựu danh thủ chia sẻ, ông sẵn sàng hiến tặng nếu bóng đá Việt Nam có được một bảo tàng xứng tầm. Ngược lại, ông sẽ truyền lại cho con cháu gìn giữ.

"Tôi năm nay 85 tuổi rồi, chẳng biết thế nào. Con rể tôi là con trai của ông Mai Đức Chung - Mai Quang Hưng cũng đam mê bóng đá, hiện đang là HLV đào tạo trẻ, sau này có thể kế thừa tâm nguyện tôi để lại, tiếp tục chăm sóc bảo tàng này", ông cho hay.

Cựu danh thủ Hà Bôn sinh năm 1939, từng thi đấu cho đội Sở Thuế vụ ở giải hạng B của miền Bắc. Năm 1960 ông thi đấu cho đội Đường sắt. Hai năm sau, ông gia nhập quân đội, làm thủ môn cho đội Quân khu Việt Bắc. Thời điểm ấy, mỗi khi nhắc đến Hà Bôn, những người từng theo dõi chàng thủ môn có chiều cao khiêm tốn 1m65 thi đấu thường ví von rằng: "bay như vượn, lượn như Bôn".

Năm 1967, ông giải nghệ và được cử làm lái xe cho Đại sứ quán Bulgaria rồi Đại sứ quán Đức nhờ biết ngoại ngữ. Năm 2000, ông nghỉ hưu theo chế độ và bắt đầu sưu tập những kỷ vật của bóng đá Việt Nam.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.