Cầu Dã Viên dài 542,5m, rộng 24,5m, xây song song và sát cầu đường sắt Bạch Hổ về phía hạ lưu |
Tranh cãi nảy lửa đặt tên cầu
Ít ai biết, trước khi “đặt bút” ký xây dựng cây cầu lớn nhất trên sông Hương, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải đau đầu tính chuyện đặt tên cầu. Thực tế trong một thời gian dài, tại Huế đã nổ ra nhiều cuộc tranh cãi “nảy lửa” đặt tên cho cây cầu lớn bên bờ sông Hương thơ mộng.
Ông Ngô Văn Tuân - Giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên - Huế nhớ lại, ngày mới đặt “mũi xẻng” đầu tiên xây cầu, ai cũng quen gọi là cầu Bạch Hổ bắc qua sông Hương. Nhưng lúc đó, theo suy nghĩ của nhiều người, ngoài mục đích lưu thông, kết nối hai bờ, cây cầu còn có vai trò không kém phần quan trọng là trang trí, tô điểm cho không gian văn hóa Huế. Những chiếc cầu đẹp và nổi tiếng trên thế giới mặc nhiên trở thành biểu tượng cho một địa danh, gắn với tên tuổi của một đô thị, một thành phố.
"Nhà thầu thi công chính là Công ty CP Công trình Đường sắt đã nỗ lực xây cầu vượt tiến độ về đích trước 4 tháng. Điểm đặc biệt tại cây cầu này, Công ty Cầu 1 Thăng Long (nhà thầu xây lắp phụ) đã áp dụng công nghệ khoan Leffer, một công nghệ tiên tiến nhất hiện nay để thi công do địa chất dưới đáy sông Hương phức tạp, trong đó, việc thi công trụ T11 gặp đá cuội loại lớn gây trở ngại cho việc khoan trụ”.
Ông Nguyễn Đình Quyền Thừa Thiên - Huế |
“Riêng tại Huế, trên dòng sông Hương thơ mộng, không kể các cầu ở thượng và hạ nguồn, chỉ tính ở trung tâm thành phố, đối diện với hoàng thành, trước đó đã tồn tại hai chiếc cầu dành cho đường bộ là Trường Tiền và Phú Xuân. Tên tuổi của hai cây cầu này đã đi vào lịch sử, là biểu tượng bao đời nay của đất Cố Đô. Còn cây cầu thứ ba lớn nhất này, mọi người mới chỉ quen gọi tên cầu đường bộ Bạch Hổ để phân biệt với cầu đường sắt Bạch Hổ nằm song song kế bên” – ông Tuân kể.
Tuy nhiên, không thể gọi chung chung cái tên Bạch Hổ giữa cầu đường sắt và đường bộ. Sau một thời gian dài trăn trở, với không biết bao ý kiến đề xuất, thậm chí tại Huế, giới chuyên gia và người dân còn tổ chức nhiều cuộc luận đàm và tranh cãi nảy lửa để tìm ra một cái tên hay nhất, đẹp nhất, phù hợp nhất. Người thì cho rằng nên để tên cầu cũ, vì người dân Huế đã quen gọi từ bao đời. Người lại phản bác rằng, phải thay tên mới “đích danh” cho cầu. Phải tới khi cầu được khánh thành, mọi người mới đồng lòng đặt tên cầu là: Dã Viên.
Theo ông Tuân, lý do đặt tên Dã Viên bắt nguồn từ ý tưởng dịu dàng như chính những người con gái Huế. Hơn nữa, cầu được xây dựng nằm song song với hai chiếc cầu dành cho đường sắt đã được xây dựng từ năm 1908, bắc qua sông Hương và cùng gối trên đất cồn Dã Viên ở phía thượng nguồn. Cái “cồn” (đảo) dáng hình thoi nằm giữa dòng sông Hương vốn được các nhà địa lý triều Nguyễn xem là “hữu Bạch Hổ” của kinh thành Huế.
Dải lụa vắt đôi bờ sông Hương
Cùng với việc đặt tên cầu, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải tổ chức ba lần thi tuyển phương án kiến trúc cho cầu. Do cầu nằm ở vị trí “đắc địa” (gần kinh thành Huế thuộc Di sản Văn hóa thế giới) nên quá trình chuẩn bị phải rà soát kỹ lưỡng. Cả 3 lần thi tuyển đều có những hội đồng tuyển chọn rất gắt gao. Thừa Thiên - Huế mời cả các chuyên gia của Hội Kiến trúc sư VN, Hội Cầu đường VN, Hội Kiến trúc sư tỉnh tham gia tuyển chọn. Cuối cùng, phương án thiết kế của Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Cầu lớn - hầm trúng tuyển. Còn phần xây lắp cầu chính do Công ty CP Công trình Đường sắt đảm nhận. Chủ đầu tư là Ban Đầu tư và Xây dựng giao thông Thừa Thiên - Huế (Sở GTVT Thừa Thiên - Huế).
Cầu Dã Viên được khởi công xây dựng ngày 22/9/2009. Sau 3 năm “dầm mưa, dãi nắng” trên đôi bờ sông Hương, ngày 31/8/2012, nhà thầu chính Công ty CP Công trình Đường sắt đã chính thức bàn giao cho UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế khánh thành và đưa vào sử dụng cây cầu lớn nhất bắc qua sông Hương. |
Với tiêu chí là vừa giải quyết được tình trạng ách tắc giao thông, vừa đảm bảo mỹ quan đô thị, cảnh quan của thành phố, cây cầu đã được xây dựng với tổng mức đầu tư 730 tỷ đồng, dài 542,5m, rộng 24,5m, xây song song và sát cầu đường sắt Bạch Hổ về phía hạ lưu. Đây là cây cầu thứ ba qua sông Hương ở trung tâm TP Huế (sau cầu Trường Tiền và cầu Phú Xuân), nhưng lại là cây cầu lớn nhất về mặt quy mô.
Điểm đầu của cầu tại ngã ba đường Lê Duẩn và đường Kim Long (hướng đi Hà Nội thuộc địa phận phường Phú Thuận), điểm cuối kết nối với đường Bùi Thị Xuân và chạy theo đường này đến cầu Ga (ga Huế) thuộc phường Đúc. Đường hai đầu cầu theo tiêu chuẩn đường phố, mặt đường bê tông nhựa trên móng cấp phối đá dăm. Cầu cho phép lưu thông 4 làn xe và có hệ thống lan can hai bên cho người đi bộ. Trên cầu ngoài hệ thống chiếu sáng mỹ thuật, còn có 6 vọng lâu tạo điểm nhấn cho mỹ quan và là nơi để người dân và du khách ngắm cảnh sông Hương.
Mỗi lần có dịp đến Huế, được dạo bước trên cầu Dã Viên, mọi người sẽ có cảm giác thư thái lạ thường. Cây cầu được thiết kế hết sức tinh tế với dáng vẻ mềm mại như dải lụa đào vắt đôi bờ sông Hương thơ mộng. Để làm dịu bớt nét thô cứng của các dầm bê tông, các nhà thiết kế đã không tiếc công trang trí thêm các hoa văn nổi dọc suốt dầm cầu. Đặc sắc nhất là 6 “vọng lâu” nổi bật với mái ngói đỏ, được thiết kế mỗi cặp đối xứng dọc theo hai bên lan can cầu trông khá cổ kính.
Thay đổi diện mạo cố đô
Trước khi xây cầu Dã Viên, dòng sông Hương chảy trong lòng TP Huế đã có cầu Phú Xuân và Trường Tiền. Tuy nhiên, hai cây cầu này được xây dựng cách đây đã vài chục năm và dù đã được nâng cấp, sửa chữa, vẫn không đáp ứng đủ lưu lượng, phương tiện vận tải và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội cho Thừa Thiên - Huế. Vào những giờ cao điểm, tại các tuyến giao thông xung quanh khu vực hai cây cầu này thường xuyên xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài. Bởi vậy, việc đầu tư xây dựng công trình cầu Dã Viên là rất cấp thiết.
Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế Nguyễn Ngọc Thiện nhớ lại, cầu Dã Viên là tiền đề để TP Huế giải quyết nút thắt giao thông và là tiền đề phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với Dã Viên, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm của tỉnh cũng đã được đầu tư như: Cầu Tư Hiền, cầu Ca Cút, đường La Sơn – Nam Đông, QL49A, QL49B, TL4 và các công trình giao thông trên địa bàn TP Huế như: Cầu An Cựu, cầu Bến Ngự, cầu Nam Giao, cầu Kho Rèn, kết hợp với việc nâng cấp các tuyến đường Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Lý Thường Kiệt, Tự Đức - Thủy Dương đã làm thay đổi diện mạo của TP Huế.
Còn Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Cao cho rằng, gần hai năm đưa cầu Dã Viên vào sử dụng đã tạo sức bật kinh tế, văn hóa, nhất là phát triển hạ tầng du lịch cho TP Huế. Cây cầu cũng đồng thời làm giảm sức ép lưu lượng phương tiện giao thông qua cầu Phú Xuân đang ngày càng xuống cấp.
Theo người dân TP Huế, từ ngày cầu Dã Viên hoàn thành, đưa vào sử dụng, nơi đây đã trở thành địa điểm thưởng ngoạn, thư giãn lý tưởng cho du khách. Ông Trần Huy, người dân sống gần cầu phấn khởi kể: “Từ ngày cầu khánh thành, tôi và con cháu cùng những người dân xung quanh đây thường ra cầu đi thể dục và hóng mát, bên cạnh đó là thú vui câu cá vào mỗi buổi sáng và chiều tối. Có được cây cầu này, người dân và du khách càng thêm yêu thành phố Cố đô”.
Dương Hằng Nga
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận