Vượt “tọa độ chết” mở đường chi viện
Những ngày cuối năm, ông Đào Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy Cục Công trình 1 (tiền thân của CIENCO4) nhớ lại thời điểm tháng 6/1965, Cục Công trình được chuyển từ Hà Nội vào Nghệ An và đổi tên thành Cục Công trình I với nhiệm vụ xây dựng và đảm bảo giao thông các tuyến đường trọng điểm khu 4 từ Thanh Hóa đến Vĩnh Linh (Quảng Trị).
Công nhân Cục Công trình 1 (tiền thân của CIENCO4) thi công mở đường 20 tháng 7 dưới mưa bom
Ông kể Thanh kể: “Công trình đầu tiên Cục Công trình I thực hiện là tuyến đường 21 nối từ đường 1 cũ lên đường 15 đoạn Quảng Bình, Hà Tĩnh để phục vụ vận tải chiến lược phục vụ chiến trường miền Nam”.
Trong những năm tháng chiến tranh và thời kỳ đổi mới, các thế hệ cán bộ, công nhân CIENCO4 đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ, vận tải 500.000 tấn binh khí, kỹ thuật; xây dựng mới 15.000km đường ô tô, 450km đường sắt, hơn 80.000m2 đường băng sân bay; 50.000m2 nhà xưởng; hơn 45.000m cầu bê tông vĩnh cửu, hơn 20.000m cầu thép; khôi phục, nâng cấp hơn 2.500km đường quốc lộ trên địa bàn 63 tỉnh, thành; đầu tư hàng chục dự án BOT.
Sau thắng lợi bẻ gãy chiến lược bình định của Mỹ, cục diện miền Nam chuyển sang thế chiến dịch lớn, giữa năm 1967, Chính phủ quyết định mở một con đường nối QL15A ở Lệ Ninh (Quảng Bình) với tuyến số 9 thuộc vùng địch kiểm soát, đặt tên là đường 20 tháng 7.
Nhận nhiệm vụ thi công con đường này, Cục Công trình I đối diện nhiều khó khăn khi mùa mưa rừng Trường Sơn đang đến, bất lợi cho thi công, địa hình thi công hiểm trở, phải đi qua rất nhiều đèo cao, suối sâu.
“Khoảng 6.000 cán bộ, công nhân, TNXP được huy động làm nhiệm vụ. Thi công tuyến đường đến cây số thứ 10 thì địch phát hiện, chúng ráo riết dội bom. Chỉ từ ngày 4/3/1972 - 15/1/1973, trên toàn tuyến của Cục bị đánh 548 trận bom, trong đó có 21 trận B52”, ông Thanh nhớ lại.
Thế nhưng, với khí thế “sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, đội tự vệ 7G với 17 viên đạn súng trường vẫn chiến đấu, bắn rơi chiếc máy bay Mỹ trinh sát đầu tiên ở miền Bắc, tổ phá bom nổ chậm được thành lập, công trường 20 tháng 7 vẫn đều đặn mở 1km đường mỗi ngày, từng đoạn núi đá hiểm trở cũng được khơi thông với mìn, bộc phá để rút ngắn thời gian mở tuyến.
Tinh thần mở đường sục sôi, song, Bí thư đầu tiên của Cục Công trình 1 vẫn khắc khoải nhớ về những khó khăn, mất mát.
“Đó là việc hậu phương ở xa công trường, địch đánh phá ác liệt, việc cung cấp lương thực khó khăn. Là câu chuyện của hai công nhân đi lạc vào rừng suốt hàng chục ngày phải hái lá cây ăn, sống thất tha thất thểu. Qua một đêm mắc võng nằm ngủ trong rừng, sáng hôm sau, một người đã ra đi vì đói”, ông Thanh nói.
Câu chuyện mà ông Trần Đức Huy, nguyên TGĐ CIENCO4 (giai đoạn 1991 - 1998) nhắc nhớ còn là mặt trận đường 22A, 22B chưa đầy 15 tháng đã mở được 96km.
Đây là con đường phải xuyên qua rừng già âm u, suối sâu hiểm hóc, đèo cao chênh vênh để phá thế độc đạo vượt qua đèo ngang theo đường QL1A.
Đó còn là “tọa độ lửa” ngã ba Đồng Lộc, công nhân máy gạt kiên cường bám trụ kiên cường suốt 98 ngày đêm, bảo đảm thông suốt cho xe tải, pháo liên tục về phía trước.
Riêng thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, để đập tan âm mưu giặc “Làm gãy cán xoong”, công nhân Cục Công trình 1 đã mở được 7 con đường vòng dài 655km, bảo đảm giao thông và quản lý vận tải 154km đường goòng.
Miền Nam giải phóng, Cục Công trình I đổi tên thành Xí nghiệp Liên hợp Công trình I rồi Liên hiệp các Xí nghiệp công trình giao thông 4 tập trung khắc phục hậu quả chiến tranh. Hàng loạt công trình trọng điểm bị phá hoại đã nhanh được được khôi phục như: cảng Bến Thủy, cảng Cửa Lò, đặc biệt là chiến dịch thi công các cầu và đường sắt Thống Nhất,…
“Từ năm 1981 - 1985, Liên hiệp các Xí nghiệp công trình giao thông 4 đã xây dựng gần 100 công trình giao thông, hoàn thành nhiệm vụ thông suốt hơn 300km đường bộ và hai bến phà trên QL1A. 5 năm sau, phạm vi hoạt động của Tổng công ty mở rộng từ địa bàn 4 tỉnh: Thanh - Nghệ - Tĩnh - Bình vươn ra 36 tỉnh trong nước và CHDCND Lào”, ông Huy kể.
Làm chủ công nghệ, liên tiếp lập kỷ lục thời bình
Gần 60 năm hình thành và phát triển, hiện tại, CIENCO4 vẫn lấy xây dựng hạ tầng giao thông là trụ cột, phát triển
Thời kỳ đổi mới, sau một số lần thay tên đổi họ, Tổng công ty Công trình giao thông 4 (CIENCO4) viết tiếp trang sử hào hùng.
“Làm chủ công nghệ, cải tiến kỹ thuật, phương pháp thi công hội nhập với thời cuộc là mục tiêu trọng tâm, trọng điểm Tổng công ty đặt ra”, nguyên Phó TGĐ CIENCO4 Dương Đình Thắng nói và cho biết, tính riêng trong giai đoạn 1996 - 2004, mạnh dạn “rót thêm” hơn 675 tỷ đồng để đổi mới, làm chủ thiết bị công nghệ.
CIENCO4 ghi dấu ấn trên nhiều công trình, dự án lớn phức tạp áp dụng công nghệ mới như: Cầu Đắkrông bằng công nghệ cầu dây văng lần đầu tiên do Việt Nam thiết kế và tự thi công; Công nghệ đúc đẩy áp dụng lần đầu tiên thi công cầu Hiền Lương, công nghệ ván khuôn trượt MMS lần đầu tiên áp dụng ở Việt Nam tại cầu Thanh Trì; Các công nghệ xử lý nền đất yếu bằng phương pháp neo trong đất tại đường Hồ Chí Minh, công nghệ cầu vòm bê tông cốt thép không gian 3 chiều có khẩu độ nhịp lớn nhất Việt Nam tại cầu Cổ Cò,…
Việc làm chủ công nghệ giúp CIENCO4 khẳng định được vị thế khi tham gia lập kỷ lục tiến độ tại hàng loạt công trình như: gói 1 dự án đường Vành đai 3 Hà Nội rút ngắn 9 tháng, gói thầu tại dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình 6 tháng,…
Dự án đọng lại trong ký ức ông Phạm Quang Vinh, nguyên TGĐ CIENCO4 giai đoạn 2007 - 2010 là quãng thời gian dồn hết trí lực để đưa công trình kết nối Vành đai 3 Hà Nội “thần tốc” về đích, đúng dịp chào mừng kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Ông Vinh kể: “Đầu năm 2010, Bộ GTVT duyệt bổ sung tiểu Dự án xây dựng đoạn kết nối tạm bằng thép, đồng thời gấp rút triển khai Dự án xây dựng đường Vành đai 3 giai đoạn 2, trong đó có đoạn kết nối thuộc gói thầu số 3 là cấp bách nhất.
Mục tiêu là hoàn thành trước Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Thời gian thi công lúc đó chỉ gói gọn khoảng 100 ngày.
Ngày ký hợp đồng nhận thầu, không ít nhà thầu trong ngành ái ngại cho CIENCO4 bởi công tình có tính chiến lược và mang ý nghĩa chính trị này có hệ số rủi ro rất lớn”.
Không ngoài dự đoán, dự án chồng chất khó khăn, thời tiết Hà Nội tháng 7, tháng 8 nắng như thiêu như đốt. Thế nhưng mục tiêu đặt ra là hai ngày xong một cọc khoan nhồi đường kính 1,5m, độ sâu 50m, hai tuần xong một trụ cầu mới.
Để đáp ứng yêu cầu nhiệt độ bê tông tươi đổ dầm bê tông tư vấn giám sát Nhật Bản đưa ra luôn ở mức nhỏ hơn hoặc bằng 32 độ C (nhiệt độ ngoài trời khi ấy có lúc lên đến 45 độ), công việc đúc dầm phải bố trí vào 2 giờ sáng và dùng hàng tấn nước đá được chở đến làm lạnh, bảo ôn bê tông cho những phiến dầm.
“Hơn 300 cán bộ, công nhân thay nhau làm 3 ca liên tục mà không hề có sự phân biệt đâu là lãnh đạo, chủ huy, đâu là kỹ sư, công nhân để rồi ngày 25/9/2010, gói thầu được hoàn thành đúng hẹn. Mọi người trầm trồ thán phục, một kỷ lục mới của ngành GTVT được xác lập giữa trung tâm Thủ đô”, ông Vinh nhớ lại.
Sự vươn lên của CIENCO4 đối với nguyên TGĐ Trần Đức Huy là việc thực hiện liên kết với các nhà đầu tư trong và ngoài nước thắng thầu nhiều công trình lớn.
“Đầu thế kỷ 21, các hình thức đấu thầu theo BOO, BOT, BT khá mới mẻ ở Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Nhận thức lợi thế của các hình thức đầu tư này là giảm tối đa thủ tục, thời gian xây dựng được rút ngắn, tiết kiệm chi phí, CIENCO4 là đơn vị xây dựng giao thông đầu tiên của ngành GTVT dấn thân vào các hình thức đầu tư mới thông qua việc liên kết đầu tư thi công xây dựng cầu Yên Lệnh theo phương thức BOT với tổng giá trị 75 tỷ đồng, đầu tư thi công cầu Tân Đệ, đầu tư xây dựng tuyến tránh QL1 đoạn tránh TP Vinh với tổng giá trị đầu tư gần 400 tỷ đồng”, ông Huy chia sẻ.
Sau 50 năm gắn bó với Nghệ An, đầu năm 2013, CIENCO4 chính thức trở về Thủ đô Hà Nội.
Lịch sử của đơn vị bước sang trang mới khi việc chuyển đổi mô hình từ DN Nhà nước sang DN cổ phẩn không có vốn Nhà nước.
Đây được coi là điều kiện mở rộng thị trường, tiếp cận các dự án quy mô lớn. Đến năm 2016, vốn điều lệ của CIENCO4 đạt khoảng 1.000 tỷ đồng, trở thành một trong những DN có vốn điều lệ lớn nhất trong lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông.
Từ tháng 4/2017 đến nay, CIENCO4 chính thức chuyển đổi thành mô hình Tập đoàn để đa dạng các lĩnh vực đầu tư, hội nhập thời cuộc.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận