Trong bức thư gửi tới Quốc hội Mỹ vào tháng 1, Tướng Anthony Cotton - Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ cho biết tính tới tháng 10/2022, Trung Quốc đã sở hữu số bệ phóng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) di động và cố định trên mặt đất nhiều hơn so với Mỹ. Tuy nhiên, bức thư chỉ rõ Trung Quốc không sở hữu nhiều tên lửa ICBM hoặc đầu đạn hạt nhân hơn Mỹ.
Ngày 7/2, các nghị sĩ Đảng Cộng hòa thuộc hai Ủy ban Quân vụ Thượng viện và Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ ra thông báo chung cho rằng: “Chương trình hiện đại hóa hạt nhân của Trung Quốc đang diễn ra với tốc độ nhanh hơn chúng ta tưởng. Nước Mỹ không thể lãng phí thời gian mà cần điều chỉnh lực lượng hạt nhân nhằm răn đe Nga và Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc cần những năng lực mới và nhiều phương tiện hơn”.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41 của Trung Quốc. Ảnh - AP
ICBM đóng vai trò chủ chốt trong bộ ba hạt nhân của Mỹ, bao gồm ICBM phóng từ mặt đất, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, các ICBM của quốc gia này được phân bổ trong 400 silo dưới lòng đất và 50 silo trong trạng thái dự phòng.
Theo hãng tin CNN, tính tới năm 2022, Mỹ sở hữu hơn 5.000 đầu đạn hạt nhân, trong đó 1.644 đầu đạn đã được triển khai. Mặt khác, đến thời gian gần đây, số đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc mới vượt con số 400.
Dù Mỹ có kho hạt nhân lớn hơn đáng kể so với Trung Quốc, nhưng nỗ lực hiện đại hóa, gia tăng năng lực hạt nhân của Bắc Kinh trong những năm gần đây đã khiến các nghị sĩ Quốc hội và tướng lĩnh quân đội Mỹ để ý.
Tháng 11/2022, Lầu Năm Góc công bố báo cáo cho thấy Trung Quốc đang phát triển kho hạt nhân với tốc độ gia tăng đáng kể và có thể sở hữu khoảng 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035 nếu duy trì tốc độ phát triển này.
Vào thời điểm đó, một quan chức quốc phòng cấp cao của Mỹ cho rằng những năng lực và số lượng đầu đạn hạt nhân Trung Quốc đặt mục tiêu phát triển khiến Mỹ phải ngi ngờ về ý định của quốc gia này trong dài hạn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận