Phó Thủ tướng Matteo Salvini có mặt tại hiện trường vụ sập cầu, trả lời báo giới |
Có bàn tay của mafia?
Nguyên nhân sập cầu 50 tuổi Morandi, tại thành phố cảng Genoa (Italia) khiến 42 người thiệt mạng, vẫn đang được điều tra. Thế nhưng, nhiều thông tin ban đầu cho thấy, cây cầu này quá xập xệ, không được bảo trì đúng mức dẫn đến dễ bị tổn thương trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt.
Đáng chú ý, không chỉ Morandi, Italia đã phải chứng kiến 9 cây cầu bị sập chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây. Giữa luồng dư luận tức giận về vụ sập cầu, nhiều người Italia cho rằng, đây là hậu quả mà người dân nước này phải gánh chịu sau nhiều năm để tội phạm có tổ chức, mafia hoành hành, theo Dailymail.
Cầu Morandi cùng với tuyến đường kết nối Italia với Pháp được xây dựng từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trước, đi vào hoạt động từ năm 1968.
Mặc dù hiện nay nhà chức trách chưa công bố bằng chứng rõ ràng cho thấy có “bàn tay của tội phạm” trong xây dựng cầu nhưng Italia trong giai đoạn từ năm 1948-1992 vốn tai tiếng vì bê bối thông đồng giữa bè phái Dân chủ Cơ đốc (Christian Democracy) và các nhóm tội phạm có tổ chức.
Các tổ chức tội phạm bảo kê số phiếu bầu và tham nhũng trục lợi cho Dân chủ Cơ đốc. Đổi lại, khi nắm quyền, họ tạo điều kiện cho các tổ chức mafia thắng thầu nhiều hợp đồng của nhà nước (từ vệ sinh, thu gom rác đến những dự án y tế và xây dựng). Những hợp đồng đó là nguồn mang lại lợi nhuận lớn nhất cho các tổ chức mafia tại Italia.
Giai đoạn cuối những năm 50 đến đầu những năm 60 của thế kỷ 19, trên hòn đảo Palermo của Italia, những cái tên gắn liền với hàng ngàn toà nhà chất lượng kém xoay quanh 3 ông chủ của băng nhóm mafia khét tiếng Cosa Nostra.
Không riêng hòn đảo này, trên toàn quốc, mafia đứng sau nhiều dự án xây dựng đến mức năm 2001, Bộ trưởng Hạ tầng lúc đó là Pietro Lunardi đã khiến người dân Italia sốc vì phát ngôn cho rằng “Mafia đã, đang và luôn hiện diện. Chúng ta cần phải học cách sống chung với thực tế đó”.
Italia đổ lỗi cho nhà thầu, EU
Trước sự tức giận của dư luận, Chính phủ Italia quy trách nhiệm cho công ty Autostrade Per Italia chuyên khai thác và bảo trì nhiều đường cao tốc tại Italia trong đó có Morandi.
Trong đó, Phó Thủ tướng Italia Luigi Di Maio cáo buộc tập đoàn Benetton - cổ đông sở hữu cổ phần trị giá 6 triệu bảng Anh của Atlantia (tập đoàn mẹ của Autostrade per l’Italia) đã đút túi lợi nhuận và không đầu tư ngược vào công tác bảo trì. “Thay vì đầu tư tiền vào bảo trì, họ lại chia chác lợi nhuận. Đó là lý do vì sao cầu sập”, ông Luigi Di Maio nói.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Danilo Toninelli kêu gọi ban quản lý Autostrade từ chức và đe dọa sẽ thu hồi hợp đồng quản lý cầu đường.
Tuy nhiên, Atlantia đã bác bỏ cáo buộc trên. Atlantia khẳng định, đã chi 10,17 tỉ bảng Anh để nâng cấp 514 dặm đường cao tốc Italia. Phía công ty cũng nhấn mạnh họ thường xuyên kiểm tra đều đặn và kỹ càng kết cấu cầu với đội ngũ công ty, viện nghiên cứu hàng đầu thế giới.
Mặt khác, Chính phủ Italia chỉ trích những ràng buộc từ Liên minh Châu Âu đã ngăn cản nước này tiếp tục nâng cấp hệ thống cầu đường già cỗi. “Rất nhiều đường cao tốc cần được bảo trì nhưng chúng tôi luôn bị EU yêu cầu không được chi tiền chỉ vì những bế tắc của liên minh như rào cản, thâm hụt, GDP, nợ nần”, Phó Thủ tướng Italia Matteo Salvini nói và khẳng định: Italia sẽ chú tâm vào an ninh, quyền được sống, làm việc và chăm sóc sức khỏe của người dân”.
Sở dĩ Italia bị ràng buộc bởi EU đã đặt ra rào cản, kiểm soát các nước thành viên để tránh bị vỡ nợ tới mức nguy hiểm như từng đẩy đồng euro vào khủng hoảng trong năm 2010 và nhiều năm sau khi Hy Lạp gần như sụp đổ.
Tuy nhiên, theo nhận định của ông Gustavo Piga - Giáo sư kinh tế tại Đại học Tor Vergata, kể cả không có những ràng buộc từ EU, Rome chưa bao giờ coi hạ tầng là ưu tiên hàng đầu.
Ông Piga nhấn mạnh, các chính phủ trước còn dùng quỹ từ đầu tư hạ tầng cho lĩnh vực khác. Dữ liệu từ Tổ chức Phát triển và Hợp tác kinh tế châu Âu cho biết, tổng đầu tư và bảo trì hạ tầng giao thông Italia giảm 58% từ năm 2008 đến năm 2015.
Về phần mình, Ủy ban châu Âu cũng khẳng định đã nhiều lần khuyến khích Chính phủ liên minh tại Rome ưu tiên chi tiêu cho hạ tầng. Chẳng hạn, Ủy ban này đồng ý chi 8,5 tỉ euro vào kế hoạch đầu tư cho đường cao tốc Italia bao gồm khu vực Genoa. Italia cũng dự kiến nhận được tổng cộng 2,5 tỉ euros từ quỹ châu Âu trong giai đoạn 2014-2020 để đầu tư vào hạ tầng như đường bộ, đường sắt.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận