Voọc chà vá chân nâu sinh sống trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: GreenViet |
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Văn Tuấn - Trưởng phòng nghiên cứu (Trung tâm GreenViet) cho biết, hiện trên bán đảo Sơn Trà có khoảng 1.335 con Voọc chà vá chân nâu với 237 đàn, trung bình có 7,91 đàn/km2.
Theo ông Tuấn, ngay từ năm 1977, đã có nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu về Voọc trên bán đảo Sơn Trà. Tuy nhiên thời điểm đó, các nghiên cứu được công bố chỉ là kết quả khảo sát một vùng, số liệu chỉ thể hiện được một phần nhỏ.
Ông Bùi Văn Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Tấn Việt |
Trong 2 năm 2008, 2010, báo cáo của nhóm khảo sát Lippold và cộng sự, Đinh Thị Phương Anh và cộng sự đều cho thấy có khoảng 180 - 200 cá thể Voọc chà vá chân nâu đang sinh sống tại bán đảo Sơn Trà. Năm 2013, Tổ chức bảo tồn linh trưởng thế giới (DLF) ghi nhận tại Sơn Trà có khoảng 300 - 350 cá thể Voọc chà vá chân nâu.
Theo đại diện GreenViet, hiện có nhiều yếu tố tác động đến môi trường sống của Voọc chà vá chân nâu như: Diện tích vùng sống suy giảm do quy hoạch các dự án phát triển du lịch sinh thái, chia cắt vùng sống do làm đường giao thông, nạn săn bắn, bẫy bắt khi phát triển du lịch thiếu kiểm soát.
Ngoài ra còn có nguy cơ truyền bệnh từ người sang Voọc qua việc cho động vật ăn. Công tác kiểm soát hoạt động con người trên bán đảo Sơn Trà cũng còn hạn chế.
Môi trường sống của Voọc chà vá chân nâu đang bị đe dọa bởi bê tông hóa. Ảnh: GreenViet |
Cũng tại hội thảo, KTS. Bùi Huy Trí – Trưởng phòng quản lý quy hoạch và phát triển đô thị (Sở Xây dựng Đà Nẵng) cho biết UBND TP đang hoàn thiện báo cáo về Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà đến năm 2025, tầm nhìn năm 2030 để kịp gửi Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/5.
“Cho đến giờ phút này, tôi chưa thể nói chắc cụ thể nó (báo cáo của Đà Nẵng – PV) như thế nào, chỉ khẳng định là cái gì tốt nhất cho Sơn Trà thì sẽ làm”, KTS Bùi Huy Trí cho hay.
Bán đảo Sơn Trà sở hữu một hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền với biển, là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ những giá trị sinh thái trong lòng một đô thị hiện đại. Sơn Trà hiện có 985 loài thực vật bậc cao có mạch, gần 300 loài động vật có sương sống ở cạn. Khu vực biển xung quanh bán đảo Sơn Trà còn có hệ sinh thái san hô và cỏ biển quan trọng, với 191 loài san hô cứng tạo rạn, 72 loài rong biển và 03 loài cỏ biển. Bán đảo Sơn Trà còn là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát Voọc chà vá chân nâu (hay còn gọi là Voọc ngũ sắc) ngoài tự nhiên. Đây là loài đặc hữu của khu vực Đông Dương. Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) đã phân hạng Voọc ngũ sắc đứng thứ 4/7 trong thang Danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận