Hàng chục quan chức bị khởi tố
Ngày 11/7, dư luận chấn động khi ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM bị khởi tố vì có liên quan đến những sai phạm xảy ra tại Công ty Nông nghiệp Sài Gòn - TNHH MTV (Sagri).
Bắt đầu bằng việc ông Lê Tấn Hùng, nguyên Tổng giám đốc Sagri bị bắt vì tội Sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát. Ông Hùng là em trai nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải.
Trước khi giữ chức Tổng giám đốc Sagri, ông Hùng là Chỉ huy trưởng lực lượng Thanh niên Xung phong TP.HCM. Ngoài ông Hùng, ông Nguyễn Thành Mỹ (SN 1959, nguyên Phó trưởng Phòng Kế hoạch - Đầu tư) cũng bị bắt vì tội danh trên.
Trước đó, Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, tạm giam ông Vân Trọng Dũng (52 tuổi, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Sagri) và Nguyễn Thị Thúy (53 tuổi, cựu kế toán trưởng Sagri); bà Nguyễn Thị Thanh An, kiểm soát viên chuyên trách (tháng 6/2016 đến 7/2019) cùng về tội danh trên.
Liên quan đến vụ Sagri, trưa 11/7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) đã có quyết định khởi tố, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến, 55 tuổi, về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí theo Điều 219 BLHS 2015, được phê chuẩn tối qua. Ông Tuyến được tại ngoại, điều tra về những sai phạm liên quan đến vụ án xảy ra tại Sagri.
Hiện, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định tạm đình chỉ công tác ông Tuyến trong 90 ngày.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01) cũng khởi tố, bắt giam hoặc cho tại ngoại các ông: Trần Trọng Tuấn (51 tuổi, Phó chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM); Phan Trường Sơn (53 tuổi, Phó giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc); Trần Quốc Đạt (57 tuổi, Phó phòng Phát triển nhà và Thị trường bất động sản); Lê Tấn Hòa (43 tuổi, chuyên viên Sở Xây dựng) vì liên quan đến sai phạm xảy ra tại Sagri.
Ngoài xử lý hình sự, nhiều cá nhân có liên quan cũng đã bị xử lý ở nhiều cấp độ, trong đó ông Nguyễn Văn Trực, hiện là Phó giám đốc Sở Nông nghiệp phát triển nông thôn. Ông Trực từng là Phó bí thư Đảng ủy, nguyên Thành viên Hội đồng quản trị - Hội đồng thành viên, nguyên Tổng giám đốc Sagri (giai đoạn từ 8/2009 đến 2/2015) bị Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TP.HCM quyết định kỷ luật cảnh cáo về mặt Đảng.
Ngoài ra, có 4 đảng viên bị kỷ luật mức khiển trách, phê bình nghiêm khắc 5 đảng viên là lãnh đạo chủ chốt ở Sagri.
Sagri sai phạm những gì?
Được biết, Sagri là doanh nghiệp 100% vốn nhà nước với quy mô lớn, thuộc UBND TP.HCM. Theo hồ sơ 3 sai phạm tại công ty Sagri là cho thuê đất, hợp tác đầu tư khi chưa có ý kiến của cơ quan thẩm quyền; đầu tư kinh doanh trên đất ngoài ngành cụ thể sử dụng sai 1.900 ha đất.
Sagri được UBND TP chấp thuận chủ trương chuyển 3,6ha mục đích sử dụng đất để xây dựng chung cư tại P.Phước Long B, Q.9 (dự án nhà ở Phước Long B). Hiện dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật.
Sau đó tháng 10/ 2008, Sagri đã ký với Tổng công ty cổ phần Phong Phú hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh dự án Phước Long B. Trong đó tỉ lệ vốn góp và lợi nhuận được chia theo tỉ lệ Sagri 28% và Công ty Phong Phú 72%.
Đến tháng 6/2016, dự án được phê duyệt. Tuy nhiên, chỉ gần 2 tháng sau Sagri lại ký thỏa thuận về giá trị chuyển nhượng dự án với Công ty Phong Phú. Cụ thể Sagri chuyển 28% vốn góp - là quyền sử dụng đất tại dự án đã hoàn chỉnh hạ tầng kỹ thuật cho Công ty Phong Phú.
Việc chuyển nhượng không qua đấu giá và không thẩm định để xác định giá thị trường là không đúng quy định tại Nghị định 91 năm 2015 (về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp).
Tháng 11/2017, ông Trần Trọng Tuấn đang là Giám đốc Sở Xây dựng đã ký tờ trình cho rằng việc chuyển nhượng đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định nên trình lên UBND TP. Sau đó ông Trần Vĩnh Tuyến đã ký quyết định chấp thuận cho Sagri chuyển nhượng dự án cho Công ty Phong Phú.
Giá chuyển nhượng tương đương 10,5 triệu đồng/m2, khoảng 168,2 tỉ đồng. Nhưng giá này Thanh tra TP cho rằng thấp hơn giá Công ty Phong Phú huy động vốn của khách hàng năm 2013 (gần 14 triệu đồng/m2). Vì thế, Thanh tra TP kiến nghị UBND huỷ hợp đồng chuyển nhượng dự án.
Đến tháng 7/2019, UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi và hủy bỏ quyết định trước đây đã chấp thuận cho chuyển nhượng. Đồng thời yêu cầu Sagri và Tổng công ty cổ phần Phong Phú phải trả, chuyển giao những gì đã nhận của nhau.
Tuy nhiên, việc này không được thực hiện do vụ việc chuyển nhượng đang được Bộ Công an điều tra sau khi khởi tố, bắt tạm giam bị can Lê Tấn Hùng, 56 tuổi, nguyên tổng giám đốc SAGRI và Nguyễn Thành Mỹ vào đầu tháng 7/2019.
Theo luật sư Nguyễn Hà, Đoàn luật sư Hà Nội, tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí được quy định tại Điều 219 BLHS 2015, cụ thể như sau:
1. Người nào được giao quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước mà vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản, gây thất thoát, lãng phí từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng, hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 3-12 năm: Vì vụ lợi; Có tổ chức; Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; Gây thiệt hại về tài sản từ 300 triệu đồng đến dưới 1 tỷ đồng.
3. Phạm tội gây thiệt hại về tài sản 1 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù 10-20 năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ hoặc làm công việc nhất định 1-5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận