Giá cát đấu giá gấp 4 lần đơn giá định mức
Theo công bố giá một số vật liệu xây dựng gần nhất (5/2023) của Sở Xây dựng TP Hà Nội, giá cát xây dựng được xác định theo khu vực. Khu vực ngoại thành như: Sơn Tây, Thường Tín, Đan Phượng, Thạch Thất giá cát xây 174.000 đồng/m3, cát đổ nền 172.000 đồng/m3.
Tại khu vực nội thành như Ba Đình, Cầu Giấy, Hồ Tây, Hoàng Mai, Hà Đông, giá cát xây 179.000 đồng/m3, giá cát đổ nền 187.000 đồng/m3.
Tính bình quân giá cát trên địa bàn thành phố Hà Nội là 180.000 đồng/m3, đã bao gồm các chi phí vận chuyển đến hiện trường, bốc xếp, vận chuyển nội bộ trong công trường, chi phí hao hụt bảo quản tại hiện trường.
Hiện nay, giá cát cao hơn mức Sở Xây dựng Hà Nội công bố. Anh Nguyễn Văn Thành, chủ cửa hàng vật liệu Dung Thành ở Cầu Diễn, Nam Từ Liêm, báo giá một xe công nông khoảng 0,8m3 cát có giá 220.000 đồng. Nếu tính theo khối, giá bán hiện nay khoảng 250.000 đồng/m3, bao gồm vận chuyển, đổ tận chân công trình.
Giá cát tại 4-5 cửa hàng vật liệu xây dựng khác như Minh Quân (ở quận Nam Từ Liêm), Trần Giang (quận Bắc Từ Liêm), Xuân Sơn (quận Cầu Giấy), Văn Giáp (phường Cổ Nhuế, Bắc Từ Liêm) cũng chỉ chênh trên dưới 20.000 đồng mỗi khối.
Trong khi đó, để trúng đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát Châu Sơn, Tây Đằng (Ba Vì) và Liên Mạc (Bắc Từ Liêm), 3 doanh nghiệp là Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Việt Sơn, Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh đã trả giá lên tới gần 1 triệu đồng/m3 cát.
Lấy giá trúng đấu giá quyền khai thác chia cho trữ lượng, giá trúng đấu giá quyền khai thác mỏ Tây Đằng là 180.000 đồng/m3, mỏ Châu Sơn 564.000 đồng/m3, mỏ Thượng Cát 802.000 đồng/m3. Chưa kể đến việc, số tiền trúng đấu giá chưa bao gồm chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho hoạt động thăm dò theo quy định đấu giá.
"Gần 1 triệu đồng/m3 là bất thường"
So với đơn giá định mức Sở Xây dựng Hà Nội ban hành, giá khai thác mỏ cát Châu Sơn cao gấp 3 lần, còn giá mỏ cát Liên Mạc cao gấp 4 lần. Sự chênh lệch này khiến dư luận đặt câu hỏi về trữ lượng thực tế của các mỏ cát được đấu giá. Và với việc trả giá gấp đến 200 lần mức khởi điểm, các doanh nghiệp có bỏ cọc như đấu giá đất ở TP.HCM, hoặc tác động đến đơn giá xây dựng.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Anh Quân, Phó giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, theo quy định 10 năm mới phải đánh giá lại trữ lượng. Việc sử dụng kết quả thăm dò cát năm 2019 để đấu giá 3 mỏ cát trên là phù hợp.
Về lo ngại giá cát tăng cao sau phiên đấu giá, ông Quân cho rằng không có cơ sở để chia trữ lượng đánh giá ra giá cát là gần 1 triệu/m3 vì đấu giá "quyền khai thác" và "giá cát" là hai đơn vị khác nhau, không đồng nhất về đơn vị đo.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu lại cho rằng, chi phí doanh nghiệp đã bỏ ra 1 triệu đồng/m3 thì họ sẽ phải bán hơn giá mua vào, không ai bán dưới.
Chủ tịch Hiệp hội nhà thầu cho rằng, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phải xem xét lại mặt bằng thị trường chung. Sở Xây dựng Hà Nội quản lý về đơn giá định mức của địa phương cũng cần phải có ý kiến.
Theo ông Hiệp, xi măng, cát, đá, sỏi là những nguyên liệu chính phục vụ cho ngành xây dựng. Cát chiếm tỷ trọng lớn thứ 2 sau xi măng. Cát cũng đang là vấn đề nóng nhất của các công trình xây dựng, đường sá như cao tốc Bắc - Nam, vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3, vành đai 4 TP.HCM.
Theo ông Hiệp, giá cát trung bình ở các tỉnh khoảng 110.000 đồng/m3 - 150.000 đồng/m3. Vì vậy, việc Hà Nội đấu giá lên gần 1 triệu đồng/m3 là bất thường, việc này sẽ đẩy giá cát, vật liệu xây dựng lên rất nhanh, tác động lên đơn giá, định mức xây dựng chung cả nước.
"Bình thường giá xây dựng đã cao. Năm 2022, giá xây dựng đã tăng thêm 15%. Giờ cát "đội" giá đến 4 lần là bất thường. Giá cát tăng cộng với hệ thống đơn giá định mức lạc hậu, thua thiệt đầu tiên là các công trình mà nhà thầu đã nhận thầu. Không điều chỉnh được đơn giá, chắc chắn nhà thầu sẽ bị lỗ. Nếu điều chỉnh kịp sẽ làm tăng chi ngân sách thông qua tăng đơn giá định mức. Lợi ích của một địa phương nhưng để lại hệ lụy cho cả xã hội", ông Hiệp nói.
Ông Tống Văn Nga, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội VLXD Việt Nam, cùng bày tỏ lo ngại giá cát gần 1 triệu đồng/m3 sẽ tác động mạnh đến hoạt động xây dựng. "Chúng tôi kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ khảo sát, quy hoạch, quản lý lại tất cả các mỏ cát, đá xây dựng, không để các địa phương quản lý", ông Nga nêu kiến nghị.
Trước đó, Báo Giao thông đã đưa tin, tại Hà Nội đã diễn ra cuộc đấu giá quyền khai thác mỏ cát tại Châu Sơn, Tây Đằng (Ba Vì) và Liên Mạc (Bắc Từ Liêm). Kết phiên, tổng số tiền các tổ chức, cá nhân trả trong các phiên đấu giá được "chốt" rất cao, gần 1.700 tỷ đồng.
Trong đó, Công ty TNHH Đầu tư thương mại dịch vụ KSP trúng đấu giá quyền khai thác đấu giá mỏ cát Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) với giá 408,489 tỷ đồng, gấp 200 lần mức khởi điểm.
Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Việt Sơn trúng đấu giá quyền khai thác đấu giá mỏ cát Châu Sơn (xã Châu Sơn, huyện Ba Vì) với giá 396,865 tỷ đồng.
Công ty TNHH Thương mại Phúc Lộc Thịnh trúng đấu giá quyền khai thác đấu giá mỏ cát Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) với giá 883,930 tỷ đồng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận