Cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ |
Việc đóng tàu không số nhưng kỳ thực lại là tàu nhiều số, mà nói đúng hơn phải là những ma trận số ảo nhằm che mắt kẻ địch theo chỉ đạo của cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ góp phần không nhỏ cho kỳ tích đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện cho chiến trường miền Nam.
Tàu không số nhiều... số
Cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ không chỉ là Bộ trưởng mẫu mực của ngành GTVT với tác phong sống đức độ, liêm khiết, giản dị mà còn là vị tướng tài năng. Chuyện về mở đường Hồ Chí Minh trên biển là một minh chứng cho điều đó.
Giữa năm 1961, Phó Thủ tướng Phạm Hùng giao nhiệm vụ cho cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ tổ chức mở đường trên biển để chi viện cho miền Nam, sau này gọi là đường Hồ Chí Minh trên biển. Cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ chọn Xí nghiệp Đóng tàu số 3 Hải Phòng làm chiếc tàu đầu tiên bằng loại gỗ tốt, mớn nước thấp, giống tàu cá, đạt tốc độ trên 10 hải lý/giờ, chịu được sóng gió bão cấp 7, trọng tải 30 tấn. Nếu ta chất lưới lên mặt tàu, thì hoàn toàn giống tàu đánh cá loại lớn mà người ta thường gặp ở vùng biển Đông.
Chuyến vượt biển đầu tiên vào tháng 4/1962, do thuyền trưởng Bông Văn Dĩa, quê Rạch Gốc (Bạc Liêu) điều khiển, chở vũ khí vào tận Nam Bộ. Sau thắng lợi của chuyến tàu gỗ đầu tiên, Trung ương yêu cầu Bộ GTVT thiết kế và đóng tàu sắt có trọng tải lớn hơn, có sức chịu đựng gió bão cao hơn, sức ngựa mạnh hơn, số lượng tàu nhiều hơn. Tàu không số nhưng kỳ thực lại là tàu nhiều số, mà nói đúng hơn phải là những ma trận số ảo nhằm che mắt kẻ địch, bởi tàu đến tỉnh nào thì lại lắp biển của tỉnh đó.
Theo ông Lê Văn Nhược, người lính thuộc Đoàn 759 anh hùng (tiền thân của Lữ đoàn 125 Hải quân) năm xưa - người từng lái một trong những chiếc tàu của Đoàn tàu không số, những chiếc tàu không số chở vũ khí vào chiến trường miền Nam có sự đóng góp to lớn của Bộ GTVT. Ông Nhược cho rằng, những quyết sách đó là vô cùng sắc bén của cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ. Ông Nhược cho biết, cuối năm 1962, Bộ GTVT đã chỉ đạo xưởng đóng tàu 3 Hải Phòng đóng những chiếc tàu sắt có trọng tải 100 tấn. Từ tháng 3/1963 đến cuối năm 1964, 6 chiếc tàu sắt của Bộ GTVT đã góp sức vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam.
Tàu không số hiên ngang trên biển (Ảnh tư liệu) |
Chỉ Việt Nam dám dùng tàu chở vũ khí đi qua lòng địch
Cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ còn có một quyết định rất kịp thời khác khi chấp nhận đề xuất của nhóm thiết kế tàu không số (TKS) thời đó do ông Trịnh Xương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Công nghệ tàu thủy Việt Nam, Trưởng ban thiết kế TKS năm xưa đảm nhận. Khi đó (đầu năm 1961), địch đánh phá ác liệt tuyến đường Trường Sơn nhằm chặt đứt mọi con đường tiếp viện của quân, dân ta từ miền Bắc vào. Nhóm thiết kế tàu không số được yêu cầu phải thiết kế loại tàu có thể che mắt được kẻ thù để đảm bảo tuyệt đối số vũ khí, hàng hóa chuyên chở. Nhận nhiệm vụ, nhóm đã họp gấp với cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ và có sáng kiến cho đóng nhanh loại thuyền vỏ gỗ có trọng tải 3-5 tấn giả dạng là tàu đánh cá của ngư dân. Chiếc tàu này được thiết kế hai đáy. Đáy dưới giấu vũ khí, còn mặt trên vẫn được ngụy trang như một tàu cá để qua mặt các phương tiện dò xét tiên tiến của địch.
Ngày 7/7/2017 vừa qua, tại Khu nhà tưởng niệm dưới chân núi Phượng Hoàng, Sài Sơn, Quốc Oai, TP Hà Nội đã chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT trang trọng tổ chức lễ Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Phan Trọng Tuệ (7/7/1917 - 7/7/2017). Ông là vị tướng đầu tiên nhận nhiệm vụ làm Tư lệnh ngành GTVT và là người duy nhất hai lần làm Bộ trưởng Bộ GTVT trong giai đoạn 1960 -1974 (có thời gian kiêm luôn Tư lệnh và Chính ủy Đoàn 559 - bộ đội Trường Sơn). |
“Bộ GTVT đã cùng Bộ Tham mưu vạch ra những định hướng cụ thể cho các chuyến hải trình đảm bảo cho những con tàu không số di chuyển qua vùng địch an toàn. Nhờ vậy, có thể tự hào rằng, lịch sử thế giới chỉ có Việt Nam dám dùng tàu chở vũ khí từ miền Bắc đi qua lòng địch vào miền Nam”, ông Nhược nhớ lại.
Cũng từ cách thiết kế tàu theo sự chỉ đạo của Bộ GTVT, mà mỗi chuyến đi với vài chục tấn vũ khí trên tàu, đều được lắp hai, ba tấn bộc phá, cuốn dây nổ đặt ở các khoang khác nhau, để nếu như rủi ro bị địch phát hiện, ta sẵn sàng cho tàu đâm thẳng tiêu diệt tàu địch, giữ bí mật tuyệt đối về con đường mang tên Bác.
Theo bà Phan Thị Gia Liên, con gái út của cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, trong việc đóng tàu không số để chở vũ khí chi viện cho miền Nam, ngành GTVT góp sức rất nhiều. Yêu cầu của loại tàu đặc biệt này là có trọng tải hàng chục tấn, động cơ mạnh, chạy được tốc độ cao, chịu được bão cấp 7, nhưng phải giống thuyền đánh cá để tránh sự phát hiện của địch. Vì vậy, Bộ GTVT đã lo phần thiết kế máy và đóng tàu.
“Để bí mật, các kỹ sư, công nhân trong xưởng đóng tàu chỉ được biết là đóng loại tàu cho bộ đội để chống biệt kích và người nhái của địch. Bí mật được giữ rất nghiêm ngặt nên đến bây giờ có những kỹ sư và công nhân ngành GTVT tham gia sản xuất những con tàu đó cũng không biết mình đã vinh dự tham gia vào việc tạo con đường mòn trên biển”, bà Liên kể.
Chia sẻ thêm về cố Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ, nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Bình Tâm bày tỏ sự khâm phục: “Nghệ thuật lãnh đạo của Bộ trưởng Phan Trọng Tuệ vừa khéo léo thuyết phục, vừa dân chủ bàn bạc, nhưng cũng quyết đoán đúng lúc, đúng trường hợp và dám chịu trách nhiệm về những chủ trương quyết sách của mình. Ông đoàn kết được đông đảo cán bộ chính trị, khoa học - kỹ thuật, người trong Đảng và ngoài Đảng, biết động viên họ làm những việc tưởng chừng như không làm nổi. Ông nghiêm khắc với những sai sót của bản thân, nhưng khi xử lý kỷ luật cấp dưới lại rất thận trọng”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận