Tôi có bạn cho người quen mượn 5.000 đô la nhiều năm nay. Cho mượn thì dễ, đòi mới khó. Thậm chí tiền của mình mà đi nhắc, đi đòi còn ngượng. Nhờ “đòi nợ thuê” thì anh sợ “hệ lụy” vì không dám quan hệ với xã hội đen. Kiện ra tòa, nhờ luật pháp can thiệp thì thấy không đáng vì số tiền không quá lớn, với lại chả thấy ai kiện nhau ra tòa đòi mấy chục triệu. Sau anh “ngậm đắng nuốt cay”, đành chấp nhận mất tiền.
Phải nói là, chuyện “vay tiền” chỗ nọ, chỗ kia vẫn diễn ra hàng ngày như thế và nó là nhu cầu có thật. Đi vay ngân hàng thì khó khăn về thủ tục, do vậy “tín dụng đen” mặc nhiên tồn tại và “đòi nợ thuê” xuất hiện song song như một tất yếu. Đấy là chưa nói công nợ trong làm ăn, có hợp đồng kinh tế hẳn hoi giữa các pháp nhân hoặc thể nhân.
Mấy hôm nay Quốc hội đang thảo luận về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội chia hai luồng ý kiến trái ngược về việc cấm hoàn toàn hay cho phép “dịch vụ đòi nợ thuê” thành một nghề?
Các ý kiến tham gia rất khác nhau, nhưng tựu trung, có 2 quan điểm. Những người đồng ý cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ cho rằng, hoạt động đòi nợ thuê đã và đang bị biến tướng, hoạt động phi pháp. Những người đi đòi nợ thuê tự biến thành xã hội đen, băng nhóm tội phạm gây mất an ninh trật tự, đẩy biết bao gia đình vào cảnh khốn cùng, khuynh gia bại sản. Thậm chí, có người đã phải tìm đến cái chết để tự giải thoát khi bị đòi nợ thuê “khủng bố”. Nhiều vụ việc đau lòng đã xảy ra, không cần dẫn minh chứng.
Quan điểm ngược lại cho rằng, không nên cấm hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ, vì trong cơ chế thị trường, hoạt động vay mượn, đầu tư, hợp tác, góp vốn kinh doanh dẫn đến nợ nần là rất bình thường. Nhu cầu đòi nợ vì thế rất lớn, nhưng do chủ nợ không có thời gian, kinh nghiệm và cũng không am hiểu luật pháp về lĩnh vực này, nên cần phải có tổ chức trung gian đứng ra xử lý. Vì vậy, không nên cấm hoạt động này, thay vào đó, cần bổ sung quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ, bảo đảm quản lý Nhà nước thật chặt chẽ.
Như vậy là cách “tiếp cận” vấn đề khác nhau. Theo dõi thảo luận tại Hội trường thấy các đại biểu công tác trong ngành công an thì đề xuất cấm; các đại biểu dân sự thì đề nghị ngược lại. Rất dễ hiểu vì đại biểu phát biểu đều nhìn từ góc độ “ngành mình”.
Nhưng nhìn dưới góc độ nào thì cũng không thể phủ nhận được nhu cầu thuê ai đó, tổ chức nào đó đi đòi nợ hộ là có thật. Thậm chí, chỉ đơn giản là ủy quyền cho ai đó thay mặt mình đi kiện đòi nợ. Bởi, nhiều người có tiền cho vay mà không có thời gian, kinh nghiệm để đi kiện và theo kiện đòi nợ.
Cấm “dịch vụ đòi nợ thuê” thì nó vẫn xảy ra. Cơ quan quản lý nên đặt cho nó một tên gọi mới và các điều kiện ràng buộc để công nhận nghề này. Ví dụ như “dịch vụ hỗ trợ thu hồi nợ” chẳng hạn.
Vấn đề là phải quản chặt. Điều này thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và cơ quan bảo vệ luật pháp. Ví dụ: Bộ luật Hình sự có quy định về tội cho vay nặng lãi và người vi phạm sẽ bị truy tố trước pháp luật. Tương tự, việc hỗ trợ thu hồi nợ pháp luật không cấm, nhưng khi đi đòi nợ mà sử dụng các biện pháp như dùng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, xâm hại đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của khách nợ là vi phạm pháp luật, sẽ bị nghiêm trị.
Ở một góc độ khác, muốn giảm thiểu hoạt động đòi nợ thuê phi pháp thì phải đẩy mạnh ngăn chặn hoạt động tín dụng đen. Tuy nhiên, đây là câu chuyện lớn, có liên quan đến nhiều lĩnh vực, chính sách của Nhà nước. Cần giảm tín dụng đen bằng các chính sách cho vay thông thoáng của các tổ chức tài chính, các quỹ hỗ trợ lập nghiệp, cần đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật tới người dân để họ hiểu hệ lụy khi vay “nóng” chứ không thể chỉ “truy đuổi” người cho vay nặng lãi mãi được.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận