Thời sự

Có cán bộ xúi dân trục lợi đền bù từ làm đường

13/04/2017, 17:13

Chủ tịch huyện Chư Păh (Gia Lai) cho biết có cán bộ xúi dân làm công trình trục lợi đền bù từ làm đường.

20170413_101313

Phóng viên Lê Văn Ngọc, Báo Gia Lai đặt nhiều câu hỏi đối với UBND huyện Chư Păh. 

Sáng 13/4, UBND huyện Chư Păh (Gia Lai) tổ chức cuộc họp báo thông báo về tiến độ giải quyết vụ việc nổi cộm sau khi báo chí phản ánh trong thời gian gần đây. Cụ thể: việc các cán bộ Ban quản lý rừng phòng hộ ( BQLRPH) Đông Bắc Chư Păh để mất gỗ tang vật rồi bịa chuyện bị cướp và việc người dân xây dựng công trình kiên cố trên đoạn đường Hồ Chí Minh tuyến tránh TP. Pleiku đi ngang qua địa bàn của huyện.

Công bố vụ lâm tặc cướp gỗ tang vật

Tại cuộc họp báo, ông Đặng Công Lâm, Chủ tịch huyện Chư Păh nêu các vấn đề đang được giải quyết theo trình tự thẩm quyền của huyện. Ông Lâm cho biết: “ngày 20/1, lực lượng chức năng huyện Chư Păh đã phát hiện 73 lóng gỗ tại tiểu khu 174, thuộc lâm phần của BQLRPH Đông Bắc Chư Păh. Tuy nhiên, sau khi được giao bảo vệ số gỗ tang vật này, các nhân viên của BQLRPH Đông Bắc Chư Păh đã thiếu trách nhiệm, chủ quan nên đến đêm 30/1, lâm tặc trộm mất 45 lóng gỗ. Sau đó, lo sợ trách nhiệm nên các nhân viên này đã khai báo sai sự thật là bị cướp gỗ. Tại vụ việc này, trách nhiệm kiểm điểm và xử lý sau vụ việc liên quan đến Sở NNPTNT tỉnh Gia Lai đã có phản hồi và xử lý trách nhiệm với các cá nhân do Sở quản lý.

Trả lời liên quan đến vụ việc, PV Lê Văn Ngọc, Báo Gia Lai nêu vấn đề năm 2014, người dân làng Kon Sơ Lăh (X. Hà Tây, Chư Păh) cũng đã bắt một khối lượng gỗ trên 60m3 khi đang vận chuyển ngang qua địa bàn của làng. Các cấp, cơ quan chính quyền đã có những phương án điều tra nhưng cuối cùng cũng đã đình chỉ điều tra. Vụ án nghiêm trọng rơi vào quên lãng. Thời gian gần đây lại xảy ra việc lâm tặc cướp gỗ giữa lâm tặc với lực lượng chức năng. “Cây gỗ rừng không phải là que để bỏ vào túi. Vậy lâm tặc đưa gỗ ra khỏi rừng bằng cách nào? Liệu có hay không việc tiếp tay của cán bộ bảo vệ rừng với lâm tặc?”, PV Ngọc đặt nghi vấn.

Ông Đặng Công Lâm, Chủ tịch huyện Chư Păh cho rằng đối với việc điều tra liên quan đến công an. Tuy nhiên, về việc có sự cấu kết giữa lâm tặc với cán bộ bảo vệ rừng hay không phải đợi cơ quan công an điều tra. Hiện tại cơ quan công an đã khởi tố, bắt giam một số đối tượng. Tuy nhiên, cá nhân ông Lâm nhận định là “chưa” có dấu hiệu cho thấy sự móc nối vì chính những cán bộ này là người phát hiện và bắt giữ hai đối tượng và sau đó báo cho các ngành chức năng. “Toàn huyện Chư Păh có tới 49 nghìn ha rừng, mỗi cán bộ bảo vệ rừng quản lý khoảng 10 nghìn ha. Sức đâu quản cho nổi", ông Lâm nói.

Liên quan đến công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn của huyện, ông Lâm cũng cho biết số gỗ ở trong rừng bị lâm tặc đốn vẫn còn nhiều. Cụ thể ở các xã như Hà Tây, Chư Đăng Ya… Còn về tiến độ điều tra, công an huyện Chư Păh cho biết đang tiếp tục điều tra theo sự vụ.

01

Chủ tịch UBND huyện Chư Păh (Gia Lai): đã phát hiện trường hợp cán bộ xã, cán bộ huyện xúi người dân xây dựng công trình kiên cố trên tuyến tránh để trục lợi từ đền bù.

Có cán bộ xúi dân trục lợi đền bù từ làm đường

Dự án đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn tuyến tránh TP. Pleiku ngang qua huyện Chư Păh, ông Đặng Công Lâm, chủ tịch huyện Chư Păh cho biết, trong quá trình khảo sát, lập dự án, một số hộ dân đã tự ý xây dựng công trình kiên cố như bể chứa nước, nhà rẫy lên tuyến đường của dự án. Việc làm này ảnh hưởng đến công tác giải phóng mặt bằng, công tác đền bù. 

Cụ thể: UBND huyện đã ban hành 59 quyết định xử phạt hành chính và quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với 61 công trình vi phạm trong lĩnh vực xây dựng và đất đai (14 công trình nhà ở riêng lẻ,  41 bể nước tưới, 6 tường rào) của 36 hộ gia đình. 

Liên quan đến vấn đề xây dựng này, một số phóng viên nêu vấn đề việc xây dựng các công trình của người dân này diễn ra trong thời gian dài vậy có hay không sự tiếp tay của cán bộ của xã, huyện Chư Păh? Tại sao không ngăn chặn việc người dân tự ý xây dựng này ngay từ đầu?

Trả lời vấn đề này, ông Đặng Công Lâm cho biết, do quá trình xây dựng của người dân diễn ra trước khi Sở GTVT và HĐND tỉnh Gia Lai chính thức bàn giao công trình cho huyện. Hơn nữa, việc người dân xây bể chứa, xây nhà rẫy ở trong các rẫy thì đó là chuyện bình thường bấy lâu nay. Mặc dù biết được rằng người dân xây công trình nhằm chủ ý trục lợi nhưng không có căn cứ cụ thể để xử lý. Xử lý này chỉ áp dụng đối với luật đất đai. Khi phát hiện xây dựng trái phép chúng tôi cử người lập biên bản, một tuần sau mới có quyết định chính thức thì người dân đã xây xong rồi. Đây là điều đáng buồn. 

Trả lời về việc, "có hay không sự tiếp tay của cán bộ của xã, huyện Chư Păh?", ông Đặng Công Lâm cho biết đã yêu cầu Uỷ ban kiểm tra huyện uỷ tiến hành kiểm tra và đã phát hiện trường hợp cán bộ xã, cán bộ huyện xúi người dân xây dựng công trình kiên cố trên tuyến tránh để trục lợi từ đền bù", ông Lâm nói và cho biết thêm, nguyên nhân để xảy ra vụ việc này là do sự phối hợp của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn không tốt; công tác kiểm tra, quản lý hoạt động xây dựng của cấp xã còn thiếu chặt chẽ. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.