Sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư
Theo Đề án được phê duyệt, Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam (BĐATHH miền Nam) sẽ tập trung hoạt động theo ngành nghề kinh doanh chính đã được phê duyệt tại Quyết định số 1607/2023 của Bộ GTVT và các quyết định sửa đổi, bổ sung (nếu có).
Trong việc tái cơ cấu, Tổng công ty (TCT) sẽ đổi mới quản trị doanh nghiệp. Theo đó, rà soát, xây dựng và ban hành hệ thống quy chế quản lý nội bộ phù hợp với quy định của pháp luật và đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, điều hành của doanh nghiệp; Rà soát hệ thống định mức trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải, hệ thống thang lương, bảng lương, định mức lao động nội bộ, đơn giá tiền lương và chi phí khác để kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành phù hợp với tình hình thực tế.
Doanh nghiệp cũng phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ, phòng chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao tính minh bạch trong công tác quản lý, công tác tài chính; thực hiện tốt chế độ công bố thông tin định kỳ, bất thường theo quy định.
Đồng thời, rà soát, đánh giá tình hình hoạt động của các đơn vị trực thuộc, công ty con; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, điều hành và người đại diện vốn của tổng công ty tại các đơn vị thành viên; quản lý sử dụng lao động hiệu quả, phát triển và đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, chuyển đổi số và thực hiện các giải pháp tăng năng suất lao động, giảm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh; tăng cường dự báo, quản trị rủi ro...
Đối với phương án cơ cấu tài chính, vốn, tài sản, TCT cần quản lý, sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư, thực hiện đúng các quy định của Nhà nước về quản lý vốn nhà nước, quản lý đầu tư, xây dựng, mua sắm tài sản. Hoàn thiện hệ thống các quy trình, quy định nội bộ trong quản lý tài chính và quản lý, thực hiện đầu tư xây dựng.
Cùng đó, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh thông qua tiết kiệm chi phí, nâng cao năng suất lao động; sử dụng tối đa công năng của tài sản đã được đầu tư.
TCT BĐATHH miền Nam phải xây dựng và thực hiện phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 theo quy định pháp luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp. Hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng và trang thiết bị, phương tiện, phần mềm phục vụ công tác bảo đảm an toàn hàng hải đã được phê duyệt tại Kế hoạch đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn 2021-2025.
Tổ chức lại bộ máy nhân sự, hợp nhất 5 công ty hoa tiêu
Trong cơ cấu nhân sự, TCT phải rà soát, đánh giá và sắp xếp lại nhân sự trong bộ máy quản lý, điều hành để đáp ứng tốt hơn nữa yêu cầu và nâng cao hiệu quả công việc.
Doanh nghiệp phải thường xuyên đánh giá và có giải pháp phù hợp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bố trí, sắp xếp lao động phù hợp với yêu cầu công việc. Thực hiện kế hoạch tiền lương phù hợp với hiệu quả sản xuất kinh doanh và năng suất lao động.
Bộ GTVT cũng yêu cầu TCT BĐATHH miền Nam nghiên cứu, phối hợp với các tổ chức đào tạo có uy tín trong nước, cũng như tăng cường hợp tác quốc tế với các tổ chức ngành nghề trên thế giới trong đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới khoa học, công nghệ; chỉ đạo các đơn vị thành viên cơ cấu lại nhân sự theo hướng tinh gọn, phù hợp chiến lược phát triển và yêu cầu sản xuất kinh doanh.
Doanh nghiệp cần hoàn thiện bộ máy tổ chức quản lý tại công ty mẹ phù hợp với đặc điểm tình hình, nhu cầu nhiệm vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và chiến lược phát triển.
Đáng chú ý, theo đề án được duyệt, sẽ giải thể 2 phòng chuyên môn là Phòng Thanh tra bảo vệ - quân sự và Phòng Hợp tác quốc tế - Quản lý hoa tiêu, chuyển chức năng nhiệm vụ về các phòng, ban khác.
Trong các đơn vị thành viên, sẽ sáp nhập Chi nhánh Tổng công ty tại TP.HCM vào Văn phòng Tổng công ty. Đồng thời, giải thể Công ty Thi công cơ giới hàng hải miền Nam, chuyển chức năng nhiệm vụ về các đơn vị bảo đảm hàng hải.
Sau khi cơ cấu lại, sẽ thành lập công ty con là Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải miền Nam trên cơ sở hợp nhất 5 công ty Hoa tiêu hàng hải khu vực I,V,VII,VIII, IX. Việc hợp nhất phải hoàn thành trước ngày 1/7/2024. Công ty cổ phần Thiết bị báo hiệu hàng hải miền Nam cũng sẽ giải thể.
Đề án được Bộ GTVT phê duyệt cũng yêu cầu TCT BĐATHH miền Nam thực hiện các phương án đổi mới công nghệ phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, nghiên cứu đầu tư chương trình, phần mềm, thiết bị mô phỏng phục vụ công tác đào tạo hoa tiêu, thử nghiệm chạy tàu và trong việc thiết kế, bố trí báo hiệu hàng hải, luồng hàng hải.
Bên cạnh đó, xây dựng và triển khai Đề án đổi mới toàn diện đối với công tác quản lý, vận hành, bảo trì, sửa chữa hệ thống báo hiệu hàng hải (bao gồm hệ thống đèn biển, đăng tiêu độc lập và hệ thống báo hiệu luồng hàng hải) giai đoạn đến hết năm 2025, phương hướng đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.
Doanh nghiệp phải nâng cấp, hoàn thiện hệ thống báo hiệu hiện có, thiết lập mới hệ thống báo hiệu ở các vùng biển và các tuyến luồng hàng hải phù hợp với yêu cầu của hệ thống cảng biển; thiết lập hệ thống báo hiệu hàng hải vô tuyến.
Phấn đấu đến năm 2025, hạ tầng kỹ thuật bảo đảm an toàn hàng hải đạt trình độ tiên tiến so với khu vực và theo kịp xu thế phát triển của thế giới.
Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực toàn diện, đồng bộ phù hợp sự phát triển của ngành theo hướng tuyển chọn nhân lực có trình độ cao. Nâng cao trình độ cán bộ lãnh đạo, quản lý; nâng cao chất lượng đội ngũ hoa tiêu hàng hải, trình độ cán bộ kỹ thuật chuyên môn nghiệp vụ và trình độ công nhân kỹ thuật.
Tăng cường rà soát, đề xuất hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng hải và ngành hàng hải, đường thủy nội địa, cũng như xây dựng mô hình tổ chức sản xuất kinh doanh theo hướng tinh gọn đảm bảo hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, tập trung vào hoạt động cung ứng dịch vụ sự nghiệp công bảo đảm an toàn hàng hải, hoa tiêu hàng hải và các lĩnh vực phụ trợ phục vụ trực tiếp cho nhiệm vụ sản xuất kinh doanh chính được giao.
Ngoài ra, duy trì và thắt chặt mối quan hệ với các đối tác hiện tại như AB Pharos Marine (Mỹ), Zenilite (Nhật)… và tăng cường hợp tác với những đơn vị chuyên ngành của các nước nhằm trao đổi, hợp tác nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hoàn thiện công nghệ, kỹ năng.
Đẩy mạnh quá trình gia nhập các tổ chức hàng hải thế giới như IHO, IMO, EAHC, IMPA… và xây dựng hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng bảo đảm an toàn hàng hải hiện đại, hướng tới môi trường hành hải điện tử E-Navigation (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) và Hiệp hội quốc tế các cơ quan hỗ trợ hàng hải và hải đăng (IALA).
TCT chú trọng tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, sử dụng hệ thống quản lý giám sát báo hiệu hàng hải từ xa trên nền tảng công nghệ AIS và ENC phục vụ quản lý, vận hành báo hiệu hàng hải phù hợp với các hướng dẫn liên quan.
Đặc biệt, tập trung đầu tư mới, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống đèn biển trên quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK, khu vực các đảo phía Tây Nam của Tổ quốc để góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.
Bộ GTVT giao các Vụ, Cục Hàng hải Việt Nam và các cơ quan đơn vị thuộc Bộ GTVT, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được phân công, chủ trì, chỉ đạo, hướng dẫn TCT BĐATHH miền Nam thực hiện Đề án cơ cấu lại giai đoạn đến hết năm 2025 đúng quy định, đảm bảo chất lượng, tiến độ đã được phê duyệt. Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra kết quả thực hiện Đề án và kiến nghị lãnh đạo Bộ biện pháp xử lý những vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Hội đồng thành viên của TCT có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Đề án đã được phê duyệt, tuân thủ quy định của pháp luật, chỉ đạo của Bộ GTVT và hướng dẫn của các cơ quan liên quan.
Doanh nghiệp cần định kỳ báo cáo Bộ GTVT kết quả triển khai Đề án theo quy định, kịp thời báo cáo Bộ những vướng mắc phát sinh để giải quyết theo thẩm quyền. Quá trình tổ chức thực hiện, với những nội dung của Đề án không còn phù hợp, báo cáo Bộ GTVT để được xem xét, điều chỉnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận