Hạ tầng

Có cầu vượt biển, dân đảo Cát Hải vui đón Tết

10/02/2018, 07:05

Từ một huyện đảo xa xôi cách trở, giờ đây, đảo Cát Hải trở thành một trong những khu vực phát triển sôi động...

5

Mang đào Tết về đảo qua cây cầuTân Vũ - Lạch Huyện

Dân đảo thi nhau chơi đào đá

Từ khu vực ngã ba giao cắt với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, xe chúng tôi nhập làn vào đường dẫn lên cầu Tân Vũ - Lạch Huyện. Đoạn đường rộng thênh thang, thẳng tắp dẫn lên cây cầu Tân Vũ - Lạch Huyện lưu thông từ chiều nội thành Hải Phòng ra huyện đảo. Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, cùng với dòng ô tô lưu thông trên cầu vượt biển, không khó để bắt gặp những chiếc xe máy chở những cành đào đá (đào lấy từ các tỉnh miền núi phía Bắc về - NV) khá cồng kềnh đang xuôi về phía đảo Cát Hải.

Chơi đào đá vốn là thú vui xa xỉ ngày Tết ngay cả đối với người đất liền vì giá thành khá đắt, nói gì đến người dân huyện đảo Cát Hải. Không những vậy, để đưa được một cành đào đá lên phà sang tới Cát Hải rất khó khăn, phải vượt nhiều cây số đi phà. Vì thế, trước đây, chơi đào đá gần như không có trong khái niệm của người dân đảo cát này. Nhưng nay, mọi thứ đã thay đổi, người Cát Hải chỉ cần mất 15 phút đi ô tô, xe máy qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện đã có thể tới nội thành Hải Phòng mua đào đá về chơi.

Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện từ khi hoàn thành đưa vào khai thác đã giúp huyện đảo Cát Hải thay da đổi thịt. Tuy nhiên, cây cầu mơ ước này cũng mang theo một vài rắc rối với người dân huyện đảo. Người Cát Hải vốn trước đây không hề biết đến trộm cắp, nhà hầu như không có khóa cửa, xe máy để ngoài đường. Bởi đơn giản là trộm có lấy được xe cũng chẳng biết cách nào chuyển ra khỏi đảo. Nay thì khác, trộm cắp đã xuất hiện nên người dân phải thay tập thói quen khóa cửa, dắt xe vào nhà. Ông Lê Văn Tiến ở tổ dân phố Tiến Lộc tâm sự: “Chúng tôi phải quen dần với lối sống mới, đó là điều tất yếu từ khi cây cầu Tân Vũ - Lạch Huyện hoàn thành, kéo huyện đảo gần hơn với đất liền”.

Qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ở bên bờ đảo Cát Hải giờ đây trở thành một “đại công trường” với rất nhiều dự án xây dựng. Ngay sát đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện là công trường xây dựng tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup. Những khu nhà xưởng như xưởng ép, thân xe, sơn, sản xuất động cơ và lắp ráp đang được cấp tập hoàn thành diện tích quy mô 335 ha trên địa bàn huyện Cát Hải. Nhận thấy những điều kiện thuận lợi về giao thông của đảo Cát Hải, Tập đoàn Vingroup đã lựa chọn nơi đây làm nơi đặt “đại bản doanh” của tổ hợp sản xuất ô tô đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam. Với vị thế gần cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng lại thuận lợi lưu thông khi cầu Tân Vũ - Lạch Huyện nối với đất liền chỉ bằng 15 phút chạy xe, nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh đều thuận lợi.

Cách tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast không xa là công trường Cảng container quốc tế Hải Phòng - một hợp phần trong cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng. Nằm trên địa bàn đảo Cát Hải, cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là cảng nước sâu lớn nhất miền Bắc có thể tiếp nhận tàu container tới 8.000 TEU, giúp hàng hóa Việt Nam không phải trung chuyển qua các cảng khu vực như hiện nay.

Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng được kỳ vọng đóng vai trò trung tâm và hệ thống cảng biển và cảng nội địa khác là các vệ tinh, hình thành hệ thống logistics năng động, hiệu quả và trở thành trạm trung chuyển hàng hóa quốc tế; đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, đưa hàng hóa xuất khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ. Khi đó, hàng hóa không phải trung chuyển qua các cảng khu vực như Singapore, Hong Kong, giảm chi phí vận tải, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam… Ngoài ra, cảng còn thu hút lượng lớn hàng quá cảnh từ khu vực Đông Bắc Lào và khu vực Nam Trung Quốc. Những dự án lớn triển khai tại đảo Cát Hải đã và đang từng ngày, từng giờ làm thay đổi bộ mặt của huyện đảo Cát Hải.

6

Nhịp sống bình dị của người dân đảo Cát Hải

Đổi thay đón “làn gió mới”

Vừa trở về nhà sau khóa học nâng hạ cần cẩu trục, em Nguyễn Văn Hậu ở tổ dân phố Lục Độ, thị trấn Cát Hải chia sẻ: “Em học lớp nâng hạ cần cẩu trục do huyện Cát Hải tổ chức để chuẩn bị hành trang trở thành công nhân của Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast”.

Hậu giống như hàng trăm thanh niên ở huyện đảo Cát Hải vốn trước đây là ngư dân, diêm dân chỉ biết ra khơi đánh cá hoặc làm muối, làm mắm. Tới nay, những cánh đồng muối, bãi nuôi trồng thủy sản ở đây đã biến mất nhường chỗ cho các dự án thi công. Thanh niên nơi đây đang học để trở thành một trong 25 nghìn lao động của Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast và hàng chục nghìn lao động khác của Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.

Bà Nguyễn Thị Lũy - Phó chủ tịch UBND thị trấn Cát Hải cho biết: Thị trấn có 7.000 nhân khẩu, nhưng hiện nay số người tạm trú tại địa bàn cũng tương đương số nhân khẩu thị trấn. Họ là những công nhân đang thi công các dự án trọng điểm trên địa bàn. Từ khi cầu Tân Vũ - Lạch Huyện hoàn thành, khoảng cách từ huyện đảo tới đất liền rút ngắn rất nhiều. Người dân thị trấn Cát Hải rảnh rỗi là rủ nhau “lên thành phố” uống cà phê bởi họ chỉ mất khoảng 15 phút là ra tới nội thành Hải Phòng.

Cây cầu vượt biển dài nhất Việt Nam mới hoàn thành đưa vào khai thác được vài tháng (khánh thành ngày 2/9/2017) nhưng đã làm thay đổi bộ mặt huyện đảo từng ngày. “Đảo Cát Hải chỉ vài năm trước vẫn là một hòn đảo xa xôi, cách trở với đất liền. Đại đa số người dân làm nghề đi biển, làm muối, sản xuất nước mắm truyền thống với thương hiệu Cát Hải. Cầu Tân Vũ - Lạch Huyện hoàn thành đưa vào sử dụng thực sự tạo nên một làn gió mới với đảo. Người dân chúng tôi đang phải nhanh chóng thích nghi với những đổi thay để không tụt hậu. Từ 2 năm gần đây, thị trấn đã liên tục tổ chức nhiều khóa học nghề như: Nâng hạ hàng, điều khiển cần trục, sửa chữa ô tô để những thanh niên đón đầu nghề nghiệp trong tương lai”, bà Lũy nói.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Mậu Tuất, không khí đảo Cát Hải vui tươi hơn hẳn. Những phần quà từ Trung ương, TP Hải Phòng và địa phương liên tục được đưa tới các gia đình chính sách, hộ nghèo cũng nặng hơn bởi họ có thêm nhiều nhà tài trợ. Điều vui hơn nữa là người dân nơi đảo cát này đang từng ngày thay đổi, thích nghi để từ những nông dân trở thành người thành phố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.