Đề xuất tăng mức dư nợ vay từ 70% lên 90%
Tiếp tục phiên họp thứ 44, chiều 27/4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự thảo Nghị định của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP ngày 19/5/2017 của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội.
Đáng chú ý, trong dự thảo có nội dung tăng dư nợ vay của TP Hà Nội. Theo đó, mức dư nợ vay (bao gồm vay trong nước từ phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay lại từ nguồn Chính phủ vay về cho vay lại và các khoản vay trong nước khác theo quy định của pháp luật) của ngân sách thành phố không vượt quá 90% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp.
Thu ngân sách địa phương được xác định trên cơ sở dự toán thu ngân sách thành phố được Quốc hội quyết định của năm dự toán. Tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm do Quốc hội quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Đối với đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết, việc quy định tăng giới hạn mức dư nợ vay bảo đảm cho Hà Nội có thêm dư địa được vay và phù hợp với bối cảnh thực hiện đẩy mạnh cơ chế cho chính quyền địa phương vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước, thay vì cấp phát như hiện nay.
Dự kiến trong thời gian tới, Hà Nội vay lại từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước đã ký Hiệp định để thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm khoảng 23 nghìn tỷ đồng (trên 1 tỷ USD). Tuy nhiên, việc tăng mức dư nợ vay này được kiểm soát trong giới hạn nợ công cho phép, vì tổng mức vay và bội chi ngân sách của thành phố hàng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước do Quốc hội quyết định.
Tại phiên họp nhiều ý kiến đều đồng tình với việc mức dư nợ vay của TP Hà Nội từ 70% lên 90%. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chung Lưu cho rằng, dư nợ vay từ 70% lên đến 90% so với nguồn thu của ngân sách TP Hà Nội là hợp lý. Hà Nội rất cần nguồn vốn này để đầu tư.
Bên cạnh nội dung trên, Uỷ ban Tài chính - Ngân sách cũng nhất trí với chủ trương cho phép UBND TP Hà Nội được tạm ứng sử dụng Quỹ dự trữ tài chính để đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng và thời hạn tạm ứng là 36 tháng; Cho phép HĐND Thành phố được quyết định sử dụng nguồn thực hiện cải cách tiền lương còn dư của ngân sách cấp Thành phố để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội và chi an sinh xã hội.
Cần có Nghị quyết thay bằng Nghị định
Thẩm tra dự thảo, nhiều ý kiến cho rằng cần có Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội hơn là chỉ dừng lại ở Nghị định.
“Nên có Nghị quyết chứ không dừng lại chỉ là việc sửa đổi thay thế Nghị định. Từ đó mới có được cơ chế cho Thủ đô phát triển”, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết.
Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng: “Nhất trí việc sửa đổi, nhưng sửa đổi thế nào thì phải nghiên cứu. Chính phủ nên trình ra Quốc hội để ban hành Nghị quyết từ đó xứng tầm với sự phát triển Thủ đô”
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, Hà Nội phải có đề xuất mạnh mẽ hơn nữa, từ đó Quốc hội cần có Nghị quyết để có cơ chế cho Thủ đô phát triển.
Kết luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Thường vụ Quốc hội nhất trí việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 63/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, nhưng sửa đổi thế nào thì phải nghiên cứu. Chính phủ cần trình ra quốc hội để ban hành Nghị quyết để xứng tầm với sự phát triển Thủ đô.
Ông Phùng Quốc Hiển cũng đề nghị Chính phủ rà soát lại dự thảo, đồng ý là có đặc thù nhưng không được xung đột quá lớn với luật.
Về nội dung nâng trần nợ vay từ 70 lên 90%, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, việc này là cần thiết và nên làm nhưng phải tính đến nguồn trả nợ. Đồng thời, đồng tình cho phép quỹ tài chính để đầu tư cơ sở hạ tầng; sử dụng nguồn còn dư từ quỹ cách tiền lương để xây dựng cơ bản và an sinh xã hội và sử dụng kinh phí thường xuyên để đầu tư công trình nhỏ, xây dựng cơ bản.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận