Có ý kiến cho rằng, cơ chế dịch vụ kiểm định một giá như hiện nay chưa phù hợp với xu hướng xã hội hóa đầu tư đăng kiểm |
Kể từ khi Thông tư số 238 của Bộ Tài chính có hiệu lực vào đầu năm 2017, những ý kiến trái chiều xung quanh việc này đã manh nha và càng “nóng” hơn sau hơn nửa năm thực hiện.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi từ phí sang giá chỉ là “bình mới nhưng rượu vẫn cũ”. Thực tế, tất cả mức giá kiểm định chẳng hề có bất kỳ sự thay đổi nào, không lên cũng chẳng xuống, khách hàng đi đăng kiểm không được hưởng lợi hay ảnh hưởng bất cứ điều gì. Có chăng chỉ là thêm sự phiền phức, nhiều thủ tục nhiêu khê hơn từ phía các trung tâm đăng kiểm. Họ thực sự mong muốn giá dịch vụ đăng kiểm phải theo cơ chế thị trường, bởi hiện lĩnh vực này đã và đang được xã hội hóa một cách mạnh mẽ. Nhà nước chỉ nên quy định giá trần, còn mức thu cao hay thấp tùy trung tâm đăng kiểm để tạo sự cạnh tranh lành mạnh, thu hút khách hàng và nâng cao chất lượng đăng kiểm. Thực tế trước đây, đã có không ít trung tâm “vượt rào” áp dụng nhiều chiêu khuyến mãi, giảm giá, tặng quà để hút khách. Nhưng tất cả những việc làm này đều bị coi là trái quy định và bị “tuýt còi”.
Ở chiều ngược lại, cũng có ý kiến cho rằng, đăng kiểm là lĩnh vực đặc thù, không thể “thả nổi” giá. Nếu trung tâm đăng kiểm tự định giá, giảm giá tràn lan sẽ lơ là chất lượng, ảnh hưởng đến việc kiểm định phương tiện khi lưu hành.
Tất cả những quan điểm đó xét cho cùng đều không sai, thậm chí đều có lý do chính đáng. Tuy nhiên, nếu đứng ở vị trí của khách hàng, là những người trực tiếp đem xe đến đăng kiểm có thể sẽ có cách lý giải xác đáng và hài hòa nhất.
Ở bất kỳ thời điểm nào, khách hàng cũng luôn mong muốn nhận được giá cả hợp lý với chất lượng dịch vụ tốt nhất. Do đó, tất cả những thay đổi về cơ chế dù phí hay giá, dù đóng khung hay linh hoạt đều phải hướng tới khách hàng và nâng cao chất lượng dịch vụ. Đúng là đăng kiểm là lĩnh vực đặc thù, tuy nhiên hiện nay đã và đang được xã hội hóa mạnh mẽ. Chủ trương của ngành GTVT là để doanh nghiệp làm những dịch vụ có thể làm được. Thời gian qua đã có hàng chục trung tâm đăng kiểm xã hội hóa được mở. Còn việc quản chất lượng là việc của cơ quan quản lý Nhà nước, không liên quan đến giá đăng kiểm. Cơ quan quản lý cần xây dựng hành lang pháp lý, cơ chế chính sách và giám sát chặt chẽ, nếu đơn vị nào vi phạm có biện pháp xử lý, thậm chí thu hồi giấy phép hoạt động.
Cũng cần nói thêm, đã từng có giai đoạn, hễ nhắc đến đăng kiểm là nhiều người gán ngay cho những từ chẳng mấy hay ho như: Tiêu cực, sai phạm, thậm chí móc ngoặc, hối lộ. Điều này xuất phát từ việc lĩnh vực này được coi là đặc thù, ranh giới giữa đạt và chưa đạt khá mong manh và phụ thuộc nhiều vào cảm quan, đánh giá của cá nhân đăng kiểm viên. Tuy nhiên, khoảng 3-4 năm trở lại đây, với quyết tâm chống tiêu cực và nỗ lực cải cách, hình ảnh đăng kiểm đã đẹp hơn nhiều trong mắt người dân và dư luận cả nước. Đây là cơ sở để lĩnh vực đăng kiểm tiếp tục thực hiện cải cách và có những cơ chế hiệu quả, phù hợp hơn, vừa để phục vụ tốt hơn khách hàng, vừa nâng cao chất lượng kiểm định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận