Lượng hàng hoá thông qua cảng gần gấp đôi công suất
Cục Hàng hải VN vừa có văn bản gửi Bộ GTVT về kiến nghị đầu tư xây dựng cầu cảng Bến Nghé - Phú Hữu giai đoạn 2 của của Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé.
Trước đó, doanh nghiệp này đã đề nghị Bộ GTVT cho phép tiếp tục đầu tư 220m cầu cảng giai đoạn 2 cảng Bến Nghé - Phú Hữu.
Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé đã đề nghị Bộ GTVT cho phép tiếp tục đầu tư 220m cầu cảng giai đoạn 2 cảng Bến Nghé - Phú Hữu. Ảnh minh họa
Lãnh đạo Cục Hàng hải VN cho biết, theo Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển Đông Nam Bộ (Nhóm 5) giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, khu bến cảng Cát Lái (sông Đồng Nai) là khu bến cảng, cầu cảng cho tàu có trọng tải đến 30.000 tấn. Hạn chế đầu tư thêm bến cảng; thực hiện các giải pháp khai thác để giảm áp lực vận tải lên tuyến đường bộ hiện hữu.
Đồng thời, chỉ xem xét đầu tư thêm bến cảng khi hạ tầng kết nối cảng và hạ tầng giao thông của khu vực cơ bản được đầu tư hoàn chỉnh, đảm bảo năng lực vận tải, đáp ứng nhu cầu thông qua hàng hóa.
Cũng trong Quy hoạch này, bến cảng Bến Nghé - Phú Hữu là bến cảng tổng hợp, hiện trạng gồm 2 cầu cảng có tổng chiều dài 320m, cỡ tàu cập trọng tải 30.000DWT, diện tích chiếm đất 24 ha. Quy hoạch giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2025, 2030 sẽ gồm 2 cầu cảng có tổng chiều dài 320m, cỡ tàu cập trọng tải 30.000DWT, diện tích chiếm đất 24ha, dự kiến công suất 4,4 triệu tấn/năm; phát triển giai đoạn 2 khi điều kiện phù hợp.
Từ năm 2007, Cục Hàng hải VN đã có văn bản về thỏa thuận chi tiết xây dựng cầu cảng Bến Nghé tại Phú Hữu, TP.HCM. Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé đã hoàn thành đầu tư xây dựng 320m dài cầu cảng và được Cục công bố mở cầu cảng.
Cầu cảng tiếp nhận tàu thuyền chở hàng tổng hợp (hàng khô) của Việt Nam và nước ngoài có trọng tải đến 30.000DWT (hoặc tàu container có trọng tải tương đương) ra, vào neo đậu, làm hàng.
Trong 3 năm gần đây, số liệu thống kê lượng hàng hóa thông qua bến cảng Bến Nghé - Phú Hữu vượt gần gấp 2 lần công suất quy hoạch bến cảng.
Đề xuất chưa phù hợp với nội dung quy hoạch
Quyền Cục trưởng Cục Hàng hải VN Nguyễn Đình Việt thông tin, trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, khu bến Cát Lái - Phú Hữu có phạm vi quy hoạch gồm vùng đất và vùng nước trên sông Đồng Nai, đoạn từ ngã ba rạch Ông Nhiêu đến thượng lưu ngã ba mũi Đèn Đỏ.
Cục Hàng hải VN cho rằng, đề xuất chưa phù hợp với nội dung quy hoạch khu bến Cát Lái - Phú Hữu
Khu bến nhằm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Nam, liên vùng, cả nước và trung chuyển hàng cho Vương quốc Cam pu chia; có bến container, tổng hợp, hàng rời; khai thác với quy mô hiện hữu, không mở rộng, nâng cấp.
Do đó, việc Công ty Cảng Bến Nghé đề xuất đầu tư 220m cầu cảng giai đoạn 2 theo quyền Cục trưởng Cục Hàng hải VN đánh giá là “chưa phù hợp với nội dung quy hoạch khu bến Cát Lái - Phú Hữu”.
Thông tin thêm về hạ tầng giao thông xung quanh khu bến Cát Lái - Phú Hữu, lãnh đạo Cục Hàng hải VN cho biết Bộ GTVT đã có văn bản về việc tham gia ý kiến phương án kết nối giao thông khu vực cảng Cát Lái - Phú Hữu với cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây và vành đai 3 TP.HCM.
Cục Hàng hải VN cũng đã có văn bản ủng hộ việc lựa chọn hướng tuyến của đường kết nối cảng Cát Lái - Phú Hữu - cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Vành đai 3 TP.HCM như đề xuất của UBND TP.HCM.
Từ đây, lãnh đạo Cục Hàng hải VN đề nghị Bộ GTVT hướng dẫn Công ty TNHH MTV Cảng Bến Nghé tuân thủ nội dung quy hoạch khu bến Cát Lái - Phú Hữu tại Quyết định số 1579 ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, cơ quan cũng kiến nghị UBND TP.HCM chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát kỹ về năng lực kết nối cảng theo tiến trình đầu tư, các dự án hạ tầng giao thông kết nối khu bến Cát Lái - Phú Hữu trong thời gian tới để đề xuất nghiên cứu phát triển cảng khu vực này trong quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển; quy hoạch vùng đất, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt làm cơ sở triển khai thực hiện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận