Đại học Hoa Sen hiện có 10 nghìn sinh viên đang theo học |
Nhóm cổ đông của ĐH Hoa Sen vừa có đơn kêu cứu gửi Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng. Theo nội dung này, những tranh chấp nội bộ tại ĐH Hoa Sen, TP. HCM khiến môi trường giáo dục tại ngôi trường có hơn 10 nghìn sinh viên này đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tâm điểm của những vụ tranh chấp gây ồn ào dư luận suốt thời gian qua xuất phát từ sai phạm trong quản lý, điều hành của bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng nhà trường.
Lập lờ giấu doanh thu
Đại học Hoa Sen được thành lập theo Quyết định số 274 ngày 30/11/2006 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó ghi rõ: “Trường Đại học Hoa Sen hoạt động theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục”. Đến nay, Đại học Hoa Sen chưa hề thực hiện thủ tục xin chuyển đổi sang hoạt động theo mô hình không vì lợi nhuận. Dù vậy, bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng vẫn tuyên bố đây là trường đại học không vì lợi nhuận, nội dung này hiện vẫn được đăng tải trên website của trường.
Tuy nhiên, thực tế việc hạch toán thu chi lại thể hiện điều ngược lại với tuyên bố của bà hiệu trưởng. Cụ thể, tháng 12/2013, nội bộ nhà trường phát hiện Ban giám hiệu Đại học Hoa Sen giữ lại khoản doanh thu 119 tỷ đồng, thu được từ các khoản học phí trong các niên khóa từ năm 2010 - 2013, nhưng được chuyển vào các khoản “học phí thu trước” và “nợ phải trả”, thay cho “doanh thu”.
Việc làm sai trái này khiến cho doanh thu của Đại học Hoa Sen bị giảm mạnh, nhằm trốn tránh nghĩa vụ thuế với nhà nước. Khi bị phát hiện, nhà trường đã phải khắc phục hậu quả bằng cách nộp kê khai thuế và lãi vì chậm nộp thuế lên tới 15,3 tỷ đồng. Dù vậy, trong thư ngỏ gửi các cổ đông, bà Bùi Trân Phượng cho rằng, đây là thủ đoạn đánh tráo khái niệm nhằm gây ngộ nhận trong dư luận.
Theo bà Phượng, đây không phải là “giấu doanh thu” mà là ghi hạch toán sai chỗ trong báo cáo tài chính hàng năm của Trường Đại học Hoa Sen, vì đã ghi số tiền này vào các dòng “học phí thu trước” và “nợ phải trả” thay vì ghi đúng chỗ vào dòng “doanh thu”. Theo bà Phượng, đây là lỗi của bà Phạm Thị Thủy, Phó hiệu trưởng phụ trách tài chính. Điều này khó thuyết phục, vì với trách nhiệm là hiệu trưởng, chủ tài khoản, bà Phượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Ngoài những sai phạm trên, bà Phượng còn tự ý đưa ra chủ trương thành lập Công ty TNHH Nhà hàng khách sạn và Du lịch Vĩnh An, do bà Phượng làm Chủ tịch HĐQT. Việc thành lập công ty này trái với nghị quyết của HĐQT, gây ra hàng loạt vi phạm trong công tác đào tạo cũng như kế toán tài chính, điển hình là việc thu học phí của học sinh vượt mức quy định tại Công ty Vĩnh An.
Ngày 30/5/2014, Thanh tra Bộ GD & ĐT đã có kết luận thanh tra liên quan đến “Hoạt động đào tạo có yếu tố nước ngoài của Công ty TNHH Nhà hàng Khách sạn và Du lịch Vĩnh An”, đồng thời ra quyết định xử phạt 70 triệu đồng, cấm trường tuyển sinh trong vòng một năm, yêu cầu hoàn trả cho người học hơn 1,5 tỷ đồng tiền thu vượt.
Hàng loạt giảng viên bị nghỉ việc vô cớ
Trước cáo buộc lợi dụng chức vụ và quyền hạn để đưa ra hàng loạt quyết định trái pháp luật như điều chuyển nhiều cán bộ, nhân viên, giảng viên của nhà trường, bà Phượng cho rằng, nguyên tắc then chốt trong công tác quản lý nhân sự ở Đại học Hoa Sen là phân cấp quản lý, Hiệu trưởng chỉ phụ trách và quyết định về các Phó hiệu trưởng; Các Phó Hiệu trưởng phụ trách về nhân sự lãnh đạo của các Khoa; Lãnh đạo Khoa phụ trách cấp trưởng của các bộ môn, phòng ban… Vì vậy, mặc dù mọi quyết định về nhân sự do hiệu trưởng ký, nhưng đều trên cơ sở ý kiến của từng cấp đã được phân quyền.
Trong khi đó, theo báo cáo do Ban tổ chức Đại hội đồng Cổ đông bất thường Đại học Hoa Sen tổ chức ngày 23/7/2014, tổng số giảng viên, nhân viên của Đại học Hoa Sen bị buộc phải nghỉ việc từ năm 2009 - 5/2014 là hơn 400 người. Tỉ lệ nghỉ việc chung của toàn trường luôn ở mức cao, đặc biệt là giai đoạn từ năm 2009 - 2011, tỉ lệ này luôn cao hơn 15%.
Chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2014, tỉ lệ nghỉ việc đã lên đến mức 11%. Tỉ lệ thay đổi ở quản lý cấp trung, bao gồm trưởng phó phòng, trưởng phó khoa, giám đốc, phó giám đốc trong 2 năm 2010, 2011 lần lượt là 35% và 43% tương ứng. Riêng 5 tháng đầu năm 2014, tỉ lệ thay đổi này ở mức 22%. Đó là những con số đáng báo động, gây ảnh hưởng lớn đến sự ổn định trong hoạt động của một trường đại học lớn như Hoa Sen cũng như trong công tác giảng dạy và đào tạo sinh viên.
Trước hàng loạt những sai phạm của bà Bùi Trân Phượng, Hiệu trưởng, kiêm Phó chủ tịch HĐQT nhà trường, các cổ đông đã nhiều lần đề nghị họp, nhằm cơ cấu lại tổ chức, tránh ảnh hưởng xấu đến chất lượng đào tạo. Sau nhiều lần bị trì hoãn, ngày 2/8/2014, đại hội đồng cổ đông bất thường (ĐHĐCĐBT) đã diễn ra với 70% cổ đông có quyền biểu quyết tham dự, tại đây ĐHĐCĐ đã bãi miễn 6/7 thành viên HĐQT và BKS đương nhiệm, bầu thay thế và bổ sung 6/7 thành viên HĐQT và BKS nhiệm kỳ II.
Tuy nhiên, đến nay không hiểu vì lý do gì, UBND TP Hồ Chí Minh vẫn chưa công nhận kết quả ĐHĐCĐBT của trường. Điều này khiến nội bộ trường và nhóm cổ đông ngày càng mâu thuẫn, ảnh hưởng xấu đến chất lượng đào tạo của ngôi trường có hơn 10 nghìn sinh viên.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận