Y tế

Cô gái 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu tiếp xúc 119 người, Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo khẩn

08/07/2024, 19:14

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Nghệ An vừa có công văn chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu.

Ngành y tế Nghệ An chỉ đạo "nóng"

Chiều ngày 8/7, thông tin từ Sở Y tế Nghệ An cho biết: Giám đốc sở đã có công văn đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu.

Cô gái 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu tiếp xúc 119 người, Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo khẩn- Ảnh 1.

Sở Y tế tỉnh Nghệ An chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường công tác phòng chống bệnh bạch hầu.

Theo đó, các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường công tác giám sát chặt chẽ tình hình dịch, phát hiện sớm; hướng dẫn tổ chức cách ly kịp thời không để dịch bệnh lan rộng và kéo dài; đối với các trường hợp mắc bệnh, khoanh vùng và xử lý triệt để ổ dịch.

Tăng cường thông tin, truyền thông về nguy cơ mắc bệnh bạch hầu và biện pháp phòng chống để người dân tự giác và chủ động phòng tránh; vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm vắc xin đúng lịch, đủ mũi tiêm.

Tổ chức tốt công tác thu dung, cấp cứu, điều trị các trường hợp mắc, nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu tránh lây nhiễm chéo trong các cơ sở y tế, hạn chế thấp nhất tử vong có thể.

Sẵn sàng thuốc, vật tư, hóa chất, phương tiện hỗ trợ kịp thời cho địa phương triển khai các biện pháp xử lý ổ dịch nếu có. Đẩy mạnh công tác tiêm chủng phòng bệnh đúng lịch, đủ mũi, an toàn, chất lượng...

Cô gái 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu tiếp xúc 119 người, Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo khẩn- Ảnh 2.

Lực lượng y tế lấy mẫu xét nghiệm

119 người có tiếp xúc với bệnh nhân

Trước đó, vào 16h ngày 4/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An nhận được thông tin từ Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An về 1 ca nghi bạch hầu. Trung tâm đã cử đoàn giám sát tiến hành điều tra và lấy mẫu xét nghiệm.

Nữ bệnh nhân là P.T.C, (18 tuổi, trú tại bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn). Bệnh nhân là học sinh của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn, vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2024.

Ngày 26/6, bệnh nhân P.T.C có biểu hiện sốt, ho, đau họng, khàn tiếng. Bệnh nhân tự mua thuốc điều trị và vẫn tham gia dự kỳ thi trung học phổ thông năm 2024 tại Trường Trung học phổ thông Kỳ Sơn vào ngày 27 - 28/6.

Sau khi thi xong, bệnh nhân P.T.C về nhà nhưng bệnh không đỡ nên ngày 1/7 đã đến Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn khám và nhập viện điều trị tại Khoa Lây với chẩn đoán: Viêm loét họng-Amidan mủ, tiên đoán bạch hầu.

Cô gái 18 tuổi tử vong do bệnh bạch hầu tiếp xúc 119 người, Sở Y tế Nghệ An chỉ đạo khẩn- Ảnh 3.

Các địa phương và ngành chức năng họp phương án xử lý phòng chống bệnh bạch hầu

Trung tâm Y tế huyện Kỳ Sơn đã tiến hành hội chẩn liên khoa và hướng dẫn gia đình cho chuyển tuyến trên điều trị nhưng gia đình không đủ điều kiện, xin nằm điều trị tại khoa.

Đến ngày 4/7, tình trạng bệnh nhân P.T.C không thuyên giảm nên được thuyết phục chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An tiếp tục điều trị.

Bệnh nhân nhập viện vào Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An hồi 14h44, ngày 4/7 với chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn/bạch hầu, biến chứng viêm cơ tim, suy đa tạng, rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu.

Bệnh nhân được gia đình xin về lúc 23h50, ngày 4/7 và tử vong trên đường về vào lúc 4h ngày 5/7.

Qua điều tra, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã xác định 7 trường hợp có tiếp xúc gần cùng bệnh nhân P.T.C tại phòng ký túc xá Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Kỳ Sơn.

Mở rộng điều tra các trường hợp tiếp xúc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.

Bệnh bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ, tuy nhiên, cũng có thể gặp ở người lớn nếu không có miễn dịch.
Bệnh lây truyền dễ dàng qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi, họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi; đặc biệt, trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.
Biểu hiện bệnh có thể từ nhẹ đến nặng, trường hợp nặng có thể gây biến chứng và tử vong.
Trước đây, bệnh lưu hành khá phổ biến ở hầu hết các địa phương trên cả nước; từ khi vắc-xin phòng bạch hầu được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng, bệnh đã được khống chế và chỉ ghi nhận một vài trường hợp lẻ tẻ do không tiêm vắc-xin phòng bệnh, thường xảy ra ở các khu vực vùng sâu, vùng xa nơi có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.