Chất lượng sống

Cô gái khiếm thị trong scandal Điều ước thứ 7 giờ ra sao?

27/05/2017, 16:05

Gần 3 năm sau khi chương trình Điều ước thứ 7 nói về tình yêu cổ tích giữa cô gái khiếm thị...

6

Bé Sao Mai là động lực giúp Đào cố gắng làm việc

Gần 3 năm sau khi chương trình Điều ước thứ 7 phát sóng trên kênh VTV3 - Đài Truyền hình Việt Nam nói về tình yêu cổ tích giữa cô gái khiếm thị và chàng cựu sinh viên học viện âm nhạc, chúng tôi tìm về căn nhà cấp bốn tuềnh toàng nằm khuất sau con hẻm nhỏ, nơi cô gái khiếm thị Nguyễn Như Đào (SN 1993) sinh ra và lớn lên.

Cú sốc lớn với cả gia đình

Rót chén nước mời khách, ông Nguyễn Văn Cường (SN 1947, trú xóm 3, xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An, bố của Đào) kể: Sau khi chương trình Điều ước thứ 7 phát sóng được mấy ngày, gia đình bất ngờ nhận được thông tin “chàng rể quý” của mình đã có vợ và hai con ở quê nhà. “Khi đó gia đình tôi sốc nặng”, ông Cường ngậm ngùi.

Sau khi biết sự thật về người “chồng hờ”, Đào cũng bị sốc nặng và rơi vào tình trạng suy sụp hoàn toàn. “Đêm nào nó cũng ôm con bé Sao Mai khóc. Nhiều đêm nhìn con đã mù lòa lại lận đận trong tình duyên mà lòng tôi quặn thắt. Chỉ sợ con gái nghĩ quẩn rồi làm điều dại dột”, bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1947, mẹ của Đào) chia sẻ.

Đó là khoảng thời gian khó khăn nhất của gia đình Đào. Cứ hễ ra đường là người này hỏi chuyện, người kia bàn tán về “chàng rể quý” của gia đình. “Lúc đó, ai cũng tò mò chuyện của Đào và Thanh. Nó ra chợ đi hát và bán hàng rong, mọi người đều xúm lại để hỏi. Càng hỏi Đào càng buồn, càng khóc. Sau này, Đào đã nhờ một người bạn viết lại tâm sự vào giấy rồi photo copy gửi cho mọi người. Đọc bức tâm thư đẫm nước mắt của Đào mọi người càng yêu quý và thương cô con gái bất hạnh “khiếm thị” hơn”, bà Tuyết cho biết.

Sau sự cố liên quan đến chương trình Điều ước thứ 7, Thanh bỏ mặc mẹ con Đào rồi về quê mà không một lời giải thích, cũng không liên lạc với gia đình. “Từ ngày bỏ đi, Thanh không còn liên lạc, hỏi thăm Đào và bé Sao Mai. Gia đình tôi cũng rất buồn nhưng không biết số điện thoại và cũng không biết Thanh ở đâu để liên lạc. Nếu Thanh còn tình nghĩa chỉ mong nó gọi điện hỏi thăm bé Sao Mai. Dù sao cháu nó cũng có quyền được biết cha mình ở đâu?”, ông Cường nói.

7

Ông Nguyễn Văn Cường và bà Nguyễn Thị Tuyết kể về nỗi bất hạnh của cô con gái khiếm thị

Tiếp tục hát rong, bán vé số nuôi con

Gạt đi nước mắt, nén nỗi đau vào trong, khi con tròn 7 tháng tuổi, Đào ngậm ngùi gửi bé Sao Mai cho chị gái Nguyễn Thị Minh (SN 1977) chăm sóc. Sau đó cô một mình lặn lội vào Nam ra Bắc hát rong, bán vé số, bán tăm dành tiền nuôi con khôn lớn. “Cháu Sao Mai nó ngoan và thương mẹ nó lắm. Mỗi khi đi học về là cháu gọi điện thoại cho mẹ. Tôi chỉ mong Đào khỏe mạnh, cố gắng đi làm nuôi bé Sao Mai khôn lớn, trưởng thành”, chị Minh kể.

Bởi vì chị Minh bận công việc buôn bán, nên mỗi sáng bà Tuyết đều phải đến nhà cho cháu Sao Mai ăn uống, rồi đưa cháu đến trường. “Sao Mai thông minh và hiếu động lắm. Nhiều lúc cháu cũng biết hỏi bố em ở đâu? Mẹ Đào đi hát không về chơi với em à? Hay đôi lúc lại nói, em con bố Thanh, mẹ Đào... Khổ thân cháu nó, còn nhỏ dại mà đã thiếu tình thương của bố, sự chăm sóc của mẹ”, bà Tuyết ngậm ngùi.

Trước Tết Nguyên đán vừa qua, Đào đi hát rong trong miền Nam không may bị TNGT gãy chân. May mắn Đào được bạn bè thương yêu, giúp đỡ bó bột, lo thuốc men nên gia đình cũng vơi bớt phần lo lắng. “Ăn Tết xong do chân còn đau nên Đào cũng phải nghỉ ở nhà hơn một tháng để dưỡng thương. Sau khi sức khỏe đã dần ổn định Đào lại xin phép gia đình đi hát và bán hàng rong để có tiền chăm lo cho con”, ông Cường chia sẻ.

Chị Minh cho biết thêm: “Đào nó tiết kiệm lắm, hàng ngày nó đi hát và bán vé số cũng kiếm được khoảng 100 nghìn đồng, trừ chi tiêu cá nhân tháng nào nó cũng gửi 1 triệu về nuôi con. Lần nào gọi điện về Đào cũng nói, “dù còn một chút hơi thở, em cũng cố gắng đi làm để nuôi bé Sao Mai, bé dễ thương và ngoan lắm”.

Khi trò chuyện với gia đình, chúng tôi đã xin số điện thoại của Đào để hỏi thăm tình hình hiện giờ của Đào ra sao, tuy nhiên cả 2 số điện thoại ông Cường bà Tuyết cho đều trong tình trạng “thuê bao không liên lạc được”. Ông Cường nói rằng: “Đào bị khiếm thị nên không biết dùng điện thoại, khi có việc hoặc nhớ con thì Đào chủ động nhờ người gọi về giúp. Nó là đứa sống tình cảm, dù đi làm vất vả nhưng cứ 1 - 2 ngày là lại gọi về hỏi thăm bố mẹ, rồi nói chuyện với con”.

Chia tay chúng tôi, bà Tuyết nói trong nước mắt: “Sau bao biến cố cuộc đời, giờ đây chỉ mong Đào có đủ sức khỏe để làm việc, kiếm tiền trang trải cho cuộc sống và nuôi bé Sao Mai khôn lớn trưởng thành”.

5
Chương trình “Điều ước thứ 7” phát trên VTV3 năm 2015 có phần thu âm CD ca nhạc cho Nguyễn Như Đào, Nguyễn Nhật Thanh

Năm 2015, chương trình Điều ước thứ 7 của VTV3 phát sóng câu chuyện gây xúc động về cặp vợ chồng hát rong Nguyễn Nhật Thanh (người Thanh Hóa) và người vợ khiếm thị Nguyễn Như Đào (người Nghệ An). Năm năm sống với nhau, họ có một con gái xinh xắn tên là Sao Mai, với mong ước sau này con lớn lên sẽ được đứng trên sân khấu Sao Mai điểm hẹn. Ước muốn của cặp vợ chồng được ê-kíp chương trình đáp ứng trong một buổi ghi hình của cuộc thi Sao Mai điểm hẹn.

Câu chuyện của cặp vợ chồng Thanh - Đào gây xúc động lớn cho khán giả, được nhiều người gọi là chuyện cổ tích giữa đời thường. Tuy nhiên, sau khi phát sóng, chương trình bị phát hiện có nhiều thông tin sai sự thật. Theo đó, nhân vật người chồng Nguyễn Nhật Thanh có tên thật là Nguyễn Bá Thanh và đã có vợ con ở quê nhà Thanh Hóa. Anh Thanh cũng không tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Quốc gia như trong chương trình Điều ước thứ 7 thông tin.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.