Y tế

Cô gái suýt liệt vì hít 20 bóng cười/ngày: “Nó không khác gì heroin”

13/05/2020, 08:37

Trên giường bệnh với đôi chân chỉ nhúc nhích co duỗi, đi lại cần người dìu, cô gái trẻ Sơn La tiếc nuối: "Giờ cho tiền em cũng không hít bóng".

img
Khí N2O trong bóng cười gây tác hại khủng khiếp tới cơ thể (ảnh minh họa)

Hiện nằm điều trị ngộ độc khí N2O trong bóng cười tại Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai, cô gái trẻ L.T.H (26 tuổi, Sơn La) chỉ nhúc nhích co duỗi đôi chân, muốn đi lại phải có người dìu. H chia sẻ: “Giờ nếu cho em 1 tỷ, em cũng không dám hít thêm 1 quả bóng cười nào nữa”.

Theo lời cô giái trẻ này, lần đầu em sử dụng bóng cười là khi tham gia một buổi họp lớp với nhóm bạn cũ. Ban đầu chỉ là thử vui cho biết, rồi gặp gỡ thêm bạn bè khác có "sở thích" bóng cười, H bập vào lúc nào không hay với tần suất và số lượng sử dụng tăng dần lên. "Nó gây nghiện thật, vì cứ đến giờ mà không chơi bóng cười là thấy buồn bực, thậm chí co giật", H cho biết.

Thời gian đầu, H không chơi bóng cười thường xuyên nhưng khoảng 1 năm trở lại đây, tần suất liên tục hơn. H nói, mỗi ngày một nhóm bạn nữ tụ lại hút ít thì 10-20 bóng cười/người còn nhiều thì không rõ là bao nhiêu quả nữa. Mỗi tuần đều đặn chơi bóng cười từ 4-5 ngày và nhóm bạn 5-6 người thường tự mua bình về bơm, mỗi đêm dùng từ 4-5 bình khí bóng cười.

Theo H. mỗi khi cảm thấy mệt mỏi, buồn chán công việc, bạn bè hay người yêu thì việc hút bóng cười khiến cô thấy vui vẻ, phấn chấn hơn. Tuy nhiên, sau một thời gian, N. nhận ra, bóng cười “không khác gì heroin”. Hơn nữa, nhiều lần cô gái này có dấu hiệu tê bì hết chân tay, thậm chí, đi lại không vững.

Cách đây hơn 1 tháng, H. quyết định “cai bóng”. Chỉ ít ngày sau đó, cô gái trẻ bắt đầu có cảm giác mệt mỏi, chán ăn và sốt nhẹ. Tuy nhiên, N. không nghĩ đây là ảnh hưởng của bóng cười gây ra mà chỉ nghĩ do mình đang giảm cân.

“Thấy cơ thể thay đổi và mệt mỏi nên em tự đi khám. Lần thứ nhất, thấy sốt lại đúng đợt dịch, nghi mình có thể nhiễm COVID-19 nên em đã đi xét nghiệm, kết quả xét nghiệm âm tính nên bác sĩ cho về. Tiếp ngày hôm sau, em đi lại không vững, chân mềm nên liên tục ngã, em lại đi bệnh viện tại nhưng cũng không tìm ra nguyên nhân. Các bác sĩ chỉ chẩn đoán bị trào ngược dạ dày và thiếu máu lên não, cho truyền thải độc tại nhà nhưng không cải thiện. Sau đó, em tiếp tục đi châm cứu khoảng chục ngày và kết quả chân tay mềm oặt. Nửa thân dưới liệt hẳn, không thể nhúc nhích. Lúc này, người nhà mới đưa đến BV Bạch Mai”, H. kể lại.

Tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cô gái trẻ được chẩn đoán “ngộ độc khí N20”. Khi nhập viện, bệnh nhân không thể đi lại dù có người dìu đỡ, ăn uống mất cảm giác, cơ thể mệt mỏi, tay tê bì.

Đến lúc này H mới nhận rõ nguyên nhân gây liệt là do tác hại của khí bóng cười gây ra. "Mấy đứa bạn em, cũng có người tê bì chân tay, thậm chí yếu chân, nhưng đều không biết đó là do bóng cười", H cho hay.

Đồng ý chia sẻ câu chuyện của mình, H. cho biết thêm: "Mong các bạn trẻ khác biết điều này, coi đó là bài học mà tránh xa bóng cười".

Theo BS. Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai cho biết, khi chụp cộng hưởng từ cho bệnh nhân, kết quả hình ảnh cho thấy tổn thương não và tổn thương tủy sống rất đặc trưng của các ca ngộ độc khí N20. Những tổn thương này khiến bệnh nhân có biểu hiện rối loạn cảm giác và dẫn tới yếu cơ, liệt chi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.