Mới đây, một chia sẻ của bạn trẻ nữ N.V. trên mạng xã hội về việc "nghiện" uống bò húc, với tần suất tối đa 6 lon/ngày, 1 két/tuần... và xuất hiện dấu hiệu tai ù, mắt mờ, tim đập mạnh, choáng... nhận được được sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Trên trang Facebook cá nhân của mình, NV viết: "Những người thân và bạn bè mình đều biết mình bị nghiện uống bò húc từ năm cấp 3. Một ngày mình có thể uống hết 1 lốc 6 lon và 1 tuần 1 két đối với mình là chuyện bình thường. Và mình nghĩ đây là nguyên chính dẫn mình đến với những dấu hiệu đó.
Tối hôm qua lúc đang đi ăn cùng gia đình và tất nhiên là mình có uống bò húc. Mình cảm thấy hơi khó chịu trong người nên vào nhà vệ sinh của quán... Mình không còn nghe được tiếng ồn ào xung quanh nữa mà chỉ là những tràng âm thanh kéo dài, tai mình ù đi, mắt mình không thể nhìn rõ được mặt mình trong gương nữa. Chân mình không thể đứng vững nói đúng ra là mình không cảm nhận được cảm giác ở chân mình nữa. Tay mình và toàn thân bắt đầu đổ mồ hôi, lần đầu tiên tay mình bị đổ mồ hôi nước chảy thành dòng như thế. Đầu mình đau như búa bổ cảm giác như bị điện giật vào đầu vậy. Tim mình nhảy như trống hội, những lần trước tim mình không đập nhanh như hôm nay. Mình không thể nói rõ được thành chữ, mình nói ngọng hoàn toàn và rồi mình quỵ ngay trong nhà vệ sinh của quán...".
Trao đổi với PV Báo Giao thông, TS.BS. Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia cho biết: Các triệu chứng trên cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu của tăng đường huyết, khiến xuất hiện cơn hôn mê do tăng đường huyết, mà mọi người có hiểu nhầm là đột quỵ. "Theo khuyến nghị người trưởng thành chỉ nên sử dụng lượng đường dưới 10% tổng năng lượng/ngày. Thông thường, mỗi người chỉ ăn khoảng 1.600 – 2.000 calories/ngày, trong khi 1 lon bò húc đã có khoảng 40-50g đường chiếm hết phần đường khuyến nghị. Do đó, việc uống 5-6 lon bò húc mỗi ngày, lại uống liên tục thật sự không ổn cho sức khỏe", ông Hưng cho biết.
Cũng theo cảnh báo của chuyên gia dinh dưỡng, khi ăn nhiều đường, uống nhiều nước ngọt, ăn nhiều kẹo, bánh ngọt, đường được hấp thụ vào máu rất nhanh, đường huyết tăng đột ngột, khiến tụy phải hoạt động nhiều (tuyến tụy giải phóng insulin để điều chỉnh đường huyết). Nếu sự kiện này diễn ra liên tục, trong thời gian dài, đặc biệt là ở người cao tuổi, tụy hoạt động quá tải sẽ dẫn đến bệnh tiểu đường.
Ngoài ra, khi ăn quá nhiều đường, đường sẽ được hấp thu tại ruột non, đi vào hệ tuần hoàn và tới thẳng gan. Gan là cơ quan duy nhất có thể chuyển hóa phân tử đường. Nếu lượng đường tiêu thụ vượt quá khả năng chuyển hóa của gan, thì gan sẽ không còn cách nào khác là chuyển hóa lượng đường thừa này thành chất béo.
Rất nhiều nghiên cứu khoa học đã cho thấy, khi gan chuyển hóa đường thành chất béo và gan bị phơi nhiễm với chất béo sẽ gây ra tình trạng kháng insulin. Tình trạng này có thể dẫn đến các bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ và hội chứng chuyển hóa.
Hội chứng chuyển hóa là một hội chứng bao gồm các bệnh như tiểu đường typ 2, cao huyết áp, các vấn đề về chất béo, bệnh tim mạch, ung thư hoặc mất trí.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận