Tối qua, tôi thấy bạn bè kêu gọi share đoạn clip mà tổ dân phố của cậu nam sinh lớp 10 (La Gi, Bình Thuận) quay. Cậu nam sinh đó là nạn nhân trong nghi án “Cô giáo quan hệ tình cảm với học sinh chưa 16 tuổi” đang ồn ào.
Trong clip, người dân bức xúc, kêu gọi cộng đồng mạng hãy gỡ các thông tin nhầm lẫn cho cậu, lo sợ đứa bé lớp 10 không chịu nổi áp lực rồi nghĩ quẩn, làm điều nông nổi.
Tới đoạn người mẹ vừa khóc vừa nói về đứa con trai ngoan hiền, tôi không chịu nổi, phải đóng máy lại.
Giả sử ngày mai, chúng ta nhận tin ai đó không sống nổi giữa dư luận, liệu chúng ta có chút hối hận? Chúng ta có nhớ những phút hả hê share, like, còm, bới móc và chửi bới các nhân vật khi còn chưa rõ họ là kẻ thủ ác, hay chính là nạn nhân?
Người từng bị cộng đồng mạng ném đá không thể quên được cảm giác rùng mình ớn lạnh khi bị mạng xã hội vây bủa, không cách nào bảo vệ bản thân và gia đình. Để thoát khỏi những phút giây sống trong sợ hãi, đã có trường hợp tìm tới cái chết. Bạn thử lên Google tìm kiếm mà xem, báo chí đưa tin khá nhiều đấy!
Cộng đồng mạng như đứa trẻ ngây thơ, vừa nghe tin bên này tố bên kia, vội đổ xô kết tội. Lúc nghe bên kia tố ngược, lại quay ngoắt phỉ nhổ bên này. Trong cơn cuồng điên, say máu ấy, hiếm có cái đầu nào tỉnh táo nhìn nhận rằng: tất cả những gì chúng ta biết, cũng chỉ là do phía này hay phía khác bày ra. Chúng ta không chứng kiến tận mắt, chúng ta không có hồ sơ bản án của quan tòa. Vậy mà chúng ta làm thay việc của quan tòa!
Đó cũng là lý do cộng đồng mạng thường bị các đội truyền thông, hay một cá nhân ma mãnh nào đó lừa gạt. Rồi cả vạn người tốn sức, tốn óc, tốn chữ nghĩa cho thông tin chưa được kiểm chứng. Trong cơn mù quáng, chúng ta dễ mất hết lòng nhân ái cần thiết của người với người sống ở trên đời.
Khi chúng ta mù quáng, tưởng tượng mình đang đứng về chính nghĩa, lên án cái xấu, thì có khi ta lại thành dao nhọn và thuốc độc hại chết nạn nhân nhanh cấp kỳ.
Trở lại vụ việc cô giáo và học sinh, “kẻ tạo bão” liệu có phải là người chồng.
Tôi không rõ người này có lý do gì đặc biệt hay không? Nhưng tôi từng thấy rất nhiều kẻ mất lý trí trong các vụ việc liên quan tới tình cảm. Người ta không cớ gì ra đường nổi cơn điên với thiên hạ, nhưng trong nhà, người ta dễ phát cuồng, cắn xé người thân, khi có cảm giác đối phương không như mình muốn.
Trong sự thất vọng cực độ, hiếm khi nào thỏa mãn, họ muốn dùng loại vũ khí kinh khủng hơn là bêu riếu, hạ nhục người từng đầu ấp tay gối nơi công cộng. Những kẻ này không chỉ là đàn ông, nhiều vụ tôi chứng kiến người phụ nữ trở hoang tưởng, điên loạn trả thù vì không được như ý hay bị phản bội.
Tình cảm, tình thân là thứ người Á Đông chúng ta quý trọng nhất trên đời. Nhưng hình như chúng ta hay choàng lên đó sự sở hữu, gắn dưới cái tên mỹ miều là "chung thủy". Khi tình yêu không còn, người có tự trọng sẽ buông tay một cách văn minh: Tự thỏa thuận và giải quyết theo cách nhẹ nhàng, ít thương tổn nhất cho đôi bên. Không thể ra giải pháp chung, thì nhờ pháp luật về hôn nhân giải quyết. Người có văn hóa không tìm giải pháp trả thù cuồng nộ kiểu vạch áo cho người xem cái lưng lở lói của mình.
Qua nhiều năm theo dõi các vụ án hôn nhân ở tòa án, tôi cũng thấy đa số các cặp vợ chồng chưa có kiến thức về giữ gìn tình cảm. Càng bóp nghẹt thì càng mất, giống như bóp cát trong tay. Càng chém mạnh thì càng nhận thương đau về mình, giống như chém vào không khí rồi ngã sấp mặt vì ra hụt lực.
Anh chồng của cô giáo kia rồi sẽ nhận lại gì, nếu kết thúc vụ việc rồi người ta công nhận là anh đúng? Trong cuộc chiến tình cảm, kẻ thắng có khi là kẻ thua, thua một cách nhục nhã, yếu hèn.
Còn một nhân vật khác mà tôi muốn nói đến, đó chính là cô giáo trẻ. Tôi không biết cô hoàn toàn là nạn nhân hay là một phần của câu chuyện, không biết cô có tình cảm hay không với cậu học trò nhưng cô đã sai khi để bóng ma ghen tuông trong gia đình kéo theo cả một đứa học trò ngây thơ. Cô khó lòng biện minh chuyện đi tìm thuê phòng trọ giùm em gái. Giữa thầy và trò phải có khoảng cách nhất định. Cô không nên nhờ học sinh chở đi đó đi đây. Việc tìm địa chỉ nào đó là của cô, hoặc cô hãy bỏ chút tiền dành cho xe ôm, Grab...
Nếu ai từng đi học phổ thông, hãy thử hỏi các nam sinh trong lớp, hẳn có nhiều câu trả lời sẽ làm bạn ngạc nhiên. Luôn có những hình mẫu phụ nữ trong lòng các cậu trai mới lớn, và không ít cậu bé đem lòng quý yêu nữ giáo viên của mình với không ít phần trăm cảm xúc giới tính đàn ông-đàn bà. Các giáo viên trẻ đẹp đang đứng trên bục giảng đều nhận rất rõ điều này.
Một nữ giáo viên đàng hoàng sẽ không lợi dụng điều đó để nuôi cảm xúc cá nhân. Nếu một cô giáo có cảm tình đặc biệt với cậu học trò nào đó, hãy để cảm xúc yên đó, chờ cậu ấy bước qua lớp cô dạy, chờ cậu ấy trưởng thành để hiểu tình yêu, tình dục là gì. Chính cô giáo cũng phải giải quyết xong mối quan hệ hôn nhân của mình nếu muốn tự do luyến ái. Nếu có tình cảm thật sự, thì một đôi năm nào có muộn?
Không muốn điều xấu nhất, nhưng giả sử nếu đã xảy ra chuyện, quan hệ với nam sinh sẽ đối diện với bản án hình sự và bóc lịch ít nhất 3 năm trong khung hình phạt cho tội "giao cấu với người từ 13 tới 16 tuổi" (theo điều 145 BLSH 2015). Nhưng tổn thương nhiều nhất, không phải vài năm tù của người dẫn dụ, mà chính là ở số phận của cậu bé chưa thành niên với cú vấp đầu đời.
Hãy nhớ, khi những người trong nhà mất hết danh dự, tương lai, những đứa trẻ của họ sẽ sống sao với quá khứ "oai hùng" của cha mẹ còn trữ trong bộ nhớ của mạng internet và người đời.
Xã hội sẽ không một ngày an ổn, nếu chưa hết những kẻ mất lý trí, buông thả hành vi, cả trong nhà và ngoài xã hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận