Dù Tổng thống Donald Trump có thể khiến Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân hoặc không, nhưng chính quyền Mỹ đang có nhiều cơ hội và khả năng để đảm bảo mối đe dọa đó giảm bớt.
Tăng kết nối văn hóa và con người
Trong khi tiến trình đàm phán phi hạt nhân Triều Tiên vẫn đang bị đình trệ, một hội nghị được tổ chức hồi tháng 3 tại Đại học Virginia (Mỹ) đã đưa ra ý tưởng về kết nối mới, như đưa ca sỹ Mỹ tới Triều Tiên lưu diễn, nhằm tăng kết nối, giao lưu văn hóa và con người, từ đó tạo niềm tin trong mối quan hệ Mỹ - Triều.
Ông Harry J. Kazianis, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Triều Tiên tại Trung tâm Lợi ích quốc gia (Mỹ) cho rằng, ý tưởng sáng tạo kể trên hay bất kỳ kế hoạch nào cũng rất cần thiết khi mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng lên xuống “nhiều hơn sóng trên đại dương”.
Theo ông Kazianis, để làm rõ được sự bất thường mối quan hệ này, trước tiên, phải trả lời câu hỏi: Tại sao Tổng thống Mỹ Donald Trump vội vàng rời cuộc họp tại Hà Nội với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un, người mà ông mô tả là có mối quan hệ rất tốt?
Bài bình luận trên báo National Interest hôm 17/4 cho rằng, có thể giới quan sát đã đặt sự mong mỏi của họ vào những bình luận quá lạc quan của Đại diện đặc biệt Mỹ về Triều Tiên Steve Biegun trước hội nghị. Nếu những bình luận đó là sai, chính quyền Trump chưa bao giờ thay đổi quan điểm về vấn đề Triều Tiên.
Nếu không, lý do có thể liên quan đến tình hình chính trị nước Mỹ. Khi lãnh đạo đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ tổ chức phiên điều trần cựu luật sư của ông Trump (Michael Cohen) trong ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều, Tổng thống có thể đã quyết định thay đổi chiến lược khi đàm phán với Triều Tiên.
Ông Kazianis cho rằng, nếu đặt mình vào vị trí của ông Trump, phe Dân chủ sẽ chỉ trích gần như bất kỳ thỏa thuận nào mà nhà lãnh đạo thuộc đảng Cộng hòa dễ dàng đạt được với Triều Tiên.
Với những lập luận này, ông Kazianis nói rằng, nếu lý do chính nằm ở những cân nhắc chính trị, nhiều khả năng kết luận mới đây của công tố viên đặc biệt Robert Mueller trong “cuộc điều tra thông đồng với Nga”, có thể giúp hồi sinh tiến trình hòa bình với Triều Tiên.
4 bước để Washington gần Bình Nhưỡng hơn
Vậy cách nào để Tổng thống Trump có thể đạt được thỏa thuận hòa bình với Triều Tiên? Ông Kazianis, người cũng là Tổng biên tập tờ the National Interest, đã chỉ ra 4 bước như sau.
Đầu tiên, Washington cần làm cho Bình Nhưỡng hiểu rằng, Mỹ không phải là kẻ thù, không muốn lật đổ chế độ của Triều Tiên, cũng như tạo sự tin tưởng việc Nhà Trắng nói là sẽ thực hiện.
Để làm điều đó, ông Trump phải khiến ông Kim cảm thấy đủ tin tưởng. Chẳng hạn như Washington ký với Bình Nhưỡng một tuyên bố chính trị chấm dứt chiến tranh Triều Tiên. Khi đó, ông Kim sẽ có bằng chứng để giới chức chính quyền Bình Nhưỡng và toàn thể người dân Triều Tiên tin rằng, nước Mỹ không còn ý định thù địch và mối quan hệ hai nước đã thay đổi.
Tiếp theo, Mỹ nên đảm bảo sự liên lạc với chính quyền Bình Nhưỡng, đặc biệt là nếu một cuộc khủng hoảng khác nổ ra. Để làm điều này, cả hai bên nên thành lập các văn phòng liên lạc nhỏ ở thủ đô của nhau.
Sẽ có các ý kiến phản đối ý tưởng này, khi họ cho rằng, đây sẽ là một cách công nhận quan hệ ngoại giao, hoặc sẽ là tiền đề để lập các đại sứ quán. Nhưng nếu so với nguy cơ Triều Tiên có khả năng tấn công Mỹ bằng vũ khí hạt nhân nhờ những tiến bộ trong công nghệ tên lửa tầm xa, thì việc hiểu được quan điểm, suy nghĩ giữa hai bên trong thời gian ngắn là rất quan trọng.
Thứ ba, thế giới phải được chứng kiến việc Triều Tiên giải giáp vũ khí hạt nhân của nước này, hoặc ít nhất là thể hiện ý định giảm thiểu mối đe dọa như vậy, nếu không thể giải trừ hạt nhân trong ngắn hạn và trung hạn. Điều này đã được ông Kim Jong un hứa hẹn thực hiện nếu Washington đưa ra những trao đổi tương ứng.
Và đây chính là điều Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in có thể hỗ trợ, giúp Mỹ và Triều Tiên hiểu nhau hơn. Trong cuộc trò chuyện với Tổng thống Trump, ông Moon đã đề nghị việc thực hiện các dự án kinh tế liên Triều có trị giá hàng tỷ USD, một số tiền khổng lồ mà Triều Tiên mong muốn để vực dậy nền kinh tế nước này, hiện chỉ ước khoảng đạt 16 tỷ USD.
Cuối cùng, một bước không thể thiếu, đó là việc tăng cường nỗ lực để tìm kiếm và trao trả hài cốt hơn 7.000 binh sĩ Mỹ tử nạn trong chiến tranh Triều Tiên.
Để làm điều này, Washington và Bình Nhưỡng nên thành lập các đội công tác chung để khai quật các chiến trường và khu vực nơi có khả năng vẫn còn có thể được tìm thấy các hài cốt binh sĩ Mỹ. Lịch sử đã chứng minh, điều này không chỉ giúp xây dựng niềm tin giữa các quốc gia, mà còn chữa lành vết thương của cuộc chiến tranh trước đây.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận