Vận tải

Cơ hội nào cho máy bay của Honda trên bầu trời Việt?

30/05/2017, 11:26

Thông tin Honda công bố sẽ đưa máy bay của hãng này thâm nhập thị trường Việt Nam khiến nhiều người quan tâm.

18

Máy bay HondaJet có giá bán 4,5 triệu USD

Đại gia Việt sẽ sắm máy bay Honda?

Thông tin Công ty Aerospace Services của Thái Lan đã được Honda chọn là nhà phân phối máy bay HondaJet tại thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam đang khiến dư luận chú ý. Bởi về mặt công nghệ, Honda là “lính mới”. Còn về sức mua, đây là thời điểm các đại gia Việt kinh doanh khá chật vật, ngay cả những người sở hữu máy bay riêng ở Việt Nam đã phải sang tên đổi chủ (như trường hợp máy bay của bầu Đức mới đây).

Nikkei ASEAN Review, một trong những cơ quan truyền thông lớn nhất Nhật Bản thông tin, sau khi chọn được nhà phân phối, dự kiến Honda sẽ có các bước tiếp cận thị trường như giới thiệu sản phẩm, bay trình diễn. Cũng theo tờ báo này, từ tháng 12/2015 đến nay, HondaJet đã ký được hơn 100 đơn đặt hàng trên thế giới. Trước đó, HondaJet cũng đã được Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn kỹ thuật để vào thị trường này.

Máy bay HondaJet có giá bán 4,5 triệu USD. Máy bay có tốc độ tối đa 782km/h, vận tốc tiết kiệm 682km/h. Cự ly hoạt động lên tới 2.234km, trần bay 13.000m. Tốc độ cất cánh 20m/s. Đặc biệt, độ dài đường băng cất cánh chỉ 1.199m nên máy bay này phù hợp với những sân bay nhỏ. Tính đến tháng 5/2017, đã có 57 chiếc HondaJet được sản xuất trên toàn cầu.

Theo quy định chung của ngành Hàng không thế giới, để đưa vào khai thác một loại máy bay mới, nhà chế tạo phải có liên hệ chính thức với nhà chức trách hàng không (có đơn theo mẫu quy định). Trên cơ sở đó, nhà chế tạo sẽ cử chuyên gia sang làm việc với nhà chức trách hàng không sở tại trong khoảng 2 tuần. Sau đó, nhà chức trách hàng không nước sở tại cử người sang làm việc tại hãng để làm thủ tục công nhận lại tiêu chuẩn của nhà chế tạo máy bay. Ở cấp quốc gia, nhà chức trách hàng không 2 nước sẽ ký văn bản thỏa thuận cung cấp các thông tin liên quan đến quá trình khai thác loại máy bay đó, làm cơ sở đảm bảo cho an toàn khai thác của giai đoạn sau này. Tuy nhiên, trước khi hoàn tất những thủ tục này, nhà sản xuất vẫn có thể xin phép bay trình diễn hoặc tổ chức các hoạt động chào hàng, giới thiệu sản phẩm trên thị trường.

Tuy nhiên, trao đổi với Báo Giao thông, Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Võ Huy Cường cho biết vẫn chưa nhận được thông tin liên quan của nhà sản xuất Honda về việc đưa loại máy bay HondaJet vào khai thác tại thị trường Việt Nam.

Theo một chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực hàng không, động thái của Honda hiện tại cũng mới chỉ dừng ở mức giới thiệu sản phẩm, khuếch trương sản phẩm máy bay mới. Ngoài Honda, Việt Nam cũng từng là đích nhắm của nhiều nhà sản xuất và cho thuê dòng máy bay cá nhân, từ máy bay hạng sang như Bombardier Inc (Canada) đến máy bay trực thăng như Azur Helicopter (Pháp)… từ cách đây chục năm. Tuy nhiên, bất chấp những dự báo về việc gia tăng giới siêu giàu (tài sản trên 30 triệu USD/người) sẽ tăng mạnh trong 10 năm tới, lên đến khoảng 540 người vào năm 2026, vị này vẫn cho rằng, khả năng các đại gia quan tâm đến loại máy bay này sẽ không nhiều.

Muốn được bay cần rất nhiều thủ tục

Cục Hàng không VN cho biết, bất kỳ loại máy bay nào, không chỉ là mới mẻ như HondaJet mà cả những loại máy bay đã rất phổ biến như A320, B777… muốn được bay ở Việt Nam, sau khi trải qua bước xin phép nhập khẩu, đóng thuế, đăng ký chủ sở hữu, phải được nhà chức trách hàng không cấp Chứng chỉ khả phi chứng nhận đủ mọi điều kiện, tính năng kỹ thuật để bay. Theo nguồn tin riêng của Báo Giao thông, chiếc King Air350 nổi tiếng của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) sau khi nhập về cũng đã phải nằm trong kho tới 6 tháng trước khi được phép cất cánh.

Có được Chứng chỉ khả phi, muốn bay ở đâu, lại phải tiếp tục xin phép. Phó tổng giám đốc TCT Quản lý bay VN Trịnh Như Long cho biết, nếu bay tầm thấp phải xin phép Bộ Tổng tham mưu. Còn bay đường hàng không dân dụng, xin Cục Hàng không VN. Việc cấp phép bay có thể cấp theo từng chuyến hoặc bay thường lệ.

Thực tế, sau khi hoàn tất các vấn đề liên quan đến thủ tục, vấn đề làm đau đầu các ông chủ muốn sở hữu máy bay riêng chính là việc thuê người lái. Theo quy định, phi công lái máy bay thương mại ở Việt Nam chỉ được làm việc cho hãng hàng không đến 60 tuổi. Sau khi nghỉ hưu có thể ký tiếp hợp đồng hàng năm cho đến khi đủ 65 tuổi với điều kiện giờ bay tối đa sẽ giảm đi so với trước, hưởng lương theo thỏa thuận và phải đáp ứng được yêu cầu về sức khoẻ. Nếu lái cho tư nhân, phi công không bị giới hạn độ tuổi, chỉ cần có chứng chỉ được Nhà chức trách hàng không cấp và định kỳ hàng năm phải được cấp Giấy chức nhận sức khỏe đủ điều kiện lái máy bay.

Tuy nhiên, trước tình trạng khan hiếm phi công hiện nay, các đại gia Việt có máy bay riêng cũng ít có cơ hội thuê được phi công người nội địa và phải chấp nhận thuê phi công nước ngoài với mức lương đắt đỏ. Như trường hợp bầu Đức trước đó cũng phải bỏ ra một khoản tiền kha khá để thuê anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung lái chiếc KingAir 350 từ năm 2008 cho đến cuối năm 2016 mới nghỉ với mức chi phí cho người lái được tính theo giờ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.