Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực là cơ hội thu hút vốn, công nghệ và quản trị từ nhà đầu tư EU cho hệ thống ngân hàng Việt. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này không hề đơn giản đối với cả hai phía.
Ngân hàng yếu kém sẽ “bán mình”?
Theo Hiệp định EVFTA, trong vòng 5 năm kể từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, Việt Nam cam kết sẽ xem xét thuận lợi việc cho phép các tổ chức tín dụng EU nâng mức nắm giữ của phía nước ngoài lên 49% vốn điều lệ trong 2 ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam (không áp dụng với 4 ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank và Agribank). Đây được coi là cơ hội thu hút vốn và công nghệ, quản trị cho các ngân hàng Việt vốn đang thiếu thốn.
“Rất nhiều ngân hàng muốn kêu gọi nhà đầu tư. Họ cần vốn, công nghệ. Cũng cần cả câu chuyện quản trị nữa - những thứ mà ngân hàng Việt còn yếu kém”, lãnh đạo một ngân hàng tầm trung thông tin khi trao đổi với PV Báo Giao thông về cơ hội khi EVFTA có hiệu lực. Vị này cho biết, đây có thể coi là một cánh cửa, một cơ hội mới cho các ngân hàng Việt Nam lựa chọn nhà đầu tư có chất lượng.
Hiện nay, theo quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại tất cả các ngân hàng Việt không quá 30%, trường hợp nào muốn vượt thì phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, như trường hợp tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém chẳng hạn. “Bản thân rất nhiều ngân hàng hào hứng nhưng còn quan điểm của Chính phủ. Chính phủ có sẵn sàng mở cửa cho đối tác tham gia lĩnh vực nhạy cảm này chưa? Quy định có thể đã có nhưng thực hiện thì cần cụ thể chứ không phải nói mở ra nhưng vậy rồi các ngân hàng cứ thế làm”, vị này lý giải.
“Một số ngân hàng yếu kém sẵn sàng mời các nhà đầu tư nước ngoài tham gia. Thậm chí, nếu có cơ chế thì họ còn sẵn sàng bán 100%. Tôi không tiện nêu tên nhưng một số ngân hàng hiện đang gặp vấn đề lúc này đang rất khó khăn”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu thông tin với Báo Giao thông.
Ông Hiếu phân tích, với hệ thống ngân hàng Việt hiện có thể chia thành hai đối tượng: Những ngân hàng đang làm ăn tốt, có quản trị chặt chẽ thì họ muốn giữ cổ phần của họ ở trên mức cao để khống chế được quyền lực nên còn chần chừ, thậm chí một số ngân hàng không có nhu cầu. Bởi, nếu nắm giữ được 49% vốn rồi, lại kéo thêm được một cổ đông có 5% vốn thì tổng đã lên tới 54%, hoàn toàn có thể khống chế được hoạt động của ngân hàng.
Ngược lại, nhóm các ngân hàng yếu kém sẵn sàng “bán mình”. Và tỷ lệ 49% thậm chí còn khá hạn chế khi nhiều ngân hàng đang rất cần vốn. “Tôi đã làm việc với hai ngân hàng thuộc nhóm này. Cả hai đều cần lượng vốn rất lớn để phục hồi nợ xấu của họ. Nhưng với những ngân hàng như thế, mức 49% không đủ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài”, ông Nguyễn Trí Hiếu nói.
Chưa đủ mức hấp dẫn?
Khi EVFTA có hiệu lực, thị trường Việt Nam trở thành miếng bánh ngon, tiềm năng nên nhiều nhà đầu tư nước ngoài mặn mà và mong muốn được sở hữu trên 49%. Nếu thu hút được nhà đầu tư châu Âu, sẽ có lợi cho ba bên là nhà đầu tư, ngân hàng Việt và đặc biệt khách hàng tại Việt Nam khi đón nhận dịch vụ và sản phẩm chất lượng.
Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu
Theo tiêu chí mà các ngân hàng châu Âu lựa chọn để đầu tư, ông Hiếu cho biết đó phải là các ngân hàng đi theo chuẩn mực quốc tế như đã đáp ứng được chuẩn Basel 2, nợ xấu ở trạng thái tốt, hoạt động tín dụng cốt lõi…
Hiện, trên hệ thống đã có 15 ngân hàng đáp ứng chuẩn Basel 2 là: Nam A Bank, Vietcombank, VIB, OCB, TPBank, ACB, Techcombank, MB, HDBank, VietBank, MSB, SeABank… Trong đó, một số ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu (2019) tốt như ACB là 175%, MB là 110,5%... Nên khi loại trừ 4 ngân hàng quốc doanh lớn thì đây được coi là những ứng viên tiềm năng cho nhà đầu tư châu Âu. Tuy nhiên, theo ông Hiếu, việc đáp ứng Basel 2 tại Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu là yêu cầu về vốn, còn các yêu cầu khác như minh bạch thông tin, quản trị thì hầu hết ngân hàng này chưa đáp ứng được.
“Thành ra các nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn chần chừ, ngần ngại khi mua vốn ngân hàng Việt. Bên cạnh đó, theo tham khảo và nghiên cứu của tôi, ngân hàng nước ngoài ngại ngân hàng Việt vì rủi ro rửa tiền. Chia theo bậc từ 1 - 4 thì họ đánh giá các ngân hàng Việt Nam ở mức số 4, mức cao nhất. Dù Việt Nam đã có Luật Phòng chống rửa tiền năm 2014 rồi nhưng họ vẫn nghi ngờ cơ chế kiểm soát”, ông Hiếu nhận định.
Chuyên gia này lấy ví dụ, theo quy định, nếu khách hàng gửi cùng lúc tại một ngân hàng trên 300 triệu đồng thì ngân hàng phải gửi báo cáo lên NHNN và NHNN gửi báo cáo lên Cục Phòng chống rửa tiền. “Nhưng nay, với 300 triệu này, khách hàng chia thành 3 gói nhỏ gửi 3 chi nhánh khác nhau, ở Mỹ gọi hành động này là chia nhỏ và họ có phần mềm để kiểm soát nhưng hầu hết ngân hàng Việt chưa tra cứu được, chưa có hệ thống như vậy. Đó là một lý do mà ngân hàng Việt bị coi là chưa đi vào quỹ đạo quốc tế. Hơn nữa, ở những ngân hàng nhỏ và yếu kém thì mức hấp dẫn với ngân hàng châu Âu phải từ 51% trở lên”, ông Hiếu phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận