5 xe biển xanh của Sở LĐ,TB&XH Hà Nội được niêm phong sáng 1/3 và dự kiến sẽ được bán thanh lý |
Khi nào được thanh lý xe công?
Bắt đầu từ ngày 1/3, 8 đơn vị của Hà Nội gồm: Sở Tài chính, KH-ĐT, GTVT, LĐ, TB&XH, các quận Hà Đông, Long Biên và các huyện Thanh Trì, Gia Lâm bắt đầu thực hiện thí điểm khoán xe công. Toàn bộ xe ở các đơn vị này được niêm phong và sẽ bán thanh lý. Theo dự kiến, đến 1/10/2017, Hà Nội sẽ khoán xe công đồng loạt tại các đơn vị và ước tính tiết kiệm được khoảng 50 tỷ đồng/năm.
Xe ô tô công là tài sản của Nhà nước, vì vậy nó được điều chỉnh bởi Luật Quản lý tài sản Nhà nước. Theo đó, xe ô tô công sẽ được thanh lý khi hết hạn sử dụng hoặc khi bị hư hỏng không thể sử dụng được hoặc việc sửa chữa không có hiệu quả; Không còn nhu cầu sử dụng hoặc việc sử dụng không có hiệu quả. Thẩm quyền quyết định việc thanh lý xe ô tô công sẽ do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, người đứng đầu cơ quan khác ở T.Ư quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định trong phạm vi quản lý. HĐND cấp tỉnh phân cấp thẩm quyền quyết định thanh lý ô tô công thuộc phạm vi quản lý của địa phương. Thẩm quyền quyết định bán tài sản nhà nước tại cơ quan Nhà nước được thực hiện theo phân cấp của Chính phủ.
Luật đấu giá tài sản được Quốc hội thông qua tháng 11/2016 đã có những quy định khá chặt chẽ và hạn chế được nhiều các kẽ hở trong việc bán đấu giá tài sản Nhà nước. Ngoài ra, Luật Quản lý tài sản công để thay thế cho Luật Quản lý tài sản Nhà nước 2008 cũng đang được xây dựng và dự kiến sẽ được trình ra Quốc hội thông qua vào năm 2017. Tuy nhiên để các quy định của pháp luật phát huy được hiệu quả, đảm bảo không thất thoát, lãng phí thì việc công khai, minh bạch, tăng cường sự giám sát của nhân dân trong việc bán đấu giá tài sản Nhà nước cũng là một việc làm rất quan trọng. |
Các cơ quan, đơn vị có xe ô tô công nằm trong diện thanh lý hoặc bán sẽ phải lập hồ sơ trình lên cấp có thẩm quyền quyết định. Sau khi quyết định thanh lý hoặc bán ô tô công được phê duyệt thì ô tô công sẽ được bán đấu giá theo quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016.
Theo đó, cơ quan, đơn vị có xe ô tô công bán đấu giá sẽ tiến hành định giá (thông qua các công ty thẩm định giá hoặc thành lập hội đồng định giá) theo nguyên tắc phù hợp với giá thị trường. Việc bán đấu giá xe ô tô công sẽ phải thông qua các trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thuộc Sở Tư pháp hoặc các doanh nghiệp đấu giá tài sản có đủ tiêu chuẩn. Một số trường hợp khác, việc bán đấu giá ô tô công có thể thực hiện qua việc thành lập Hội đồng đấu giá tài sản (có đại diện của các cơ quan tài chính và tư pháp…). Việc bán đấu giá xe ô tô công cũng phải được niêm yết công khai ít nhất 7 ngày tại trụ sở của cơ quan có tài sản đấu giá, tại địa điểm đấu giá. Trong trường hợp xe đấu giá có giá khởi điểm từ 50 triệu đồng trở lên phải thông báo công khai ít nhất hai lần trên báo giấy hoặc báo hình của T.Ư hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên nghành về đấu giá tài sản.
Bên cạnh đó, xe bán đấu giá phải được trưng bày công khai tại địa điểm của cơ quan, đơn vị có tài sản hoặc tại địa điểm đấu giá ít nhất 2 ngày liên tục để mọi tổ chức, cá nhân tham gia đấu giá được xem tài sản trước khi buổi đấu giá diễn ra. Hồ sơ bán đấu giá phải được bán công khai, đơn vị thực hiện bán đấu giá phải ban hành quy chế bán đấu giá trong đó ghi rõ tên tài sản bán đấu giá, điều kiện tham gia, thời gian, địa điểm bán đấu giá, hình thức phương thức bán đấu giá… Phiên đấu giá bắt buộc phải do Đấu giá viên điều hành và tuân theo trình tự thủ tục do luật định. Có nhiều hình thức đấu giá như đấu giá trực tiếp, đấu giá qua bỏ phiếu, đấu giá trực tuyến. Phương thức đấu giá phổ biến hiện này là phương thức trả giá lên (người trả giá cao nhất so với giá khởi điểm sẽ thắng trong cuộc đấu giá).
Không chặt chẽ, màn đấu giá thành “vở diễn”
Có rất nhiều cách thức để biến một cuộc bán đấu giá tài sản Nhà nước thành một “vở diễn”. Đó là thiếu công khai minh bạch bằng việc che giấu thông tin để hạn chế số người biết đến việc bán đấu giá tài sản, bắt tay với các đơn vị thẩm định giá để giảm giá trị tài sản đấu giá, đưa ra mức giá khởi điểm thấp hơn giá trị thực tế nhiều lần.
Việc bắt tay thông đồng giữa các cơ quan, đơn vị có tài sản đem đấu giá với các đơn vị tổ chức đấu giá (là sân sau) cũng diễn ra khá phổ biến như đưa ra các điều kiện gây khó cho người tham gia đấu giá, hạn chế hoặc gây khó khăn cho việc mua hồ sơ đấu giá, cài cắm người quen để làm “quân xanh” trong các cuộc bán đấu giá. Trên thực tế, có không ít những cuộc bán đấu giá mà người tham gia đấu giá hầu hết là “quân xanh” được cài cắm vào để mua tài sản với giá rẻ hơn nhiều so với giá trị thực tế. Nếu không kiểm soát tốt và hạn chế những tiêu cực này thì ngân sách Nhà nước sẽ bị thất thu rất lớn, tài sản bán đấu giá sẽ rất khó thoát khỏi tay các “nhóm lợi ích”.
Việc tài sản Nhà nước luôn được “mua rất đắt, bán rất rẻ” không phải là chuyện lạ và có thể đã diễn ra khá phổ biến từ rất lâu.
Theo số liệu tại cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản Nhà nước, năm 2015, cả nước có 36.897 xe ô tô công đang được sử dụng trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (chưa bao gồm các xe của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các doanh nghiệp Nhà nước) với tổng nguyên giá gần 20 nghìn tỷ đồng. Như vậy xe ô tô công là một khối tài sản rất lớn.
Trong khi đó, theo thông tin từ Bộ Tài chính, 6 tháng đầu năm 2016, các bộ, nghành, cơ quan T.Ư đã thanh lý 264 xe ô tô công (tổng nguyên giá 79,68 tỷ đồng) nhưng chỉ thu về được 390 triệu đồng, tính bình quân mỗi chiếc xe bán ra có giá chỉ xấp xỉ 1,5 triệu đồng, thậm chí rẻ hơn giá bán sắt vụn - một câu chuyện khó tin nhưng có thật. Tuy đó là những chiếc xe đã qua sử dụng nhiều năm, việc bán xe có thể vẫn “đúng quy trình” nhưng câu chuyện bán tài sản Nhà nước cũng vẫn còn quá nhiều vấn đề bất cập cần khắc phục ngay.
Công ty luật Hừng Đông – Đoàn luật sư TP Hà Nội
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận