ĐBQH Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI phát biểu thảo luận tại hội trường ngày 5/11 |
Cơ hội quý giá nhưng “không thể không lo lắng”
Ngày 5/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về việc phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhận định việc tham gia CPTPP là cơ hội tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, cơ hội có thêm việc làm cho người lao động, cơ hội để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao đời sống của nhân dân. Đồng thời, cũng là cơ hội để đa phương hoá các quan hệ kinh tế quốc tế, đưa nền kinh tế thoát khỏi tình trạng phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường. Tuy nhiên, chúng ta cũng không thể không lo lắng và bài học từ việc thực hiện 10 FTAs đang có cho thấy rất rõ điều này. “Các FTAs từng hứa hẹn mang lại nhiều cơ hội, nhưng phần lợi ích thực sự đạt được của chúng ta còn khiêm tốn”, ông Lộc dẫn chứng.
Lợi ích cốt lõi của Việt Nam được đảm bảo Giải trình làm rõ thêm một số vấn đề, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh cho biết, sau khi Hiệp định CPTPP được phê chuẩn, Chính phủ sẽ có các chương trình, kế hoạch triển khai thực thi. Về việc đánh giá tác động của Hiệp định, trong quá trình đàm phán, Chính phủ đã tổ chức nhiều hình thức để lấy ý kiến rộng rãi những đối tượng chịu tác động trực tiếp của Hiệp định CPTPP. Sau khi đàm phán, Chính phủ đã yêu cầu Bộ KH&ĐT nghiên cứu, đánh giá, định lượng về tác động của hiệp định này đối với các chỉ số kinh tế cơ bản và đánh giá tác động này đã được gửi kèm theo báo cáo của Chính phủ đến các vị ĐBQH. Phó Thủ tướng khẳng định các lợi ích cốt lõi của Việt Nam được đảm bảo, chúng ta cũng giành được những bảo lưu và linh hoạt cụ thể để thực hiện hiệp định này một cách hiệu quả, có lợi cho đất nước. |
Ông Lộc đánh giá báo cáo của Chính phủ mới chỉ liệt kê các văn bản pháp luật sẽ phải sửa đổi hay ban hành mới theo yêu cầu của Hiệp định, điều đó là cần nhưng chưa đủ. Theo ông Lộc, chúng ta chưa có bất kỳ dự kiến nào về việc sửa đổi hay ban hành mới các chính sách, văn bản tuy không phải do Hiệp định trực tiếp yêu cầu nhưng cần thiết phải điều chỉnh dưới tác động của Hiệp định.
Dẫn chứng, Chủ tịch VCCI cho rằng, để thực hiện cam kết về thuế quan trong Hiệp định, chúng ta đã dự kiến ban hành Nghị định về Biểu thuế xuất nhập khẩu ưu đãi, nhưng lại chưa có được dự kiến nào về các chính sách để cân đối, bù đắp phần thu ngân sách bị thiếu hụt từ việc loại bỏ thuế theo cam kết (ví dụ biện pháp cắt giảm chi, tăng cường hợp tác công-tư, chống gian lận thuế và chuyển giá…). “Tôi e rằng, nếu không có ngay những dự kiến về việc này, khi nguồn thu thiếu hụt, liệu chúng ta có phải dùng đến các biện pháp tăng thuế, tăng phí, tận thu… khiến DN và người dân bức xúc?”, ông Lộc đặt vấn đề.
Đặc biệt, theo ông Lộc, cần nhấn mạnh công tác tổ chức thực hiện và hỗ trợ các đối tượng chịu tác động, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa và nhóm các đối tượng dễ bị tổn thương trong khu vực nông nghiệp, nông thôn... Nếu các đối tượng này không được hưởng lợi từ CPTPP thì việc thực thi Hiệp định này sẽ là một thất bại.
Dẫn Bảng xếp hạng môi trường kinh doanh do Ngân hàng Thế giới vừa công bố, Chủ tịch VCCI cho biết Việt Nam đứng thứ 69 trên thế giới và xếp hạng cuối cùng trong 11 nền kinh tế tham gia CPTPP. Tức là khoảng cách với thế giới còn quá lớn, cạnh tranh sẽ rất khắc nghiệt. Để vượt lên thách thức, cải cách cần phải được tăng tốc, kiên trì gỡ bỏ từng giấy phép con, từng thủ tục hành chính đang còn gây phiền hà...
Coi sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới
ĐB Thạch Phước Bình (Trà Vinh) đánh giá khi gia nhập CPTPP, Việt Nam sẽ phải mở cửa cho hàng hóa, dịch vụ của nước đối tác tại thị trường trong nước, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt hơn ngay tại sân nhà. Từ đó, ông đề nghị Chính phủ đánh giá thêm tác động về lợi ích, thách thức của việc tham gia Hiệp định CPTPP, trước khi trình Quốc hội xem xét phê chuẩn. Để tận dụng những cơ hội cũng như hạn chế những thách thức, ông Bình cho rằng các DN trong nước cần thay đổi tư duy kinh doanh, coi sức ép cạnh tranh là động lực để đổi mới và phát triển.
ĐB Lê Thu Hà (Lào Cai) nhắc lại quá trình với 7 năm cùng 40 vòng đàm phán, thành viên tham gia người thoái lui, người vắng mặt trong đàm phán và cho rằng, đây là hiệp định thương mại trắc trở, khó đoán định nhất lịch sử, nhưng cuối cùng cũng đạt được kết quả. Cho rằng CPTPP là một hiệp định có ý nghĩa bước ngoặt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam, bà Hà nhấn mạnh vấn đề lúc này là làm thế nào để chúng ta có thể triển khai hiệp định một cách có hiệu quả.
Bên cạnh những ưu đãi “vàng” CPTPP mang lại, bà Hà lưu ý, thách thức của nền kinh tế Việt Nam nằm ở năng lực cạnh tranh. Muốn nâng cao năng lực cạnh tranh đòi hỏi phải có đội ngũ nhân lực dồi dào cùng sự đào tạo tương xứng. Nếu không quyết liệt đổi mới mô hình tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường năng lực khoa học công nghệ, chúng ta sẽ bỏ lỡ thời cơ của Hiệp định CPTPP. Với FDI, cần phải đổi mới tư duy, chính sách theo hướng thu hút có chọn lọc, có điều kiện, không thu hút bằng mọi giá. Với thương mại, bên cạnh việc thực thi nghiêm túc các cam kết mở cửa thị trường, cần hết sức coi trọng sử dụng các công cụ, biện pháp phòng vệ phù hợp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận