Chuyện dọc đường

“Cơ hội vàng” giảm sâu mặt bằng lãi suất đã qua

Có thể nói bước sang những tháng đầu năm 2021, cơ hội vàng giảm sâu lãi suất cho vay dường như không còn bởi một số lý do.

img

Bước sang những tháng đầu năm 2021, cơ hội vàng giảm sâu lãi suất cho vay dường như không còn

Năm 2020, khi phân tích khó khăn thách thức và cơ hội của nền kinh tế Việt Nam từ góc nhìn tài chính, tôi thấy 100% các Ngân hàng Trung ương (NHTƯ) trên thế giới đều giảm lãi suất, bơm tiền hỗ trợ nền kinh tế để đối phó với đại dịch Covid-19.

Giá cả hàng hóa cơ bản, nhất là nguyên liệu đầu vào đều giảm, giá dầu của năm 2020 cũng liên tiếp giảm. Kinh tế của những nước lớn như Mỹ, Nhật, EU, Trung Quốc đều suy giảm, tổng cầu sụt mạnh, chuỗi cung ứng bị đứt gẫy. Những lý do đó để thấy lạm phát ở Việt Nam cũng sẽ duy trì ở mức thấp, kết quả năm 2020 CPI của chúng ta ở mức 3,23%.

Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mạnh tay ba lần giảm lãi suất điều hành, với tổng mức giảm 1 - 1,5%. Lãi suất liên ngân hàng (các ngân hàng cho nhau vay) liên tục giảm.

Các Ngân hàng thương mại (NHTM) đã giảm khá nhanh mức lãi suất huy động. Cuối năm 2020, lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng trong khối Big4 phổ biến ở mức 3,3 - 3,4%/năm; kỳ hạn huy động 6 tháng phổ biến 3,9 - 4%/năm, kỳ hạn huy động từ 12 tháng trở lên phổ biến 5,4 - 5,6%/năm.

Lãi suất huy động của khối NHTM cổ phần thấp nhất ở mức 3%/năm, phổ biến dao động 3,5 3,9%/ năm với kỳ hạn 3 tháng, 5 - 6,1% với kỳ hạn 6 tháng và cao nhất từ 7,1 - 7,3%/năm%/năm với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay lại giảm có tính nhỏ giọt. Cụ thể, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 7,5 - 9%/năm, lãi cho vay trung dài hạn vẫn 9,5 - 11%/năm.

Do đó, NIM (chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động bình quân) của quý II/2020 là 3,28% nhưng sang quý III tăng lên ở mức 3,67% cao nhất trong 12 quý liên tiếp và kết thúc năm thì nhiều ngân hàng vẫn báo lãi lớn.

Dự tính chia cổ tức của một số NHTM cổ phần mức khá cao 20 - 30% (cho dù chia bằng cổ phiếu thì cũng dùng lợi nhuận để tăng vốn). Có thể thấy thông điệp chia sẻ khó khăn của các ngân hàng với doanh nghiệp từ đầu năm 2020 là rất khiêm tốn.

Như vậy, với mặt bằng lãi suất cho vay vừa nêu, Việt Nam vẫn nằm trong tốp đầu của Asean. Chi phí tài chính khi đi vay cho doanh nghiệp vẫn chưa cải thiện được.

Trong khi đó, các NHTM hoan hỉ báo lãi lớn.

Nhưng điều này có đáng mừng?

Chưa hẳn! Cần phải nhìn dài hạn hơn sẽ thấy trên 30% dư nợ cho vay bị ảnh hưởng bởi Covid-19, việc cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nợ nhóm 1 theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN của NHNN chỉ là biện pháp tháo gỡ khó khăn tạm thời để khách hàng vay vượt qua khủng hoảng có cơ hội phục hồi trả nợ.

Nếu nợ chuyển nhóm, lãi không còn để ở dự thu thì mọi chuyện sẽ khác hoặc qua nhiều thao tác, ngân hàng có thể cho vay vòng trước thu vòng sau, nghĩa là cho vay thu lãi làm cho dư nợ bềnh lên nhưng không thực chất phục vụ sản xuất kinh doanh dễ tạo ra bong bóng tài chính, khi ấy nợ xấu bùng phát thì sẽ rất nguy hiểm. Cách làm này chúng tôi hay gọi vui là chuyển rủi ro cho tương lai.

Có thể nói bước sang những tháng đầu năm 2021, cơ hội vàng giảm sâu lãi suất cho vay dường như không còn bởi các lý do dưới đây:

Khi vaccine Covid-19 được tiêm ở nhiều nước cũng là lúc kinh tế thế giới có dấu hiệu phục hồi tích cực. Kinh tế các nước lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc bắt đầu khởi sắc hơn.

Theo WB, giá cả hàng hóa hai tháng hầu hết có xu hướng tăng, ngoại trừ nhóm kim loại quý. Điều này cho thấy lạm phát có thể gia tăng trở lại, điển hình nhất gần đây Fed cũng đưa thông điệp về khả năng lạm phát đạt mức 2%/năm và cân nhắc điều chỉnh lãi suất chính sách.

Lãi suất toàn cầu có xu hướng tăng, chỉ số lãi suất toàn cầu trong hai tháng đầu năm ở mức 4,85%. Một số NHTƯ trên thế giới đã điều chỉnh lãi suất chính sách.

Kinh tế trong nước phục hồi tích cực, chỉ số PMI theo ngành sản xuất của Việt Nam tăng tăng nhẹ 0,3 điểm trong tháng 2, hiện đạt 51,6 điểm. Tổng mức bán lẻ tăng 5,49% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,52%.

Những tháng còn lại của 2021, xu hướng giá cả sẽ tăng và cẩn trọng với lạm phát là không thừa. Điều này hàm ý rằng động thái giảm lãi suất điều hành của NHNN là rất khó xảy ra.

Điểm cốt lõi trong kinh doanh tính toán lãi suất đầu vào của NHTM thì chi phí dự phòng rủi ro cho khoản nợ xấu sẽ là thành tố của giá vốn đầu vào. Với nợ xấu của giai đoạn trước còn lại cộng với nợ xấu tiềm ẩn từ ảnh hưởng đại dịch Covid-19 sẽ làm cho lãi suất cho vay khó lòng giảm nổi trong thời gian tới.

Thêm nữa, gần đây tình trạng sốt đất xảy ra ở hầu hết các tỉnh, thành. Chứng khoán tăng điểm khá mạnh cho thấy dòng tiền đang chảy mạnh vào hai thị trường này sẽ làm suy giảm khả năng huy động vốn của hệ thống ngân hàng, báo hiệu chu kỳ giảm của lãi suất huy động và cho vay là không còn.

Đáng tiếc cơ hội vàng để giảm sâu mặt bằng lãi suất huy động và cho vay của nền kinh tế lại qua đi. Có lẽ chúng ta cần rút ra những kinh nghiệm về tính quyết liệt, đồng bộ trong chỉ đạo điều hành các chính sách vĩ mô.

Và đừng bao giờ quên rằng, dư nợ tín dụng chỉ thực chất tốt bền vững trên nền tảng khách hàng khỏe mạnh, cần sự chia sẻ khó khăn giữa ngân hàng với khách hàng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.