Ngày 19/4, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một đoàn công tác của UBND phường Bãi Cháy, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh thu giữ hàng hóa của một người phụ nữ bán rong rau củ quả.
Trong clip, người phụ nữ bán rau đứng bên cạnh chiếc xe máy cũ nát bị đổ ra đường liên tục khóc lóc, van xin cán bộ phường đừng lấy hàng hóa của mình. Sau một thời gian giằng co, lực lượng chức năng đã thu giữ phương tiện, rau củ quả và đưa người phụ này về trụ sở làm việc.
Vụ việc trên lập tức gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Có những người đồng tình, ủng hộ việc làm của chính quyền địa phương vì chị này đã vi phạm nhiều lần nhưng cũng có người phản đối vì cho rằng cứng nhắc khi người bán rau đã cầu xin.
Đành rằng đã là luật thì ai cũng phải chấp hành, song với vụ việc trên, nếu cách hành xử phát ngôn của cán bộ phường chuẩn mực, thấu đáo thì đã không gây bức xúc dư luận đến vậy. Nhất là trong bối cảnh nhiều người lao động nghèo đang rất khó khăn, đến mức Chính phủ phải dành cả gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng để giúp họ phần nào giảm bớt khốn khó trong thời điểm cam go như thời gian này.
Vụ việc của chị bán rau ở Hạ Long cũng làm người ta nhớ đến việc xử phạt hành vi vi phạm trong thời gian cách ly xã hội vừa qua. Trong đó, rất nhiều người dân đã bị xử phạt do không đeo khẩu trang, ra đường không có lý do cần thiết với số tiền hàng tỷ đồng. Thậm chí, có người lái xe ôm tháo khẩu trang ngồi ăn ở công viên cũng đã bị xử phạt.
Tuy nhiên, với một số cán bộ, đảng viên - cũng có hành vi tương tự như vậy, không hiểu sao họ lại không (hoặc chưa) bị xử phạt. Liệu có khoảng cách nào giữa người dân và những cán bộ, đảng viên đó không? Tại sao với cán bộ thì yêu cầu kiểm điểm rồi khiển trách hoặc chưa rõ hình thức xử lý? Tại sao không xử phạt ngay hành vi vi phạm rồi kiểm điểm trách nhiệm sau?
Điển hình, đến nay vẫn chưa thấy cơ quan nào ra quyết định xử phạt đối với 8 cán bộ, giảng viên Đại học Ngân hàng tụ tập ăn uống tại một chung cư ở Nhà Bè, TP HCM vào ngày 5/4.
Đến nay Ngân hàng Nhà nước mới chỉ thực hiện tạm đình chỉ công việc 15 ngày đối với 7 cán bộ, giảng viên. Và việc đình chỉ này lại phần lớn liên quan đến việc tử vong của một giảng viên khác để cơ quan chức năng điều tra.
Hay như vụ việc ông Lưu Văn Thanh, Phó chủ tịch HĐND huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước. Dù đến nay ông này đã bị cách hết chức vụ Đảng, song cũng chưa thấy cơ quan nào ra quyết định xử phạt người này về hành vi không đeo khẩu trang, không chấp hành quy định đo thân nhiệt khi có yêu cầu.
Bàn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Doãn Hải, Giám đốc Công ty Luật Hợp Danh Nam Việt Luật (Đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương) cho rằng, việc các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 là rất cần thiết và những kết quả đạt được đã phần nào chứng minh điều đó.
Tuy nhiên, hiện nay dư luận cũng rất quan tâm đến việc khi người dân vi phạm thì bị cơ quan chức năng áp dụng biện pháp xử phạt rất nhanh chóng, cả phạt tiền lẫn việc xử tù. Trong khi đối với cán bộ công chức vi phạm, việc xử lý lại không được như vậy.
“Vì thế, cần thực hiện thống nhất, không phân biệt cán bộ hay dân thường. Có như vậy mới bảo sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật, tạo sự đồng thuận, tăng thêm niềm tin của người dân, tránh việc người dân cho rằng, có “khoảng cách” giữa dân và cán bộ”, luật sư Hải nhấn mạnh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận