Đỗ Mạnh Hùng - kẻ quấy rối tình dục một cô gái trong thang máy, trước đó từng có những phát ngôn ngông cuồng khi bị lực lượng 141 xử lý vi phạm đang hứng chịu sự phỉ báng của dư luận. Thậm chí, cộng đồng mạng còn truyền nhau áp dụng các biện pháp “trừng trị” như dán ảnh cảnh báo tại các nơi công cộng với mong muốn dạy cho những kẻ tương tự một bài học.
Sự tức giận của dư luận là hoàn toàn có thể hiểu được khi mức phạt mà kẻ này gánh chịu chỉ là 200 nghìn đồng. Thậm chí, hắn còn phớt lờ lời đề nghị được xin lỗi công khai của nạn nhân.
Điều khủng khiếp nhất mà công chúng nhận ra sau vụ việc là lỗ hổng của pháp luật. Ở Việt Nam, quấy rối tình dục chưa được xem là một tội danh.
Trong khi chúng ta ngày ngày nói về bình đẳng giới và nhiều lời tốt đẹp dành cho sự tiến bộ của phụ nữ nhưng một Bộ luật Tố tụng hình sự đồ sộ vừa sửa đổi và thông qua năm 2015 lại không hề có dòng nào để định danh tội quấy rối tình dục.
Không như hiếp dâm, tấn công tình dục không phải là một tội hình sự ở Việt Nam và chỉ được coi như một vi phạm hành chính, chiểu theo quy định về hành vi và phát ngôn không đúng mực. Chính vì lẽ đó, cách đây 1 năm, một người đàn ông ở Quảng Trị cũng chỉ phải nộp phạt 200.000 đồng cho hành vi cưỡng hôn, cắn vào vùng môi, dùng tay sờ vào chỗ nhạy cảm của một đồng nghiệp nữ. Nhưng vụ việc đã nhanh chóng qua đi, các quy định bất cập không hề suy suyển cho đến khi Đỗ Mạnh Hùng tấn công tình dục một cô gái trong thang máy.
Thật chua chát khi phải nói rằng, nhờ một gã côn đồ, sự việc mới được nhìn nhận thấu đáo?
Có thể nói, chúng ta chưa hề có công cụ pháp luật để bảo vệ phụ nữ trước các hành vi quấy rối tình dục. Thật khó có thể chấp nhận điều này. Chúng ta đòi hỏi những nhà làm luật, những tổ chức bảo vệ quyền phụ nữ, hội phụ nữ các cấp phải giám sát để Quốc hội sớm sửa đổi Bộ luật Hình sự.
Có những trường hợp, sự trừng phạt của đạo đức xã hội sẽ làm thay luật pháp nhưng điều đó không thể phổ biến ở một nhà nước pháp quyền như Việt Nam.
Đời sống
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận