Đường bộ

Có nên áp dụng hợp đồng EC cho dự án cầu Đại Ngãi?

Hình thức hợp đồng EC sẽ phân định rõ trách nhiệm, đồng bộ thiết kế và xây dựng, giúp dự án đảm bảo tiến độ theo yêu cầu.

Đủ cơ sở pháp lý

Liên quan đến câu chuyện tiến độ, chất lượng dự án cầu Đại Ngãi, nhiều câu hỏi cũng đặt ra: Liệu đã đến lúc cần áp dụng hình thức hợp đồng hỗn hợp thiết kế và thi công xây dựng công trình EC (Engineering - Construction)? Hình thức hợp đồng này có những lợi thế gì nếu được áp dụng?

img

Phối cảnh cầu Đại Ngãi - Ảnh: Internet

Dưới góc độ pháp lý, hình thức hợp đồng EC đã được đề cập tại Điều 140. “Các loại hợp đồng xây dựng” của Luật Xây dựng.

Tuy vậy, tại khoản 3 Điều 141 của Luật này lại quy định “Chính phủ quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng”.

Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên QL60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng có mục tiêu xây dựng cầu Đại Ngãi 1, cầu Đại Ngãi 2 và đường dẫn. Tổng mức đầu tư dự án hơn 8.000 tỷ đồng.

Dự án có tổng chiều dài thiết kế toàn tuyến là 15,2km. Trong đó, phần cầu dài 3,42km, gồm: cầu Đại Ngãi 1 (2,56km) là công trình giao thông cấp đặc biệt, cầu Đại Ngãi 2 (0,86km) cầu dầm hộp bê tông đúc hẫng, công trình giao thông cấp I; phần đường (bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến) dài 11,78km.

Trong Luật Đấu thầu, hình thức hợp đồng EC được xác định rõ hơn: “Gói thầu hỗn hợp là gói thầu bao gồm thiết kế và cung cấp hàng hóa (EP); thiết kế và xây lắp (EC); cung cấp hàng hóa và xây lắp (PC); thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (EPC); lập dự án, thiết kế, cung cấp hàng hóa và xây lắp (chìa khóa trao tay).

Căn cứ và hai bộ Luật nêu trên, Điều 3. Các loại hợp đồng xây dựng của Nghị định số 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng như sau: “Hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng công trình (EC) là hợp đồng để thực hiện việc thiết kế và thi công xây dựng công trình, hạng mục công trình; hợp đồng tổng thầu thiết kế và thi công xây dựng công trình là hợp đồng thiết kế và thi công xây dựng tất cả các công trình của một dự án đầu tư xây dựng”.

Như vậy, việc triển khai thực hiện dự án theo hình thức EC cho dự án xây dựng cầu Đại Ngãi đã có đủ cơ sở pháp lý.

Tuy vậy, theo yêu cầu của Luật Xây dựng, Bộ GTVT cần phối hợp với các bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Xây dựng tham mưu và đề nghị Chính phủ ban hành “quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng” theo hình thức này để đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý khi áp dụng.

Thực tiễn triển khai thực hiện các dự án xây dựng giao thông những năm qua, nhất là các dự án lớn, phức tạp về mặt kỹ thuật, công nghệ đã gặp phải những vướng mắc không nhỏ giữa tư vấn và nhà thầu. Do hoạt động tư vấn thiết kế riêng rẽ với hoạt động thi công nên khi xảy ra các lỗi hay vi phạm, khó phân định trách nhiệm của các bên.

Hợp đồng EC sẽ xác định rõ trách nhiệm xuyên suốt của nhà thầu về chất lượng và tiến độ, rút ngắn được thời gian chuẩn bị đầu tư do công tác lựa chọn nhà thiết kế và xây lắp được thực hiện chỉ 1 lần.

Hình thức EC sẽ có được sự tập trung trách nhiệm trong việc thực hiện hai khâu quan trọng của dự án là thiết kế và xây dựng.

Do chỉ có một đơn vị thực hiện cả hai hoạt động này, các nội dung quản lý dự án tập trung về một mối, hạn chế được việc đổ trách nhiệm và khiếu nại lẫn nhau giữa các nhà thầu thiết kế và xây dựng.

Mặt khác, do cùng nằm trong một tổ chức nên phần thiết kế và xây dựng có thể phối hợp tốt hơn, việc thực hiện các thay đổi thiết kế dễ dàng hơn, ngay cả trong quá trình xây dựng; Đồng thời, phát huy được đầy đủ vai trò, tính chủ động và sáng tạo của các chủ thể tham gia quá trình thực hiện, nâng cao hiệu quả thực hiện dự án.

Trước những lợi thế ấy, để hình thức hợp đồng EC có thể áp dụng thuận lợi trong thực tiễn, Chính phủ cần phải có những quy định chi tiết về hình thức tổng thầu EC như: vai trò trách nhiệm của tổng thầu, thầu phụ do tổng thầu lựa chọn, quy định kiểm soát, xử lý những vấn đề phát sinh, quy định chế tài về thưởng, phạt…

Việc áp dụng mô hình tổng thầu EC với việc lựa chọn được doanh nghiệp có đủ kinh nghiệm chuyên môn, nhất là về kết cấu thép liên kết hàn, cầu thép liên kết hàn thế hệ mới, cỏ năng lực quản lý, có tiềm lực về tài chính… cho dự án cầu Đại Ngãi sẽ nâng cao được chất lượng, rút ngắn được tiến độ, sớm phát huy được hiệu quả của dự án này nói riêng.

img

Tính chất kỹ thuật phức tạp của cầu Đại Ngãi đòi hỏi cần có sự liên kết giữa các tư vấn, nhà thầu ngoại có kinh nghiệm với lực lượng tư vấn, nhà thầu trong nước - Ảnh minh họa.

Hợp tác với nhà thầu có kinh nghiệm để tránh rủi ro

Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi là một dự án lớn, phức tạp về điều kiện địa hình, địa chất, khí hậu. Đặc biệt, cầu dây văng Đại Ngãi 1 có nhịp chính 450m bằng dầm thép tiết diện chữ I liên hợp với bản mặt cầu bê tông cốt thép.

Có thể nói, đây là công trình có tính chất kỹ thuật phức tạp và hình thái kết cấu giống như cầu Vàm Cống đã được xây dựng gần đây.

Cần phải nói thêm, cầu Vàm Cống được thiết kế và giám sát xây dựng bởi Liên danh Dasan Consultants Co. Ltd., Kunhwa Consulting and Engineering Co. Ltd và Pyunghwa Engineering Consultants Ltd. (Hàn Quốc). Nhà thầu chính là Liên danh GS Engineering & Construction và Hanshin Engineering & Contrustion Co., Ltd (Hàn Quốc) với nhà thầu phụ là Cienco 1.

Theo tiến độ ban đầu, cầu chính sẽ hợp long vào tháng 9/2017, hoàn tất dự án vào tháng 11/2017 cùng với cầu Cao Lãnh nhằm đồng bộ kết nối hệ thống giao thông thông suốt giữa các tỉnh Tây Nam Bộ với khu vực kinh tế trong điểm phía Nam.

Tuy nhiên, quá trình triển khai, do dầm ngang bằng các bản thép tổ hợp hàn để neo đầu cuối của nhịp biên cầu chính bị xé nứt vào cuối năm 2017, việc thông xe phải ngừng lại để tìm nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục mất gần 1 năm rưỡi, mãi đến ngày 19 tháng 5 năm 2019 mới thông xe.

Nguyên nhân của sự cố này là do tư vấn thiết kế đã vận dụng sai các quy định khi tính toán thiết kế dầm ngang bằng các bản thép có chiều dày lớn liên kết tổ hợp hàn có chức năng neo ghìm đầu cuối của nhịp biên vào trụ neo. Trong khi đó, nhà thầu thi công và tư vấn giám sát lại thiếu kinh nghiệm và biện pháp kiểm soát chất lượng trong quá trình triển khai công tác hàn dầm thép nói chung.

Mặc dù đến nay, một số tổ chức tư vấn và nhà thầu trong nước đã tự thiết kế và thi công được các cây cầu dây văng nhịp lớn như: Dakrong, Sông Hàn, Rạch Miễu, Nhật Lệ, Bạch Đằng, Mỹ Thuận 2, Rạch Miễu 2,… nhưng kết cấu dầm chủ hầu hết là dầm bê tông thi công bằng công nghệ đúc hẫng đổ bê tông tại hiện trường với chiều dài nhịp giữa tối đa là 350m. Đối với trường hợp dầm chủ bằng thép mới được thi công xây dựng tại công trình cầu Dakrong (nhịp 90m).

Hơn nữa, việc áp dụng công nghệ hàn, sử dụng liên kết hàn cầu thép còn khá mới mẻ với đội ngũ thiết kế, thi công, giám sát chất lượng công trình cầu ở trong nước.

Thực tế gần ba mươi năm qua, kết cấu bê tông cốt thép và bê tông dự ứng lực chiếm tỉ trọng áp đảo trong xây dựng cầu ở Việt Nam nên việc sử dụng kết cấu thép hàn tổ hợp tại xưởng và hàn liên kết tại công trường để thiết kế và thi công các cây cầu, nhất là các cây cầu vượt nhịp lớn khó tránh khỏi những rủi ro.

Do vậy, đối với bước thiết kế kỹ thuật, triển khai xây dựng và giám sát chất lượng cần có liên danh giữa tư vấn, nhà thầu nước ngoài có kinh nghiệm trong lĩnh vực cầu thép hàn và tư vấn, nhà thầu trong nước để triển khai thực hiện dự án xây dựng cầu Đại Ngãi đã được duyệt.

Việc liên danh cũng là cơ hội để đội ngũ tư vấn trong nước cập nhật các kiến thức và kinh nghiệm thiết kế kết cấu thép nói chung, cầu thép nói riêng của các nước có trình độ về kết cấu thép hiện đại.

Các nhà thầu xây dựng trong nước cũng tiếp nhận được các công nghệ, trang thiết bị tiến tiến và hiện đại trong xây dựng cầu thép để đáp ứng xu thế sử dụng thép và các vật liệu có cường độ cao, tính năng cao, kết cấu nhẹ … để phát triển bền vững, tránh hủy hoại tài nguyên, ô nhiễm môi trường và đáp ứng nhu cầu xây dựng công trình lớn bằng thép nói chung và cầu thép ở Việt Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.