Việc có nên bắt buộc các phương tiện vận tải hàng hóa phải có phụ xe để chia sẻ bớt áp lực cho lái xe đang là vấn đề được quan tâm hiện nay, nhất là khi các vụ TNGT liên quan đến xe tải vẫn đang diễn biến rất phức tạp.
Để đảm bảo ATGT, cần thiết bổ sung quy định vận tải hàng hóa phải có phụ xe
Lái xe làm việc quá sức
Bắt đầu công việc lái xe từ 6h sáng và kết thúc vào 9h tối, trung bình mỗi ngày anh Nguyễn Văn Huy (Ninh Giang, Hải Dương) phải làm việc hơn 12 giờ và di chuyển khoảng gần 200km để nhận và giao hàng ở các tỉnh khu vực phía Bắc.
“Áp lực về giao và nhận hàng nên em ít khi được nghỉ trưa đúng giờ. Cũng bởi phải làm việc một mình, không có phụ xe”, anh Huy nói và chia sẻ, cũng đã từng có phụ xe nhưng làm chưa được bao lâu, họ đã nghỉ việc vì không chịu nổi áp lực làm tới mười mấy tiếng một ngày.
Anh Huy chỉ là một trong rất nhiều trường hợp lái xe vận tải hàng hóa thường xuyên phải làm việc một mình mà không có phụ xe trợ giúp.
Ông Bùi Văn Quản, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM cho hay, tình trạng này xảy ra tại nhiều doanh nghiệp vận tải. Thay vì trực tiếp thuê phụ xe, doanh nghiệp thường “khoán” cho lái xe một khoản tiền để lái xe tự thuê phụ xe.
Một số lái xe muốn tận dụng khoản này nên họ chấp nhận làm tăng thời gian để có thêm thu nhập. Nguồn cung lái xe đang bị thiếu hụt, nhất là trong hoàn cảnh dịch bệnh Covid-19 bùng phát, nhiều địa phương yêu cầu cách ly, dù không đồng tình với cách làm này của lái xe nhưng vẫn phải chấp nhận để “giữ chân” lao động.
Theo tìm hiểu của PV, Luật GTĐB năm 2008 không yêu cầu bắt buộc vận tải hành khách và hàng hóa thuê có phụ giúp.
Tuy nhiên, Nghị định 100/2019 có quy định mức xử phạt đối với vận tải hành khách không có nhân viên phục vụ trên xe, nhưng không quy định đối với phương tiện vận tải hàng hóa. Doanh nghiệp vận tải hàng hóa tùy thuộc vào phương án kinh doanh mà bố trí số lượng lái xe, nhân viên phục vụ cho phù hợp.
Các chuyên gia cho rằng, tình trạng này ít nhiều làm tăng áp lực cho tài xế, tăng nguy cơ mất ATGT do lái xe phải làm việc liên tục trong nhiều giờ. Không ít vụ TNGT xảy ra do tài xế buồn ngủ, không đảm bảo sức khỏe và một số lái xe đã tìm đến chất kích thích.
Chuyên gia JICA Phan Lê Bình cho biết, theo quy định lái xe không được lái quá 10 giờ/ngày và không được lái liên tục trong 4 giờ, lái xe phải có thời gian nghỉ ngơi để đảm bảo sức khỏe.
“Trước tình trạng các vụ TNGT liên quan đến xe tải vẫn đang diễn biến rất phức tạp như hiện nay, trong đó có không ít vụ liên quan đến việc lái xe làm việc liên tục dẫn đến buồn ngủ, rất cần bổ sung thêm các quy định chặt chẽ, khắt khe hơn đối với doanh nghiệp vận tải hàng hóa nhằm đảm bảo ATGT”, ông Bình nói.
Cân nhắc theo cự ly, tuyến đường, chủng loại hàng hóa
Nhiều ý kiến cho rằng, việc bổ sung quy định có thêm phụ xe trên phương tiện vận tải hàng hóa là cần thiết. Điều này có thể làm gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, nhưng có ý nghĩa quan trọng đảm bảo ATGT.
GS.TS. Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Đại học GTVT phân tích, lái xe, phụ xe của mỗi loại hình phương tiện đều có chức năng, nhiệm vụ khác nhau.
Phụ xe, lơ xe không chỉ là người phụ giúp cho lái xe những công việc về giấy tờ, kiểm tra phương tiện mà còn là người bạn đồng hành, giúp lái xe có thời gian nghỉ ngơi để tiếp tục hành trình an toàn.
Thông tư 12/2020 của Bộ GTVT quy định chi tiết về việc xây dựng và thực hiện quy trình đảm bảo ATGT đối với toàn bộ hoạt động kinh doanh vận tải. Trong đó, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải phải tìm hiểu, nắm bắt các điều kiện và tuyến đường vận chuyển loại hàng, quyết định việc bố trí lái xe, bố trí người phụ giúp và loại phương tiện vận chuyển nhằm đảm bảo ATGT.
Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN
Bổ sung quy định và hướng dẫn chi tiết về việc phải có nhân viên phục vụ trên xe tải không chỉ giúp chất lượng dịch vụ vận tải hàng hóa được nâng cao mà còn hạn chế các vụ TNGT đáng tiếc.
“Khi xây dựng quy định cần khảo sát ý kiến từ các đơn vị vận tải, lái xe, đảm bảo sự phù hợp ở cả khía cạnh ATGT lẫn kinh tế. Trước mắt, nên bổ sung quy định có thêm phụ xe cho nhóm phương tiện có nguy cơ rủi ro mất ATGT cao như các loại xe có trọng tải lớn từ 15 tấn trở lên hay xe container, sẽ hạn chế thấp nhất những tác động đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vận tải. Ngoài bổ sung quy định có thêm phụ xe, các doanh nghiệp vận tải cũng cần phải quản lý chặt chẽ hơn nữa điều kiện sức khỏe của lái xe, nhất là kiểm soát lái xe sử dụng chất kích thích”, ông Sùa kiến nghị.
Ông Đỗ Công Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ vận tải, Tổng cục đường bộ VN cho biết, hiện nay các doanh nghiệp vận tải hàng hóa căn cứ vào loại hàng, tuyến đường, cự ly vận chuyển để bố trí phụ xe.
Kết quả theo dõi cho thấy, những phương tiện vận tải hàng hóa hoạt động ở cự ly ngắn, tuyến đường hoạt động thuận lợi có thể không bố trí người trợ giúp.
Tuy nhiên, đối với hành trình có cự ly trung bình, hoặc cự ly dài, có hành trình đi qua các địa hình phức tạp, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều bố trí 2 lái xe hoặc bố trí người trợ giúp để đảm bảo ATGT.
Theo ông Thủy, thời gian tới, Tổng cục Đường bộ VN căn cứ vào dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình để theo dõi, giám sát thời gian hoạt động của lái xe nhằm đảm bảo tuân thủ đúng quy định hiện hành. Bên cạnh đó, ngành giao thông cũng có bổ sung quy định nhằm tăng hạn chế rủi ro mất ATGT đối với vận tải hàng hóa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận