Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 25/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương rà soát, làm rõ vai trò, sự cần thiết của Quỹ Bình ổn giá xăng dầu;
Kịp thời báo cáo, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cấp phép, điều hành cung ứng xăng dầu theo cơ chế thị trường, bảo đảm sản lượng sản xuất trong nước và nhập khẩu đáp ứng nhu cầu thực tế tiêu thụ.
Tăng cường quản lý thị trường, chủ động phương án điều tiết nguồn cung, bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa; Tập trung kiểm tra giám sát, quản lý các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối, cơ sở bán lẻ xăng dầu...
Người Hà Nội ùn ùn dắt "xế" đi đổ xăng giữa đêm 10/3, trước kỳ điều hành ngày 11/3 - thời điểm giá xăng lập đỉnh lịch sử, gần 30.000 đồng/lít
Nhiều Doanh nghiệp (DN) đầu mối được hỏi về điều này đều bày tỏ “bỏ quỹ này để giá xăng dầu trong nước diễn biến theo xu hướng giá thế giới sẽ hợp lý hơn”.
Bởi, thực chất quỹ này lấy tiền của chính người mua xăng dầu để "bình ổn" giá cho người mua xăng dầu.
Một DN đầu mối cho rằng, Quỹ bình ổn xăng dầu dương có nghĩa là đã thu trước tiền của dân. Nhưng lúc nào Quỹ âm (tiền của doanh nghiệp) thì họ than vãn. Điều này rất dễ xảy ra tình trạng hỗn loạn thị trường, không có xăng dầu để bán.
Trong khi, việc điều chỉnh giá xăng dầu thời gian vừa qua theo hướng tăng mạnh, khiến cho Quỹ liên tiếp chi và âm hàng tỷ đồng, thậm chí hàng chục, hàng trăm tỷ đồng tiền vốn của doanh nghiệp đầu mối, hoặc họ phải vay ngân hàng để bù vào. Điều này gây bức xúc nơi doanh nghiệp.
Hiện, giá xăng E5 RON92 không cao hơn 28.980 đồng/lít; Xăng RON95 không cao hơn 29.820 đồng/lít. Cả xăng E5 RON 92 và giá xăng RON tiếp tục lập đỉnh mới.
Tính từ đầu năm đến nay, xăng E5 RON92 đã tăng hơn 5.800 đồng/lít; xăng RON95 tăng gần 6.000 đồng/lít; dầu diesel tăng ở mức cao nhất là 7.000 đồng/lít; dầu hỏa tăng hơn 6.700 đồng/lít; dầu mazut tăng trên 4.600 đồng/kg.
Còn trường hợp giá xăng dầu ổn định, vai trò của Quỹ cũng tương tự một quỹ dự trữ từ nguồn đóng góp của người dân.
"Việc thu trước của người tiêu dùng 300 đồng/lít để tạo quỹ là nguyên nhân gây ra lạm phát thực tế và định kỳ điều chỉnh giá là nguyên nhân gây ra lạm phát kỳ vọng", lãnh đạo một DN đầu mối cho biết.
Một thương nhân phân phối khác băn khoăn: Quỹ bình ổn giá xăng dầu mang đậm tính can thiệp hành chính. Trong khi đó, cơ quan chức năng liệu có kiểm soát chặt chẽ quỹ này, vì việc sử dụng quỹ này trong thực tế chưa được công khai, minh bạch.
Chẳng hạn, chưa có quy định rõ ràng để lý giải khi giá xăng tăng bao nhiêu phần trăm sẽ trích quỹ bao nhiêu, khi nào sử dụng, khi nào không sử dụng quỹ...
Thừa nhận mục tiêu của Quỹ bình ổn xăng dầu là để hạn chế, không để tác động của giá thế giới tạo ra những biến động, những cơn sốt giá ở trong nước tác động bất lợi đến thị trường, đến sản xuất kinh doanh trong nước, tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, còn những điểm hạn chế cần được cải tiến.
Đó là, nên trích khi giá xăng dầu hạ, doanh nghiệp có lãi và ngay cả doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu kinh doanh có lãi cũng phải trích ra lập quỹ chứ không chỉ người tiêu dùng. Ngược lại, không trính khi giá tăng cao vì sẽ tạo áp lực lạm phát.
Còn về chi Quỹ bình ổn giá xăng dầu, chỉ chi khi giá biến động bất thường và phải định lượng rõ sự bất thường, xóa bỏ cách điều hành theo kiểu xem giá xăng dầu luôn bị biến động bất thường.
"Song, về lâu dài, khi không còn phụ thuộc vào việc nhập khẩu xăng dầu thế giới, tức là không phụ thuộc vào biến động của giá xăng dầu thế giới, sẽ có thể không cần quỹ này", ông Thỏa bày tỏ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận