Chưa trả hết nợ lại lo nộp thuế
Bộ Tư pháp đang tổng hợp, lấy ý kiến về Dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023. Trong các nội dung lấy ý kiến, đề xuất thu thuế nhà đang thu hút quan tâm của dư luận.
Đón nhận thông tin trên, anh Trần Văn Lộc (Nam An Khánh, Hà Nội) nhấp nhổm đứng ngồi không yên. Anh cho biết, hai vợ chồng anh đều là nhân viên vệ sinh môi trường, mỗi tháng thu nhập vỏn vẹn 12 triệu đồng. Số tiền ấy, vợ chồng anh chỉ đủ chi trả sinh hoạt gia đình như cơm áo, điện nước, học hành của 2 con...
Theo các chuyên gia, nếu đánh thuế nhà cần tập trung đánh vào lợi nhuận phát sinh khi giao dịch bất động sản, thay vì đánh thuế người dân đang sử dụng. Ảnh minh họa: Tạ Hải
Cuộc sống khó khăn, bố mẹ anh đã cắt cho hai vợ chồng hơn 40m2 đất xây nhà. Căn nhà 3 tầng cũng là tài sản được xây dựng từ các khoản vay của người thân, đến nay chưa trả hết.
“12 triệu đồng vừa phải chi tiêu sinh hoạt gia đình, dành dụm trả nợ, đóng thuế đất. Nay nếu phát sinh thêm khoản thuế nhà nữa, không biết lấy đâu ra. Không khéo lại phải bán nhà đi thuê trọ”, anh Lộc thở dài.
Chị Hoàng Thị Thu Loan (Phương Canh, Nam Từ Liêm, Hà Nội) cũng băn khoăn, chị có căn nhà 5 tầng, 30m2 chị xây từ năm 2012, đến nay đã 11 năm. Tính theo năm thì gần như hết khấu hao, không biết có phải đóng thuế không và nếu đóng thì đóng thế nào?
Tương tự, anh Đinh Văn Sơn (quận Thanh Xuân, Hà Nội) cũng cảm thấy lo lắng trước thông tin phải đóng thuế nhà. Anh Sơn giãi bày, được tiếng “nhà giàu” vì mua căn hộ 100m2 với giá 5,8 tỷ (58 triệu đồng/m2) trong khu đô thị nổi tiếng khu vực quận Thanh Xuân, thế nhưng ít ai biết, anh mua trả góp căn hộ tới 80% trong 10 năm. Theo lãi suất thả nổi hiện nay, gia đình anh mỗi tháng vẫn đang duy trì trả hơn 50 triệu đồng cả gốc lẫn lãi.
“Mấy năm trước hoạt động kinh doanh ổn định, khoản trả hàng tháng gia đình vẫn xoay xở được. Nhưng 3 năm nay, vợ thất nghiệp, hoạt động kinh doanh không ổn định, khoản tiền trên quả thực là gánh nặng. Còn khoảng 3 năm nữa mà không biết gánh nổi không, giờ lại thêm thuế nhà nữa, chắc “oằn lưng” vì nợ nần”, anh Sơn nói.
Theo thống kê không đầy đủ, tỷ lệ trả góp chiếm tới 60% khách hàng mua nhà. Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, GDP bình quân đầu người năm 2022 tuy có tăng gần 400 USD so với năm 2021 song vẫn chỉ ở mức 95,6 triệu đồng/người/năm, tương đương 4.110 USD.
Số tiền này chỉ đủ chi trả cho các khoản sinh hoạt. Trong khi giá nhà đất khu vực nội thành Hà Nội có nơi đã hơn 100 triệu đồng/m2. Như vậy với thu nhập trung bình kể trên, một người đi làm cả năm cũng chưa mua nổi 1m2 đất!
Thuế nên đánh vào lợi nhuận phát sinh khi giao dịch?
Trước thực tế trên, nhiều chuyên gia cho rằng, đề xuất thu thuế nhà cần được nghiên cứu thật kỹ. Trong đó chỉ nên tập trung vào nhà đất đầu cơ, bỏ hoang không đưa vào sử dụng.
Chuyên gia kinh tế, PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh đồng tình với quan điểm thu thuế cao với nhà bỏ hoang không đưa vào sử dụng bởi tình trạng này đang gây lãng phí nguồn lực đất đai. Cùng đó là hiện tượng đầu cơ, thổi giá dẫn đến tăng giá ảo, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội, tăng tỷ lệ chênh lệch giàu nghèo...
Tuy nhiên, ông Thịnh cũng cho rằng, cần cân nhắc khi áp dụng thu thuế với căn nhà đang sử dụng. Một số nước vẫn đang thu thuế nhà, song khi áp dụng vào Việt Nam cần xem xét thật kỹ các yếu tố: Mức thu nhập, nguồn thu nhập, sự công bằng giữa các đối tượng… từ đó đưa ra mức thuế phù hợp.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng luật sư Tinh Thông Luật cũng cho rằng, cần cân nhắc kỹ lưỡng khi đánh thuế nhà ở có giá trị cao. Đồng thời, việc đánh thuế phải công bằng với tất cả những người mua nhà. “Người mua nhà giá cao không có lỗi, không phải là đối tượng bị ép buộc chịu thuế cao. Bản thân họ hiện nay cũng đã phải nộp các khoản thuế cao hơn rất nhiều so với nhà ở có giá trị thấp”, ông Bình nói.
Theo luật sư, mục đích của Luật Thuế bất động sản nhằm khuyến khích xây dựng nhà ở để hạn chế đất bỏ hoang phí, để tạo công ăn việc làm, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và có giao dịch chuyển nhượng, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước... Nếu áp dụng máy móc, sẽ dễ dẫn đến tác dụng ngược, nhà giá cao, thuế nặng, không ai còn dám đầu tư, dám mua nhà ở tương xứng với nhu cầu ở ngày càng cao.
Luật sư Bình cho rằng, nếu đánh thuế nhà cần tập trung đánh vào lợi nhuận phát sinh khi giao dịch bất động sản. Lợi nhuận đó không phải do chủ nhà tạo ra mà giá trị tăng lên do Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng, xã hội xung quanh.
“Ví dụ như 1 căn nhà khi mua vào ở mức giá 1 tỷ đồng, khi bán ra ở mức giá 1,5 tỷ đồng. Vậy chúng ta tập trung tính thuế khoản lợi nhuận 500 triệu đồng sau khi trừ các chi phí chủ nhà đã đầu tư. Không nên tập trung đánh thuế người dân đang sử dụng, bắt họ bỏ tiền túi ra đóng thuế”, ông Bình nói.
Trước đó, Bộ Tư Pháp tổng hợp, lấy ý kiến về Dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023.
Theo đó, dự thảo đề nghị bổ sung nhà và công trình xây dựng vào đối tượng chịu thuế bất động sản. Căn cứ tính thuế nhà là diện tích đất, nhà, công trình xây dựng tính thuế. Giá thuế được tính trên 1m2, đất, nhà, công trình xây dựng tính thuế và thuế suất.
Chưa có mức thuế suất cụ thể, nhưng dự thảo định hướng, điều tiết thấp với nhà giá trị không lớn, điều tiết cao với nhà giá trị cao. Cụ thể: Đối với đất ở, nhà ở tách riêng đất ở, nhà ở để đánh thuế bất động sản: Đánh thuế theo biểu thuế suất lũy tiến từng phần.
Điều tiết thấp đối với những người sử dụng nhà có giá trị không lớn, chung cư bình dân, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; điều tiết cao với căn hộ cao cấp mức giá trên 50 triệu đồng.
Đối với nhà, đất lấn chiếm, nhà bỏ trống, nhà đất chưa đưa vào sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng theo đúng quy định, nhà đất sử dụng chưa đúng mục đích áp dụng mức thuế sất cao nhất đối với các loại đất đang dự kiến áp dụng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận