Chính trị

Có nên để dân trực tiếp bầu chủ tịch xã, phường?

22/01/2015, 10:31

Ý kiến đồng tình cho rằng, viiệc này vẫn đảm bảo nguyên tắc nhân dân bầu và quyền lực vẫn bị giám sát.

31

Nếu để dân bầu trực tiếp chủ tịch xã, phường, giám sát của toàn dân đối với người đứng đầu do mình bầu ra sẽ chặt chẽ hơn

Người đứng đầu nên do dân bầu ra

Theo ông Ngô Văn Minh, Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, nếu tiến tới để người dân được trực tiếp bầu chức danh Chủ tịch UBND xã, phường thì quyền dân chủ của nhân dân được đảm bảo hơn. “Quyền dân chủ ấy cũng được thực hiện một cách trực tiếp hơn, giám sát của toàn dân đối với người đứng đầu do mình bầu ra sẽ chặt chẽ hơn.

Nói chung, đây là một cơ chế rất tiến bộ. Tuy nhiên, một khi đã muốn đổi mới hay cải tiến phải nghiên cứu thật thấu đáo, còn nếu chưa nghiên cứu thấu đáo thì tốt nhất là nên giữ như hiện nay”, ông Minh nêu quan điểm.

Không ngại vận động
hành lang

Theo ông Ngô Văn Minh, nếu thực hiện đề xuất dân bầu trực tiếp chủ tịch xã, phường, cần phải chú trọng tới việc vận động hành lang, có quy định chặt chẽ chứ không thể xem thường, phải cẩn trọng nếu không sẽ có những lợi ích, quyền lợi không phù hợp chi phối.

Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Đương, không nên chỉ hiểu “vận động” là đi chia tiền, đi nịnh nọt nhân dân. Việc đó nếu có thì chỉ có trong một số ít người mà thôi. “Bây giờ, người dân tinh lắm, nên không phải ai muốn làm chủ tịch thì đi vận động dân là được đâu.

Nhưng xét ở một góc độ khác, nếu vận động bằng cách hứa với dân sẽ làm được việc này việc kia, đảm bảo được quyền này hay lợi ích khác thì đó là điều rất tốt”, ông Đương nói và cho rằng, về cơ chế giới thiệu người để dân bầu, cần có sự lãnh đạo và định hướng của Đảng, đưa ra những người đảm bảo tiêu chuẩn, sau đó dân tìm hiểu, đánh giá và lựa chọn.

Liên quan đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương, ông Minh cho rằng, tạm thời không nên đặt vấn đề là bỏ HĐND hay không tổ chức HĐND ở cấp này, cấp kia.

Bởi nếu theo đúng tinh thần của Hiến pháp, thì ở đâu có đơn vị hành chính là có chính quyền địa phương, đã có chính quyền địa phương thì phải có cơ quan thực thi quyền lực và cơ quan giám sát quyền lực.

Nếu không thực hiện được theo phương án đó, thì phải thống nhất theo tư duy đổi mới hiện nay. Theo đó, bỏ HĐND cấp phường, còn chức danh Chủ tịch UBND phường sẽ do dân trực tiếp bầu ra.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Đỗ Văn Đương, Thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, đề xuất dân bầu trực tiếp chủ tịch xã, phường là một đề xuất sáng suốt.

“Tôi thấy đây là một đề xuất quá hay, quá sáng suốt. Vì xã, phường là nơi thể hiện dân chủ trực tiếp nhất, nên muốn đạt được hiệu quả tối ưu, người đứng đầu nên do dân bầu ra. Khi dân bầu, dân cũng trực tiếp giám sát. Việc tổ chức cho dân bầu trực tiếp ở xã, phường cũng đơn giản, không tốn kém lắm nên đề xuất này hoàn toàn khả thi”, ông Đương phân tích và nhận định thêm, khi trao quyền cho dân, dân sẽ bầu những người nào dân thấy tin cậy và xứng đáng nhất.

Sau đó, nếu những người này không làm được việc thì nhân dân hoàn toàn có quyền kiến nghị bãi miễn. Điều đó thể hiện sự giám sát của nhân dân đối với người đứng đầu địa phương. Tuy nhiên, với đề xuất này, chỉ nên áp dụng với những nơi không có tổ chức HĐND, còn nơi nào có HĐND thì để HĐND bầu và giám sát luôn.

Chỉ nên thí điểm

Không đồng tình với những quan điểm trên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền lại cho rằng, đề xuất dân bầu trực tiếp chủ tịch phường không dễ thực hiện. Đề xuất dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND phường liên quan đến mô hình tổ chức địa phương, đến trình độ dân trí, đến cộng đồng, đến cơ chế giám sát…

Vì liên quan đến nhiều thứ, nên để đưa vào thực hiện sẽ không hề dễ dàng. Dân bầu trực

tiếp là một hình thức của dân chủ trực tiếp. Đây là một chế định khá mới ở Việt Nam, cho nên khi nghiên cứu về chế độ dân chủ trực tiếp, trưng cầu dân ý, bầu trực tiếp một số chức danh, đều phải dựa trên cơ sở về lý luận, nền tảng của lý luận chứ không thể làm theo cảm tính.

Theo ông Quyền, hiện nay, cơ chế bầu cử của nước ta đang từng bước được hoàn thiện. Ngay cả việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND cũng vẫn chưa hoàn thiện. “Mở rộng dân chủ trực tiếp là cần thiết, nhưng mở rộng thế nào phải có bước đi thích hợp trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề về lý luận, vì lý luận chỉ đường cho thực tiễn. Nếu thực tiễn không có lý luận thì sẽ không đem lại hiệu quả”, ông Quyền khẳng định.

Trong khi đó, ông Chu Sơn Hà, Phó trưởng Đoàn ĐBQH Hà Nội lại cho rằng, đề xuất này chỉ nên áp dụng ở nơi có dân trí cao. “Việc để cho dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND phường, chỉ nên áp dụng ở những khu vực có dân trí cao. Vì ở những khu vực này, người dân thường có trách nhiệm với công việc chung hơn.

Còn nếu ở vùng dân trí không cao, chưa đủ yêu cầu thì không nên áp dụng vì dễ dẫn đến những lựa chọn sai lầm, làm sai lệch mục đích, gây ảnh hưởng không tốt đến tổ chức chính quyền”, ông Hà nêu quan điểm.

Hoài Thu

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.