Gắn hộp đèn “taxi điện tử” sẽ minh bạch tất cả xe taxi chạy trên đường là cần thiết - Ảnh: Tạ Tôn |
Dự thảo thay thế Nghị định 86 đưa ra quy định, taxi tính tiền qua phần mềm điện tử như Uber, Grab sẽ phải gắn mào “taxi điện tử”. Sau vụ việc Grab mua lại Uber mới đây, nhiều ý kiến lại tranh luận về việc có nên hay không gắn mào cho loại hình này để tránh độc quyền.
Gắn mào sẽ được bắt khách vẫy như taxi truyền thống
Theo Điều 6 của dự thảo sửa đổi Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô quy định, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi có hành trình và lịch trình theo yêu cầu của hành khách; cước tính theo đồng hồ tính tiền (hoặc thông qua phần mềm) căn cứ vào kilômét xe lăn bánh, thời gian chờ đợi. Xe taxi sẽ bao gồm cả taxi truyền thống tính tiền theo đồng hồ và taxi tính tiền thông qua ứng dụng phần mềm điện tử.
Đáng chú ý, dự thảo nghị định quy định về kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tính tiền thông qua phần mềm có phù hiệu “XE TAXI” gắn trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe theo quy định của Bộ trưởng Bộ GTVT và phải gắn mào “taxi điện tử” cố định trên nóc xe.
Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể khẳng định, loại hình kinh doanh vận tải hành khách ứng dụng phần mềm kết nối như Uber, Grab có bản chất giống như taxi. Do vậy, cần đưa ra quy định để các đơn vị này kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam phải hoạt động đúng quy định pháp luật Việt Nam, đúng quy định của WTO, đảm bảo chế độ chính sách, quyền lợi cho lái xe, người lao động theo pháp luật Việt Nam. |
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định, xe taxi tính tiền thông qua ứng dụng phần mềm điện tử kết nối với thiết bị điện tử của hành khách phải cung cấp cho hành khách hóa đơn điện tử, trong đó có các thông tin về chuyến đi gồm: Tên đơn vị, biển kiểm soát xe, điểm đầu, điểm kết thúc; hành trình, cự ly di chuyển; thời gian bắt đầu và kết thúc chuyến đi, số tiền hành khách phải trả. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải bằng xe taxi được lựa chọn hộp đèn với chữ “taxi” hoặc “taxi điện tử” để gắn cố định trên nóc xe trong trường hợp xe taxi sử dụng cả phương thức tính tiền bằng đồng hồ và phần mềm. Với taxi truyền thống, vẫn giữ nguyên mào taxi và có sơn, logo biểu trưng của doanh nghiệp.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội cho rằng, gắn hộp đèn “taxi điện tử” sẽ minh bạch tất cả xe taxi chạy trên đường là cần thiết. Uber, Grab có nhiều lợi thế hơn taxi truyền thống, đặc biệt là không bị khống chế số lượng xe, không bị cấm đường. “Dự thảo Nghị định 86 đang quy định 3 loại hình là: Taxi điện tử, xe hợp đồng điện tử và xe du lịch điện tử nhưng bản chất dịch vụ của 3 loại hình này như nhau, đều dùng xe dưới 9 chỗ, chỉ khác nhau ở cách tính tiền bằng phần mềm và đồng hồ tính tiền”, ông Hùng nói và đề xuất: “Phải gộp xe hợp đồng điện tử và taxi điện tử thành một”.
Ở chiều ngược lại, nhiều tài xế Grab, Uber cho rằng, việc gắn mào “taxi điện tử” lên xe sẽ gây ra nhiều khó khăn cho công việc và cuộc sống của họ. Anh Nguyễn Văn Doanh, một tài xế Grab tại Hà Nội chia sẻ, nếu quy định gắn mào được thực thi, các taxi Uber hay Grab sẽ phải lắp, tháo dỡ liên tục gây phiền toái và mất thời gian.
“Ngoài khách hàng trong hệ thống, chúng tôi có thể đón được khách vẫy dọc đường gây nhiễu loạn”, anh Doanh nói.
Dự thảo thay thế Nghị định 86 đưa ra quy định, taxi tính tiền qua phần mềm điện tử như Grab, Uber sẽ phải gắn mào“taxi điện tử” - Ảnh: Tạ Tôn |
Quy định giá trần, giá sàn cho taxi công nghệ
Ngoài việc lắp mào, nhiều ý kiến cho rằng, để đảm bảo công bằng giá trong hoạt động vận tải, đảm bảo quyền lợi cho khách hàng, giải pháp khác cần tính tới là quy định mức giá trần và sàn cho taxi công nghệ.
Theo ông Lê Đình Quý, Phó giám đốc Công ty CP Ánh Dương VN (Vinasun), Uber, Grab cho rằng, hợp đồng ký kết giữa Uber, Grab với khách hàng đã được công khai minh bạch, thuận mua, vừa bán. Uber, Grab có thời điểm giảm giá thấp, nhưng cũng có lúc áp mức giá rất cao mà hành khách không được biết cho đến khi phải trả tiền. Uber, Grab được tùy tiện đặt giá, tăng giảm giá theo ý đồ kinh doanh, giá cước “nhảy múa” vào dịp cao điểm, nhất là ngày lễ, Tết là bất hợp lý và vi phạm Luật Cạnh tranh. “Cần quy định taxi công nghệ phải đăng ký giá với cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể là công bố mức giá trần, giá sàn xem thấp nhất là bao nhiêu, cao nhất là bao nhiêu để khách lựa chọn”, ông Quý đề xuất.
Ở góc độ khác, ông Nguyễn Công Hùng cho rằng, ngoài giá, cần khống chế cả số lượng, niên hạn xe của taxi công nghệ như của taxi truyền thống. “Chúng tôi ủng hộ việc gắn hộp đèn cho taxi điện tử nhưng với điều kiện, loại hình này cũng được quản lý chặt chẽ”, ông Hùng nói và cho biết, sau khi Grab mua Uber, gần như Grab một mình một chợ nên nguy cơ độc quyền rất cao. Do đó, phải quy định giá trần, giá sàn để bảo đảm minh bạch.
Bà Phan Thị Thu Hiền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Bộ GTVT đã yêu cầu Uber và Grab thực hiện đúng các quy định tại Nghị định 86. “Đến nay, Grab đã có phù hiệu, logo taxi; Uber chọn hình thức xe hợp đồng. Pháp luật không cấm hình thức xe hợp đồng, nhưng doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký hoạt động, cung cấp phần mềm, nếu đăng ký thêm kinh doanh vận tải phải cấp giấy phép kinh doanh và chịu quản lý về điều kiện kinh doanh vận tải.
“Khi gắn mào “taxi điện tử” cho Uber, Grab có nghĩa là loại hình này đã được xếp “cùng một ô” với taxi truyền thống. Việc lái xe bắt khách vẫy dọc đường là điều không tránh khỏi. Vì vậy, công tác thanh, kiểm tra hoạt động của Grab, Uber nếu phát hiện vi phạm như: Không có đăng ký kinh doanh vận tải, không có giấy phép, phù hiệu nhưng vẫn kinh doanh sẽ xử phạt, thậm chí là thu hồi giấy phép kinh doanh sẽ được tăng cường”, bà Hiền nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận