Gia tăng nguy cơ mất ATGT
Liên quan đến việc đề xuất của UBND tỉnh An Giang, trao đổi với PV Báo Giao thông, lãnh đạo Cục CSGT (Bộ Công an) nói, Cục CSGT chưa nhận được văn bản chính thức gửi cơ quan này. “Khi có văn bản gửi chính thức về việc đề xuất tạm giữ biển số xe hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe thay vì giữ xe mô tô, gắn máy do vi phạm giao thông đường bộ, Cục CSGT sẽ có ý kiến”, lãnh đạo Cục CSGT nói.
Vừa qua, UBND tỉnh An Giang đã có văn bản đề nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành quy định cho phép các lực lượng chức năng tạm giữ biển số xe hoặc giấy chứng nhận đăng ký xe thay vì giữ xe/phương tiện như hiện nay.
Lý do đưa ra đề xuất là nhằm hạn chế tạm giữ phương tiện vi phạm giao thông trong điều kiện thiếu bến bãi kho tạm giữ phương tiện, tránh lãng phí lớn đối với tài sản xã hội và chi phí bảo quản; thủ tục hoàn chỉnh hồ sơ tịch thu phương tiện vi phạm theo quy định mất nhiều thời gian (từ 3-4 tháng)...
Về đề xuất này, trao đổi với PV Báo Giao thông, Thiếu tá Nguyễn Ngọc Anh, Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, theo quy định pháp luật, phương tiện tham gia lưu thông trên đường bộ phải có đủ các loại giấy tờ, phương tiện phải có biển số, giấy đăng kí xe, giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật...
Quá trình TTKS, xử lý vi phạm giao thông, nếu các phương tiện vi phạm ở mức đơn giản thì theo quy định, người điều khiển có thể sẽ bị tạm giữ GPLX, đăng kí xe. Còn với những vi phạm giao thông có thể gây nguy cơ TNGT cao, có thể áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tạm giữ phương tiện. Đây là hình thức xử phạt nhằm ngăn chặn phương tiện tiếp tục tham gia giao thông, có thể gây nguy cơ TNGT. Đồng thời cũng tạo sự răn đe, giáo dục nâng cao ý thức cho người vi phạm giao thông. Do đó, việc chỉ tạm giữ biển số xe mà để xe vi phạm tiếp tục tham gia lưu thông có thể tiềm ẩn nguy cơ TNGT.
Tương tự, Thiếu tá Lê Văn Tiến, Đội phó Đội CSGT số 9 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho rằng, đề xuất của tỉnh An Giang là sáng tạo nhưng không thể áp dụng tràn lan. “Có những vi phạm liên quan đến nguồn gốc phương tiện phải tạm giữ như: Vận chuyển hàng hoá trái phép, hàng lậu, hàng hoá dễ cháy nổ… hoặc người điều khiển sử dụng rượu, bia, ma tuý... Với những vi phạm này, nếu không tạm giữ, sẽ tiềm ẩn nguy cơ tai nạn, nguy hiểm”, Thiếu tá Tiến phân tích.
Thu biển thật sẽ làm biển giả
Trao đổi với PV, một cán bộ CSGT làm công tác xử lý vi phạm cho biết, thực tế cho thấy, nhiều người đi xe máy trị giá chỉ 3-4 triệu đồng, nếu uống rượu bia và bị phạt với mức tiền tương đương thì có khả năng họ sẽ bỏ xe luôn. “Đúng là để dành diện tích kho bãi trông giữ những chiếc xe này thì cũng lãng phí. Nhưng chắc chắn giữ biển số thì người dân lập tức làm lại biển số mới, bởi ngoài thị trường vô số điểm dập biển số giả như thật, rất tinh vi”, vị cán bộ này nói và cho rằng, để thuận tiện hơn, nên chăng cần nghiên cứu, điều chỉnh lại quy trình, thủ tục tạm giữ, thanh lý xe.
Có thể quy định loại xe nào, giá trị ra sao thì phạt giam bao nhiêu ngày, quá thời gian quy định bao nhiêu ngày thì Nhà nước sẽ thanh lý thay vì thủ tục dài dòng, phức tạp như hiện nay.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Hội Luật gia TP HCM cho rằng, không nên tạm giữ biển số xe hoặc giữ giấy tờ thay cho tạm giữ phương tiện, vì tháo biển số này thì người điều khiển xe dễ dàng làm một biển khác để đi. Hơn nữa, việc tạm giữ phương tiện là hình thức xử phạt bổ sung nghiêm khắc, có tính răn đe, giáo dục cao.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), pháp luật hiện hành không có quy định tước biển số xe vi phạm giao thông. Do đó, UBND tỉnh An Giang đề xuất Chính phủ mà Chính phủ đồng ý, thì phải đưa quy định này vào luật, mà muốn đưa vào luật thì Quốc hội mới có thẩm quyền.
“Luật hiện hành chỉ quy định tạm giữ phương tiện, và khi tạm giữ phương tiện thì không thể tháo rời một phần phương tiện để tạm giữ được”, luật sư Cường nói và phân tích, nếu chỉ tạm giữ biển số xe, giấy tờ xe thay vì giữ xe, thì người vi phạm vẫn sẽ dùng phương tiện đó tham gia giao thông bằng cách đặt in và lắp một biển số giả, hoặc chạy xe không biển số, không giấy tờ ra đường.
Hơn 37.000 xe bị tạm giữ thành sắt vụn
Theo thống kê của Bộ Công an, từ năm 2013 đến tháng 9/2019, công an các đơn vị, địa phương đã tạm giữ gần 4,3 triệu phương tiện giao thông đường bộ, trong đó có 248.938 ôtô (chiếm 5,8%) và gần 4 triệu môtô.
Đến tháng 9/2019, tại các đơn vị địa phương còn tồn đọng 136.989 phương tiện quá thời hạn bị tạm giữ chưa xử lý được, gồm 722 ôtô, 134.073 môtô và 2.144 phương tiện khác. Việc tạm giữ quá lâu dẫn đến tình trạng nhiều phương tiện bị hỏng hóc, cũ nát, không sử dụng được. Trong tổng số 136.989 phương tiện tồn đọng có 37.006 phương tiện đã hư hỏng.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận