Thiệt hay lợi?
Đầu tháng 1/2020, chị Nguyễn Thanh T. (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) dồn góp tiền trong gia đình được gần 70 triệu đồng để mang gửi tiết kiệm. Sau khi khảo sát phòng giao dịch một số ngân hàng gần nhà, chi T. đã chia thành 2 khoản để gửi.
“Nhân viên ngân hàng nói nếu gửi tiền online thì lãi suất sẽ cao hơn so với gửi sổ nhưng rất rủi ro nên tôi không dám dồn hết tiền vào đó mà chỉ gửi một phần online thôi”, chị T. cho biết.
Với khoản này, chị T. được hưởng lãi suất 4,8%/năm. Phần còn lại, chị T. đã chọn gửi sổ tại một ngân hàng khác nhỏ hơn nhưng lãi suất lên tới 5%/năm. Đáng nói, cả hai khoản chị T. đều gửi với kỳ hạn chỉ 1 tháng. Chị T. cho biết, đã tham khảo gợi ý của các nhân viên và được biết trước Tết lãi suất thường xuống thấp hơn bình thường nên chỉ gửi kỳ hạn ngắn để ra Tết sẽ đổi kỳ hạn khác.
Chị Mai Thu H. (trú tại quận Hà Đông, Hà Nội) cũng vừa mang hơn 60 triệu đồng chưa dùng đến gửi ngân hàng để yên tâm khi về quê ăn Tết. Chị T. cũng chỉ chọn gửi kỳ hạn ngắn và được hưởng lãi suất 5%/năm khi gửi sổ tại quầy.
Theo tìm hiểu của PV, các ngân hàng đang duy trì lãi suất huy động trong khoảng 4,1-5,0%/năm với kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, từ 5,3-7,4%/năm cho kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và từ 6,4-7,5%/năm áp dụng cho kỳ hạn từ 12 tháng. Chỉ một số ngân hàng nhỏ có mức lãi suất cao hơn như Ngân hàng Nam Á Bank có lãi suất cao nhất là 8,6%/năm nhưng lại áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng và với khoản tiền gửi trên 500 tỷ đồng.
Lãi suất huy động tại các ngân hàng đã có dấu hiệu “hạ nhiệt” so với các tháng trước. Theo một nhân viên ngân hàng Techcombank tại phòng giao dịch Bắc Linh Đàm, lãi suất trước Tết thường không cao. Nhất là thời điểm hai tuần trước Tết Nguyên đán, lãi suất gửi tiền còn giảm do thời điểm này doanh nghiệp và người dân có xu hướng mang tiền gửi tại ngân hàng để yên tâm ăn Tết. Nhưng ngay sau Tết, các ngân hàng sẽ đẩy lãi suất kèm theo các chương trình khuyến mại và quà tặng để huy động tiền gửi.
Theo phân tích của các chuyên gia, đây là vấn đề chu kỳ bởi trước Tết Nguyên đán các doanh nghiệp sẽ rút một lượng tiền mặt lớn để trả lương, thưởng; Người dân cũng rút tiền chi tiêu, mua sắm... Do đó, ngày Tết các ngân hàng sẽ phải hút tiền về bằng cách đưa ra những chính sách hấp dẫn như tăng lãi suất, tặng kèm quà…
Bên cạnh đó, các ngân hàng vẫn phải tăng cường nguồn để đảm bảo an toàn vốn và đảm bảo tỷ lệ vốn vay ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống mức 40%. “Điều này là điều tất yếu”, chuyên gia Lê Đăng Doanh nhận xét.
Năm 2020 lãi suất huy động có thể giảm nhẹ
Với dự báo lạc quan hơn, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, lãi suất năm 2020 sẽ ổn định. Năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đã mạnh tay cắt giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng cũng cắt giảm 2-3 đợt (tùy từng ngân hàng) nhưng sang năm 2020 điều này sẽ khó xảy ra, nhất là những tháng đầu năm.
Đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ có dư địa để xem xét cắt giảm các loại lãi suất điều hành nếu tăng trưởng GDP chậm lại đáng kể. Do đó, mặt bằng lãi suất huy động nói chung được dự báo sẽ duy trì như hiện tại, khó có khả năng giảm sâu.
Trong báo cáo đầu tháng này, chuyên gia kinh tế của Công ty Chứng khoán SSI cho biết, năm 2020 lãi suất có khả năng hạ thêm do chủ trương hạ lãi suất từ Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Bên cạnh đó, thanh khoản hệ thống ngân hàng được duy trì ở trạng thái tốt cũng sẽ là cơ sở để hạ thêm lãi suất. Vấn đề hạ lãi suất chỉ là nhanh hay chậm do “biến số” giá cả hàng hóa và thị trường ngoại hối.
Đối với tác động của yêu cầu tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay dài hạn về dưới 40%, SSI cho rằng, sẽ tùy từng ngân hàng nhưng định hướng giảm tỷ lệ vốn huy động ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ còn gần 3 năm nữa mới kết thúc.
“Tuy vậy, những diễn biến vừa qua cho thấy việc kiểm soát các ngân hàng nhỏ đã có hiệu quả, từ đó hạn chế bớt các cuộc chạy đua lãi suất trong tương lai”, chuyên gia SSI nhận định.
Theo chuyên gia kinh tế, TS. Trịnh Quang Anh, diễn biến lãi suất năm 2020 sẽ tương tự như năm 2019 với ba nhân tố chủ yếu ảnh hưởng tới triển vọng thị trường tiền tệ là dòng vốn vào, các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PboC) tác động tới chỉ số đô-la Mỹ và đồng nhân dân tệ. Cùng với đó là dòng tiền của Kho bạc Nhà nước.
“Chúng tôi xây dựng 2 kịch bản: Kịch bản cơ sở và kịch bản 2 tương ứng với các nhóm giả định khác nhau, từ đó có tác động khác nhau tới từng nhân tố cốt lõi, cuối cùng, có tác động khác nhau đến một số biến chính cần dự báo như: Tỷ giá USD/VND, lãi suất thị trường tiền tệ và lợi suất trái phiếu chính phủ”, ông Trịnh Quang Anh phân tích.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận